Lê Thiết Cương là một họa sĩ tài năng đương thời. Một số tác phẩm của Lê Thiết Cương sẽ được trưng bày trong triển lãm “Về bến lạ” diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội từ 12/3 đến 12/4.
Triển lãm giới thiệu 16 tranh chất liệu bột màu trên giấy dó bồi vải màn, 8 bức sơn dầu trên toan và 7 tác phẩm gốm. Đây là những tác phẩm được lựa chọn trong gia tài sáng tác từ năm 2007 đến nay của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Tên triển lãm “Về bến lạ” gợi tới Bến lạ - một bài thơ nổi tiếng của Đặng Đình Hưng in trong tập Một bến lạ phát hành cuối tháng 1. Lê Thiết Cương luôn coi Đặng Đình Hưng là người thầy của mình, người không chỉ dạy ông về màu sắc, mà còn truyền cảm hứng sáng tạo thông qua thơ ca.
Với họa sĩ Lê Thiết Cương, những ngày tháng được sống cạnh Đặng Đình Hưng như mưa dầm thấm lâu, như phù sa bồi đắp mỗi ngày một chút, để rồi thơ ca Đặng Đình Hưng thấm vào người họa sĩ một cách tự nhiên.
“Ông đâu chỉ nói với tôi về thi ca của ông. Ông còn nói với tôi về âm nhạc, văn chương, triết học, mỗi ngày mỗi chuyện. Hình như ông muốn bảo tôi rằng nên làm cái nền tri thức trước khi xây ngôi nhà nghệ thuật? Ông là người đã phát hiện ra hạt tối giản trong tôi và vun đắp tôi đi theo con đường này”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương tại triển lãm "Về bến lạ". |
Đặng Đình Hưng là ngòi bút cách tân thi ca quyết liệt. Bên cạnh đó, ông cũng vẽ tranh. Họa sĩ Lê thiết Cương cho biết cách vẽ của Đặng Đình Hưng như là viết. Thay vì dùng bút chấm vào lọ mực, thì Đặng Đình Hưng dùng bút lông chấm vào bảng màu, rồi vẽ một nét lên mặt toan. Ông không tô đi dặm lại, không vờn tỉa.
Sự vẽ và viết của ông như không, tuy hai mà một. Tranh Đặng Đình Hưng có bảng màu rất ít, chủ yếu là màu nâu đất, trắng ngà, màu xanh cỏ úa với ba màu chính. Về hình cũng rất ít hình: Một vài dấu chấm, gạch, vài ký tự. Tư duy hội họa của ông cũng giống âm nhạc.
Lê Thiết Cương là họa sĩ tự do, ngoài vẽ tranh, ông còn là giám tuyển nghệ thuật, chuyên viết về văn hóa, nghệ thuật và minh họa cho báo, tạp chí, thiết kế sách cho nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Nổi tiếng từ những năm 90 với phong cách hội họa tối giản, tranh của Lê Thiết Cương cô đọng, súc tích, phóng khoáng nhưng không kém phần nghiêm cẩn.