Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nơi tiền tuyến phòng dịch của Trung Quốc

Tại Thụy Lệ, thành phố nhỏ nằm ở phía tây tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), người dân từng phải trải qua 7 đợt với 119 ngày phong tỏa chỉ trong hơn một năm.

thuy le phong toa anh 1

Trung Quốc và Myanmar có hơn 2.000 km đường biên giới, chủ yếu nằm trên địa hình đồi núi. Đây không phải là khu vực ưu tiên phát triển của cả hai quốc gia và có khá ít khu định cư lớn. Thụy Lệ, thành phố có gần 300.000 nằm ở vùng đất bằng phẳng hiếm hoi trong vùng, là ngoại lệ.

Với vị trí giáp ranh thành phố Muse của Myanmar, trước đại dịch, Thụy Lệ đón nhiều người dân nước này qua biên giới mỗi ngày để làm việc tại các nhà máy tại Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, cư dân Trung Quốc đổ sang Myanmar để thăm người thân. Trong khi đó, các thương nhân từ cả hai nước đi lại như con thoi với vô số loại hàng hóa - một số hợp pháp, một số thì không.

Dù vậy, chiến lược “Zero Covid-19” của Trung Quốc khiến cảnh tượng này không thể tiếp diễn. Thụy Lệ được coi là một trong những thành phố chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới hiện nay, cũng như là nơi gánh chịu tác động nặng nề hàng đầu của các biện pháp phòng dịch.

Phong tỏa gắt gao

Từ năm 2021, Thụy Lệ đã xây dựng các hàng rào thép ở đường biên giới Trung Quốc - Myanmar giữa thành phố này và Muse. Giới chức địa phương gọi đây là bức “trường thành thép”.

Khi phát hiện ca bệnh, chính quyền Thụy Lệ áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt nhất tại Trung Quốc. Kể từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2022, người dân Thụy Lệ phải trải qua 7 đợt phong tỏa, với thời gian tổng cộng là 119 ngày.

thuy le phong toa anh 2

Bức "trường thành thép" chống dịch tại Thụy Lệ. Ảnh: Bloomberg.

Việc xét nghiệm bắt buộc cũng diễn ra thường xuyên, đến mức truyền thông địa phương cho biết một em bé bị xét nghiệm hơn 70 lần trước sinh nhật một tuổi.

Những biện pháp chống dịch cứng rắn của Trung Quốc đã đem lại hiệu quả nhất định, giúp số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này ở mức thấp so với thế giới. Dù vậy, cái giá phải trả về kinh tế - xã hội cũng tương đối nặng nề.

Khi phóng viên Bloomberg tới thăm thành phố hồi tháng 8, nhiều cửa hàng đóng cửa nối dài trên phố. Các công trình xây dựng bị bỏ dở dang, trong khi khu chợ đá quý - địa điểm hấp dẫn du khách hàng đầu của Thụy Lệ - có số người mua ít hơn kẻ bán. Quy mô kinh tế của địa phương này đã sụt giảm 15% trong năm 2021.

Sau 6 tháng không có ca mắc mới, giới chức Thụy Lệ đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế trong cuộc sống hàng ngày. Dù vậy, tới giữa tháng 9, nhiều khu vực trong thành phố đã bị phong tỏa trở lại sau khi một ca bệnh được phát hiện ở nơi cách ly.

Tại vùng nông thôn bao quanh Thụy Lệ, biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar chạy ngoằn ngoèo giữa các cánh đồng lúa. Trước đại dịch, người Thái và người Cảnh Pha địa phương có thể dễ dàng vượt qua biên giới qua các đường mòn, lối mở.

Giới chức Trung Quốc không quyết liệt ngăn chặn tình trạng này vì nhiều ngành nghề kinh doanh tại Thụy Lệ phụ thuộc vào nhân công giá rẻ từ Myanmar. Theo số liệu năm 2018, khoảng 50.000 công dân Myanmar đăng ký cư trú chính thức trong thành phố. Con số thực tế được cho còn lớn hơn.

Một buổi sáng tháng 9/2020, một người phụ nữ họ Yang cùng ba người con và hai bảo mẫu từ Muse tới thăm người thân ở Thụy Lệ. Dù biên giới Trung Quốc - Myanmar đã bị đóng cửa từ tháng 3, bà Yang vẫn có thể dễ dàng vượt qua con sông Thụy Lệ để vào đất Trung Quốc.

Vài ngày sau khi đến nơi, bà Yang nhận thấy bản thân bị mất khứu giác và vị giác. Khi được đưa đến bệnh viện, bà được xác định dương tính với Covid-19. Đây là lần đầu tiên một người nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Trung Quốc bị phát hiện mắc bệnh.

thuy le phong toa anh 3

Một điểm kiểm soát sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt cho những người ra khỏi thành phố. Ảnh: Bloomberg.

Ngay lúc đó, các cơ quan chức năng Thụy Lệ được đặt vào tình trạng khẩn cấp. Các trạm kiểm soát được thiết lập quanh thành phố để đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Mọi cư dân ở các quận trung tâm phải ở trong nhà và được xét nghiệm. Kết quả cho thấy thêm một ca bệnh - chính là một bảo mẫu đi cùng.

Tới tháng 3/2021, Thụy Lệ ghi nhận ca bệnh thứ hai. Giống bà Yang, người này là công dân Myanmar.

Chính quyền trung ương Trung Quốc coi đây là hậu quả từ thất bại của giới chức địa phương trong công tác kiểm soát biên giới, và có nguy cơ khiến chiến lược chống dịch của cả nước bị ảnh hưởng. Bí thư thị ủy Cung Vân Tôn mất chức và bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích.

“Các quan chức Trung Quốc đứng trước nguy cơ mất cả sự nghiệp nếu họ không thể kiểm soát dịch. Việc ông Cung mất chức là ví dụ mới nhất”, Global Times viết.

Sau vụ việc, chính quyền Thụy Lệ tăng ngân sách chống dịch lên hơn 300 triệu USD năm 2021, gấp 6 lần so với trước đó. Hàng loạt cơ sở kinh doanh - từ hàng điện tử đến sửa xe - lẫn các trường học phải đóng cửa. Mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Myanmar cũng phải tạm ngừng.

Bức tường biên giới giữa Thụy Lệ và Muse có hàng nghìn người tuần tra. Giới chức Trung Quốc còn lắp đặt cảm biến nhiệt để giám sát. Trong thành phố, một hệ thống theo dõi di chuyển của cư dân và du khách được thiết lập, bao gồm các thiết bị nhận diện khuôn mặt ở nơi đám đông thường tụ tập. Hệ thống này vẫn đang hoạt động.

“Nơi an toàn nhất Trung Quốc”

Tại một trong những siêu thị lớn nhất thành phố, giám đốc Qiu Meizhi nói một cách đầy tự hào rằng cơ sở của bà không phải tăng giá sản phẩm.

Với quy định chặt chẽ của Thụy Lệ, các quán ăn và khu chợ nhỏ phải đóng cửa. Chỉ có các cơ sở lớn như siêu thị của bà Qiu được phép giao hàng hóa cho người dân. Vị giám đốc cho biết các nhân viên của bà phải giao 500 đơn hàng mỗi ngày.

thuy le phong toa anh 4

Một điểm rửa tay công cộng tại Thụy Lệ. Ảnh: Bloomberg.

Trong những ngày khó khăn nhất, bà Qiu nhận được những cuộc gọi từ khách hàng cầu cứu rằng họ đã hết thực phẩm. Theo vị giám đốc, họ đang phóng đại tình hình. “Họ không thể không còn gì”, bà nói. Dù vậy, siêu thị vẫn cố gắng ưu tiên các đơn hàng này.

Tháng 10/2021, cựu Thị trưởng Thụy Lệ Đới Vinh Lý đăng một bài viết có tựa đề “Thụy Lệ cần sự quan tâm của tổ quốc”. Ông Đới cho rằng do vị trí sát biên giới, Thụy Lệ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn những nơi khác bởi công tác chống dịch. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau đó, ông Đới cho biết một số đồng nghiệp của ông bị quá tải công việc và không thể về nhà trong nhiều tháng.

Đây là lần đầu tiên nhiều người Trung Quốc được nghe về tình hình tại Thụy Lệ, tạo ra làn sóng cảm thông trên mạng xã hội.

Dù vậy, các biện pháp chống dịch vẫn tiếp diễn, và nền kinh tế thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng. Everbright Headwear, một công ty gia công phụ kiện thời trang, mở một cơ sở trong thành phố năm 2019 để thu hút công nhân Myanmar bên kia biên giới tới làm việc.

Những công nhân này ăn ở ngay trong khu kí túc xá của nhà máy. Dù vậy, nếu có việc và phải trở về Myanmar, họ không còn có thể quay lại Trung Quốc.

Tính đến đầu tháng 8, nhà máy chỉ còn chưa đầy 300 công nhân. Người dân Thụy Lệ không mấy hào hứng với công việc này, do đó không phải là phương án thay thế khả dĩ. Everbright Headwear buộc phải chuyển phần lớn năng lực sản xuất ra cơ sở tại các quốc gia khác như Haiti hay Lào.

Ngoài ngành chế biến - chế tạo, nền kinh tế Thụy Lệ còn dựa vào buôn bán đá quý - sản phẩm được yêu thích trên khắp Trung Quốc. Myanmar là nhà cung cấp đá quý lớn nhất thế giới, và Thụy Lệ là cửa ngõ giúp mặt hàng này hướng lên phương bắc.

Tại chợ đá quý “Đa Bảo Chi Thành” lớn nhất Thụy Lệ, nhiều cửa hàng đã chuyển dần sang bán hàng trực tuyến từ trước đại dịch. Dù vậy, đầu năm 2021, khu chợ này vẫn bị đóng cửa khi giới chức thành phố lo ngại hoạt động livestream bán hàng thu hút quá nhiều người theo dõi và có nguy cơ lây lan dịch.

thuy le phong toa anh 5

Nhiều cơ sở buôn bán đá quý tại Thụy Lệ đã chuyển sang hình thức livestream bán hàng. Ảnh: Bloomberg.

Các thương nhân cho biết việc livestream từ nhà là không khả thi - nhất là khi họ không thể giao hàng cho những người đang ở khu phong tỏa. Do đó, hoạt động kinh doanh đá quý phải gần như tạm ngừng trong một năm. Phải tới hôm 28/4, khu chợ mới được mở cửa trở lại.

“Khi họ nói rằng khu chợ sắp mở lại, tôi rất vui mừng”, một thương gia họ Li hồi tưởng. “Tôi đã ngồi nhà cả một năm”.

Dù vậy, khoảnh khắc “bình thường mới” không kéo dài lâu. Tới tháng 9, khi một ca bệnh mới được phát hiện, một nửa thành phố lại bị phong tỏa.

“Thụy Lệ đang là nơi an toàn nhất Trung Quốc, vì chúng tôi đã ngừng mọi thứ”, một thương nhân châm biếm.

Trung Quốc và Hong Kong xem xét nới lỏng quy định nhập cảnh

Khách quốc tế sẽ sớm có thể quay lại Trung Quốc và Hong Kong.

Dân Lhasa chật vật vì thiếu thức ăn giữa phong tỏa

Số ca Covid-19 cao và tình trạng thiếu thực phẩm đang gây khó khăn cho thành phố Lhasa ở Tây Tạng sau hơn 1 tháng nơi đây áp dụng biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, theo SCMP.

Việt Hà

Theo Bloomberg

Bạn có thể quan tâm