Chẳng hạn Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga từng nói “không muốn cặp đại gia”, vài năm trước khi xảy ra vụ kiện tình tiền giữa cô và đại gia Cao Toàn Mỹ gây xôn xao dư luận vào tháng 6.
Chẳng hạn Hoa khôi Phạm Thị Thanh Hiền từng tuyên bố “nói không với scandal” và coi trọng “vẻ đẹp tâm hồn”, vài năm trước khi bị phát giác có hành vi bán dâm và môi giới mại dâm nghìn đô ở TP.HCM vào cuối tuần qua.
“Làm công ăn lương” mà sống đời sang chảnh
Khi được hỏi vì sao chọn mua chiếc túi Hermes Birkin đắt đỏ bậc nhất (1,5 tỷ đồng), Ngọc Trinh - người từng thừa nhận có quan hệ tình cảm với đại gia đã có vợ - từng nói: “Khi tôi có điều kiện, tôi muốn mua chiếc túi đắt nhất”.
Câu nói thẳng thắn, thật thà như người ta vẫn nghĩ về cô người mẫu nổi tiếng, nhưng cũng thể hiện một điều: người nói dường như không màng đến giá trị đồng tiền. Giá trị đó không nằm ở chuỗi số không dài ngoằng, mà nằm ở công sức người ta dành để kiếm ra nó.
Hoa hồng nhung rải trên siêu xe trong "Vòng eo 56", như lời tuyên bố ngầm: đón nhận vật chất nhưng đi kèm phải là tình yêu. |
Mới giữa tháng 8, dư luận còn truyền nhau thông tin về một cô hot girl trẻ tuổi, từng dính scandal giật người yêu của một hot girl kiêm diễn viên nổi tiếng, sau một năm chuyển xuống Sài Gòn gia nhập showbiz đã tậu được căn hộ chung cư 2 tỷ đồng. Đọc tin đó, nhiều người xuýt xoa ao ước, cũng nhiều người bĩu môi: “Biết làm nghề gì rồi nha”.
Đó mới là hot girl nổi lên từ mạng xã hội, còn những người đã có danh hiệu (hoa hậu, á hậu hơi khó thì hoa khôi, á khôi, người đẹp, nữ hoàng…) liên tục phủ kín truyền thông qua việc tham dự các sự kiện. Trong đó, họ mặc gì và trị giá bao nhiêu là thông tin quan trọng nhất.
Trên mặt báo không ngày nào thiếu thông tin về những chiếc túi Hermes, những bộ đầm Gucci, những đôi giày Louboutin, những chiếc xe Audi, những căn hộ cao cấp có lẽ đều được sắm theo tiêu chí “đắt nhất thì mình mua thôi”.
Các tít báo giật lên những con số cao ngất, khiến hàng vạn cô gái trẻ ghen tị xen lẫn khao khát. Một cuộc sống sang chảnh, bắt bạn với những người nổi tiếng, những chuyến du lịch hạng sang, những bữa tiệc lấp lánh các nhãn hàng, những phát ngôn đoan chính, những món tiền tiêu hoài không hết…
“Em không phải là gái” - cũng chính Ngọc Trinh, trong bộ phim Vòng eo 56 nói về cuộc đời cô, đã “thanh minh” cho chính mình. Toàn bộ những nhà xe váy vóc giày dép phục vụ lối sống xa hoa này, theo cô (nhân vật trong phim - không nên quá đánh đồng với con người ngoài đời), là thoả đáng. Xuất phát từ tình yêu, người đàn ông muốn chu cấp. Xuất phát từ tình yêu, cô xứng đáng đón nhận sự chu cấp.
Trương Hồ Phương Nga được dư luận thông cảm, nhưng vẫn tồn tại một mâu thuẫn trớ trêu giữa lời nói (tuyên bố "không cặp đại gia") và hành động của cô. |
Còn Trương Hồ Phương Nga, cô gái vừa làm dậy sóng dư luận cách đây hai tháng vì vụ kiện tình tiền ầm ĩ, cũng từng nói: “Anh Mỹ là người yêu của tôi, tôi xác định là mối quan hệ nghiêm túc nên anh Mỹ phải lo cho tôi. Đây không phải là quan hệ qua đường”.
Nếu theo giấy tờ là 16,5 tỷ đồng cho 7 năm, tức 196 triệu đồng/tháng. Ai cũng có thể thấy mức “lương” này là rất cao so với mặt bằng chung, vượt xa thu nhập những người lao động trung lưu trong một đất nước nghèo như Việt Nam.
Tất cả chúng ta đều "bán mình", vấn đề là "bán" như thế nào?
Cuốn sách To Sell is Human (đã được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề Từ bản năng đến nghệ thuật bán hàng), tác giả Daniel H.Pink khẳng định: Để kiếm sống, tất cả chúng ta đều “bán” một thứ gì đó. Theo nghĩa đen, tất cả đều “bán mình”, hay đúng hơn là “bán sức lao động của mình”.
Vấn đề là sức lao động trong lĩnh vực nào, cần đến những bộ phận nào của cơ thể? Phương Nga nói có ý đúng, cô “làm công ăn lương”. Cô cũng “bán sức lao động”. Nhưng liệu cô có tự hỏi, tại sao đều là “làm công ăn lương” - nghe chẳng khác gì các nhân viên văn phòng hay công nhân nhà máy - nhưng cô lại dính tai tiếng suýt thân bại danh liệt, bị chính vị đại gia mà cô nhận là “người yêu” lập kế hoạch đẩy cô vào tù?
Nếu trường hợp Phương Nga hay Ngọc Trinh trong phim Vòng eo 56 còn mập mờ về mối quan hệ tình tiền, thì ở trường hợp 45 người mẫu, người đẹp được môi giới bởi 3 Á khôi và Hoa khôi (trong đó có Phạm Thị Thanh Hiền) vừa bị phát hiện cuối tuần qua, sự việc đã được gọi đúng tên của nó: bán dâm.
Phạm Thị Thanh Hiền phô diễn một cuộc sống "không scandal": dự sự kiện, làm từ thiện, đi du lịch nước ngoài... trước khi bị phát hiện tham gia tổ chức đường dây bán dâm nghìn đô. |
Trong đường dây này, mức giá dành cho các hoa khôi, diễn viên điện ảnh là 1.000 đến 2.500 đô mỗi lượt, còn với người mẫu nghiệp dư, người mẫu quảng cáo... đi khách là 500-1.000 đô. Hoạt động bán dâm diễn ra tại TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc… và cả nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Nếu là sex tour hạng sang ở nước ngoài, giá có thể lên đến 4.000 đô.
2.500 đô là gần 57 triệu đồng, còn 4.000 đô tương đương 91 triệu đồng. Trên mặt báo, các con số đều được ghi bằng tiền Tây có lẽ để cho người đọc Việt Nam đỡ… tủi thân.
Liên tưởng thêm một chút, hơn 16 lần của 4.000 đô thì bằng giá một chiếc túi Hermes Birkin da cá sấu bạch tạng (65.000 đô).
Rất nhiều cô gái bước vào những sự kiện xa hoa, xách chiếc giỏ da động vật quý hiếm có giá bán bằng thu nhập nhiều năm dành dụm của một người bình thường, lại xuất thân từ một vùng quê quanh năm túng thiếu (nếu bộ phim tiểu sử về Ngọc Trinh mô tả chân thực).
Cảnh nghèo khiến họ ghê sợ, họ phải chạy trốn khỏi nó. Còn cuộc sống giàu sang, một khi đã bước chân vào, người ta khó có thể trở ra. Và chỉ công việc với mức “lương” cao vút không tưởng kia có thể đủ chi trả cho nó. Còn trên mặt báo, họ vẫn duy trì hình tượng gắn với “vẻ đẹp tri thức và tâm hồn” đến khi nào có thể.
Đôi khi, sau những đêm “làm công ăn lương” trở về căn hộ, từ cửa sổ chiếc xe hơi hạng sang, họ nhìn ra và thấy những cô gái đứng đường với giá vài trăm nghìn một lượt. Có trời mới biết họ nghĩ gì lúc đó.