Hiệp hội xuất bản ASEAN là tổ chức kết nối các nhà xuất bản, các công ty sách trong toàn khối. Với dân số hơn 600 triệu dân, đây là khu vực đang được cả thế giới quan tâm, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà cả các lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa, du lịch, đầu tư, thương mại.
Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN thúc đẩy hoạt động xuất bản trong khu vực
Hiệp hội xuất bản ASEAN có 8 nước thành viên. Hai nước Lào và Campuchia hiện mới là quan sát viên. Hai quốc gia này chưa có Hội Xuất bản và chưa đệ đơn chính thức lên Hiệp hội để xin gia nhập.
Hiệp hội thành lập từ năm 2005 tức đến nay đã 12 năm. Việt Nam chúng ta là một trong 5 nước sáng lập lên Hiệp hội. Các nước luôn phiên nhau làm Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Nhiệm kỳ hiện nay sẽ kết thúc vào tháng 12 tới và Myanmar là Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
Hiệp hội xuất bản có 7 tiểu ban là Hội sách và hợp tác quốc tế; Pháp luật và bản quyền; Đào tạo và phát triển; Xuất bản chung, dịch thuật, marketing và phát hành sách; Kết nạp thành viên, thông tin, website và công nghệ; Văn hóa đọc; Giáo dục. Các nước thay nhau được phân công phụ trách các tiểu ban. Hiện nay Việt Nam và Malaysia cùng Singapore cùng phụ trách và lo về vấn đề thành viên, thông tin, website và công nghệ.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với các đồng nghiệp trong khu vực tại hội nghị các lãnh đạo Hiệp hội Xuất bản ASEAN. |
Có tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội mới thấy hội xuất bản các nước rất mạnh và Việt Nam ta vẫn còn khiêm tốn quá.
Chưa kể đến Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair tại Đức là do Hội Xuất bản Đức lập ra và quản lý điều hành, mà ngay hội sách quốc tế Kuala Lumpur đang rất lớn tại đây cũng do Hội Xuất bản Malaysia đứng ra tổ chức. Có điều các nước khác trên thế giới, các nhà xuất bản và các công ty sách tuyệt đại đa số là tư nhân và họ toàn quyền xuất bản. Họ không phải xin phép, khồng cần giấy phép xuất bản, giấy phép phát hành. Họ xuất bản và hoàn toàn chịu trách nhiệm về xuất bản phẩm của họ.
Trong kỳ họp lần này còn bàn về chủ đề tự xuất bản. Tức các cá nhân tự xuất bản tự bán sách của mình. Không cần đến các công ty sách hay các nhà xuất bản. Chuyện này ở Việt Nam còn rất xa vời.
Cần nói thêm rằng hầu hết các nước đều có quỹ dịch thuật nhằm quảng bác và giới thiệu những cuốn sách có giá trị của nước mình ra các thứ tiếng khác trên thế giới. Việt Nam là quốc gia duy nhất chưa có quỹ dịch thuật. Tôi rất mong chúng ta sớm có quỹ này. Cũng có thể các thành phố lớn và có ngân sách cũng như muốn ủng hộ sách và và văn hóa đọc như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng… có thể xây dựng quỹ dịch thuật.
Những tín hiệu vui từ hội nghị thường niên của Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN
Chúng ta là sáng lập viên của Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN. Hiện chúng ta đang trong tiểu ban lo về website và công nghệ. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực để cùng Malaysia ra mắt trang web chính thức của Hiệp hội từ tháng 6 tới.
Tại hội nghị, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có văn hóa đọc đang phát triển mạnh và được quan tâm. Tháng 10 năm ngoái, trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội đã diễn ra phiên họp của Hiệp hội và đại diện các nước đều có mặt đông đủ. Họ đánh giá rất cao sự tiếp đón, chương trình nghị sự cũng như nội dung của phiên họp Hà Nội.
Hơn thế nữa, Chủ tịch và Tổng thư ký là luân phiên. Nhiệm kỳ 2016 – 2017 lẽ ra Việt nam nhận trách nhiệm này nhưng vì vướng kế hoạch Đại hội Hội Xuất bản nên chúng ta chưa nhận và Myanmar đã đảm nhiệm nhiệm vụ lãnh đạo Hiệp hội Xuất bản ASEAN.
Và ngày hôm qua, trong nghị sự, lãnh đạo các nước lại đề xuất Việt Nam nhận lãnh đạo khối trong nhiệm kỳ 2018-2019. Nếu nhất trí thì tháng 12 năm nay hoặc trong dịp cuối năm lễ bàn giao sẽ được diễn ra giữa Myanmar và Việt Nam.
Các nước trong khu vực đánh giá cao mô hình Đường sách TP.HCM và mới đây là Phố sách Hà Nội của Việt Nam. Ảnh: Lê Hiếu. |
Theo kế hoạch, từ 26/9 đến 1/10 sẽ diễn ra Hội sách Quốc tế Hà Nội. Ngay hôm qua, chị Phan Lan Tú – Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chính thức mời các nước đến tham gia Hội sách Hà Nội. Mỗi quốc gia sẽ được Hà Nội cung cấp 1 gian hàng để trưng bày và giới thiệu sách của mình. Đây là một tín hiệu tốt đẹp.
Trưởng đoàn các nước cũng đề xuất phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 26 và 27/9 tới.
Các bạn ASEAN cũng rất vui khi biết tin dự kiến biên bản nghi nhớ về hợp tác giữa Hà Nội và hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair sẽ được ký ngày 24/4 nhân dịp Hội nghị đầu tư của thủ đô.
Có 1 tin vui khác là các bạn ASEAN theo dõi rất kỹ việc ra đời của Đường sách TP.HCM và Phố sách Hà Nội. Tổng giám đốc điều hành thành phố sách Kota Buku cho rằng Phố sách Hà Nội đẹp hơn Phố sách Nhật bản. Nhiều ý kiến thậm chí bình luận đây là phố sách đẹp nhất thế giới. Đồng nghiệp các nước ASEAN đang sắp xếp để sang Hà Nội tham quan và học tập.
Các nước ASEAN rất vui khi biết tin Hà Nội Việt Nam đã chính thức đăng ký làm khách mời danh dự Guest of Honor của Frankfurt Book Fair năm 2021. Thực ra từ nay đến đó, mỗi năm đều có các nước đã được chọn rồi. Năm nay là Pháp. Sang năm 2018 là Georgia tức Grudia. Sau đó là Na Uy và 2010 là Canada. Nếu được hội đồng chấp thuận thì 2021, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 2 của Đông Nam Á sau Indonesia là khách mời danh dự.
Cũng trong phiên họp hôm qua, các nước ASEAN khuyến khích nhau đăng ký bởi các kết quản thu được từ khi làm khách mời danh dự rất lớn. Trong mọi lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, đầu tư. Riêng du lịch từ Đức vào Indonesia đã tăng 300%. Tuy nhiên khối lượng công việc là rất lớn.
Các bạn rất muốn phiên họp Hiệp hội xuất bản ASEAN tiếp theo sẽ diễn ra tại Hà Nội và sẽ bàn những vấn đề lớn hơn để phát triển văn hóa đọc của cộng đồng hơn 600 triệu dân chúng ta.