Tranh không thể minh họa cho thơ được. Bức tranh vẽ trên cảm hứng từ một bài, một câu thơ nên được coi là “văn bản hai” của bài thơ đó hoặc một cách hiểu, cách cảm khác về bài thơ đó. Qua bức tranh, bài thơ sẽ được dài rộng ra, bài thơ ấy sẽ sống thêm một đời sống khác, một đời sống bằng hình màu mà chỉ hội họa mới tạo ra được.
Mối quan hệ giữa thơ và họa được các diễn giả bàn luận trong tọa đàm “Từ thi ca đến hội họa”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện song hành triển lãm "Về bến lạ" của họa sĩ Lê Thiết Cương với những tác phẩm vẽ trên cảm hứng từ thơ của Đặng Đình Hưng, diễn ra vào cuối tuần tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Buổi toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương.
Các diễn giả mang đến buổi toạ đàm những câu chuyện về thi ca và hội họa, gợi mở góc nhìn khác về những tác phẩm tranh được lấy cảm hứng từ thơ.
Từ trái qua: Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại tọa đàm tối 19/3. Ảnh: Liên Giang. |
Sự song hành giữa thi ca và hội họa
Cuộc tọa đàm song hành triển lãm chia sẻ với mọi người cái nhìn về những tác phẩm hội họa vẽ trên cảm hứng thi ca, các diễn giả đã bàn luận xung quanh chủ đề tranh không chỉ minh họa cho thơ. Mỗi một loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Cho dù với thi ca, hội họa là hàng xóm, nó vẫn sống độc lập.
Vì thế, tranh không thể minh họa cho thơ được. Là họa sĩ dành nhiều năm trong nghề để thiết kế sách và vẽ minh họa cho các tập thơ, họa sĩ Lê Thiết Cương có những luận giải sâu hơn về vấn đề này.
“Liệu có nên gọi là minh họa cho thơ theo nghĩa đen không? Bởi mỗi loại hình nghệ thuật tồn tại được đều có ngôn ngữ riêng của nó. Cho dù với thi ca, hội họa là hàng xóm, nó vẫn sống độc lập", họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Ông cũng khẳng định rằng: “Những minh họa thơ là văn bản hai của thơ, một cách cảm thơ khác bằng hội họa với hình, màu, bố cục, bút pháp và chất liệu. Nói nó là minh họa thì tội nghiệp cho hội họa".
Đồng tình với ý kiến này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Từ lâu, văn hóa phương Đông đã có câu 'cầm, kỳ, thi, họa', cho thấy mối quan hệ giữa hai nền nghệ thuật này đã được gắn bó và kết nối với nhau".
Trong thơ có một khái niệm không thể bác bỏ, đó là "thi ảnh". Thơ dường như có thi điệu và có gì đó dựa vào hội họa. Trong đời sống văn nghệ, một khoảng thời gian dài, người ta thường nghĩ thơ và nhạc gắn liền với nhau.
“Hôm nay, việc gắn bó giữa thi và họa ngày càng phát triển. Càng ngày, giữa thi và họa là cặp song tấu với nhau, họa không phải phần đệm nữa mà mỗi loại hình có một biểu cảm. Khi các nhà thơ luôn gắn bó với các họa sĩ, những bài thơ của họ sẽ được chắp cánh từ chính những rung cảm của họa sĩ", nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nói.
Hình ảnh tại triển lãm "Về bến lạ" gồm các bức tranh, gốm sáng tạo với cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng. Ảnh: Phòng tranh Lý Quốc Sư. |
Hội họa và thi ca "tuy hai mà một"
Khi nói về những minh họa thơ trong cuốn Sự mất ngủ của lửa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Mỗi bài thơ có một hình ảnh riêng, một cấu trúc riêng, mỗi câu chuyện cụ thể. Có người nói thơ gợi mở một bức tranh hay tranh gợi mở một bài thơ. Nhưng tôi lại nghĩa rằng trong bài thơ có chứa đựng một bức tranh và bức tranh đó đã chứa đựng một bài thơ".
"Nghĩa là nó trộn lẫn nhau và chuyển động liên tục. Hội họa và thi ca tuy hai mà một, cái này là cảm hứng gợi mở cho cái kia, không có cái nào làm chính hay làm nền. Hai cái đó luôn tách biệt nhau trong ngôn ngữ, tựa như hai bờ sông, nếu không có một trong hai, sẽ không có sự cộng hưởng của nước, tạo nên chuyển động của cảm xúc, tư tưởng và thông điệp”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Nhà thơ Thụy Kha bổ sung: “Chúng ta đã có nhiều năm bị giới hạn bởi định kiến. Đã đến lúc trong bài thơ nên có hội họa và ngược lại trong hội họa có sẵn bài thơ. Nếu tách rời hai điều đó thì không có ngày hôm nay, không phải nghệ thuật".
Các nhà thơ hãy xem tác phẩm hội họa để bắt đầu làm thơ và những họa sĩ hãy đọc thơ sẽ có nhiều thứ gợi mở cho việc vẽ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Là nhà thơ cầm cọ, có triển lãm "Người thổi sáo" thành công hồi đầu năm, Nguyễn Quang Thiều nói về mối quan hệ giữa hội họa và thơ ca. Với ông, hội họa là “Một văn bản khác của bài thơ cho tôi thấy được góc khuất ở đâu đó mà tôi chưa phát hiện ra".
"Khi tôi vẽ một bức tranh từ bài thơ A, đến một ngày nào đó, tôi sẽ làm ra bài thơ khác hoàn toàn với bài thơ mà tôi đã vẽ bài thơ đó. Bởi màu sắc này, hội họa này hiện lên trong một đời sống khác, không gian khác lại cho tôi một tinh thần khác".
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi một bài thơ được sinh ra, nhà thơ là chủ của văn bản thứ nhất và mỗi một người đọc là “n” các văn bản khác nhau.
Mỗi văn bản hiện ra phụ thuộc vào con người đọc nó, từ văn bản đó gợi lên một văn bản khác của ở bên trong người đọc.
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, sự hiện diện, kết hợp ăn ý của ba diễn giả trong tọa đàm, mỗi người có thế mạnh ở một lĩnh vực khác nhau, như Nguyễn Quang Thiều là viết thơ, Lê Thiết Cương vẽ tranh, Nguyễn Thụy Kha viết thơ và ca khúc, là minh chứng cho thấy sự hòa hợp của các hình thức nghệ thuật.