Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi thất vọng của bóng đá nữ Trung Quốc tại Olympic

Niềm tự hào một thời của bóng đá Trung Quốc mang đến nỗi buồn lớn cho người hâm mộ sau thất bại ở Olympic Tokyo 2020.

Khác với môn bóng đá nam, môn bóng đá nữ tại Thế vận hội không khác gì các kỳ World Cup 4 năm diễn ra một lần. Ngoại trừ sự khác biệt giữa LĐBĐ thế giới (FIFA) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về suất dự giữa các châu lục, môn bóng đá nữ ở Thế vận hội là nơi những ngôi sao giỏi nhất tranh tài.

bong da Trung Quoc anh 1

Và thất bại nặng nề của bóng đá nữ Trung Quốc tại Olympic Tokyo giống như bước lùi của một đội tuyển từng xếp hạng 4 thế giới.

Kỳ Olympic tệ nhất lịch sử

Khác với đội tuyển bóng đá nam, các cô gái Trung Quốc luôn được truyền thông và người hâm mộ nước nhà dành những sự thiện cảm nhất định. Họ đang là một trong 3 đội bóng mạnh nhất châu Á (đứng hạng 15 thế giới), liên tục giành quyền dự Thế vận hội hay World Cup.

Điều đó lý giải phần nào nguyên nhân các cầu thủ nữ Trung Quốc không hứng chịu cơn thịnh nộ từ dư luận, sau màn trình diễn tệ ở Olympic Tokyo 2020.

Tuyển nữ Trung Quốc kết thúc Thế vận hội 2020 với 2 trận thua và 1 kết quả hòa sau vòng bảng. Họ ghi được 6 bàn, nhưng có tới 17 lần để thủng lưới.

"Không có điều thần kỳ nào dành cho các cô gái của chúng ta", Xinhua bình luận sau khi Trung Quốc thua Hà Lan 2-8 ở trận đấu cuối.

bong da Trung Quoc anh 2

Tuyển Trung Quốc bị loại khỏi Olympic Tokyo sau trận thua 2-8 trước Hà Lan. Ảnh: Reuters.

Người Trung Quốc hy vọng những "Bông hồng thép" (biệt danh của ĐTQG nước này) có thể làm nên điều thần kỳ tại Olympic, như cách họ lội ngược dòng trước nữ Hàn Quốc ở vòng loại. Thế nhưng, đổi lại là những màn trình diễn kém cỏi.

"Trái tim của chúng ta tan nát sau thất bại, nhưng những cô gái của ĐTQG dẫu sao vẫn là người hùng", Sohu bình luận.

Trận thua Hà Lan 2-8 là thất bại nặng nhất mà bóng đá nữ Trung Quốc từng nhận, kể từ trận thua 0-8 trước tuyển Đức tại Olympic Athens vào năm 2004. Tại kỳ Thế vận hội trên đất Hy Lạp, tuyển nữ Trung Quốc cũng bị loại ngay từ vòng bảng.

Sau giải đấu đó, bóng đá nữ Trung Quốc có nhiều bước tiến. Họ liên tiếp vào tứ kết World Cup 2007 và Olympic Bắc Kinh 2008. Sau giai đoạn chững lại vào đầu thập niên trước, bóng đá nữ Trung Quốc tiếp tục vào tứ kết World Cup 2015 và Olympic Rio 2016.

Ở World Cup 2015, tuyển nữ Trung Quốc còn thắng Hà Lan, đội khi đó đang xếp hạng 4 thế giới với tỷ số 1-0. Sau 6 năm, mọi thứ đảo chiều khó tin.

Trung Quốc thua Hà Lan tới 2-8 trong một trận đấu chênh lệch. Đội bóng châu Á lép vế hoàn toàn trước đối thủ từ châu Âu. Các cô gái Hà Lan nhanh hơn, mạnh hơn, kỹ thuật hơn và tỏ ra vượt trội về đẳng cấp.

Hà Lan là nền bóng đá đang vươn lên mạnh mẽ. Nhưng cái cách tuyển Trung Quốc thua vẫn khiến người ta thất vọng. Trước khi để Hà Lan ghi 8 bàn vào lưới, Trung Quốc đã thua Brazil 0-5 và để Zambia cầm hòa 4-4.

Ngay cả khi được dự đoán có ít cơ hội đi tiếp vì phải rơi vào bảng đấu có cả Brazil lẫn Hà Lan, Trung Quốc vẫn được kỳ vọng. Zambia, đối thủ khác của họ trong bảng chỉ xếp thứ 104 trên bảng xếp hạng FIFA.

Tuy nhiên, các cô gái Trung Quốc không thể có chiến thắng. Ngược lại, có nhiều thời điểm họ bị áp đảo bởi thể lực và tốc độ từ các cô gái châu Phi.

Lần đầu tiên trong 6 lần dự Thế vận hội, nữ Trung Quốc mới có thành tích tệ đến vậy. Trách nhiệm được đổ dồn vào các nhà lãnh đạo bóng đá nước này.

HLV Jia Xiuquan nhận nhiều chỉ trích. Truyền thông Trung Quốc đòi LĐBĐ nước nhà (CFA) phải sa thải chiến lược gia này.

"Đội bóng đá nữ Trung Quốc cứu các cô gái thể dục dụng cụ", nhà báo thể thao Yuan Ye viết. "Những người yêu bóng đá Trung Quốc có lẽ đã khóc".

Cho dù chưa bao giờ có cơ hội giành vàng như môn thể dục dụng cụ, bóng đá nữ Trung Quốc luôn là niềm tự hào của thể thao nước này ở mỗi kỳ Thế vận hội.

Khi mà các cầu thủ nam thường gây thất vọng, các cô gái Trung Quốc mang đến hy vọng. Dong Lu, một nhà báo thể thao khác nói rằng ông thà chứng kiến đội nhà thua trước Hàn Quốc ở vòng loại, còn hơn phải thấy những thất bại nặng nề ở Olympic.

Xiuquan, người dẫn dắt ĐTQG Trung Quốc từ năm 2018, không đồng tình với quan điểm đó. "Tôi đã đưa đội nhà đến Olympic, chỉ có hai nền bóng đá ở châu Á có suất dự giải đấu", Xiuquan nói trên SCMP. "Tôi đã đưa đội nhà dự World Cup 2019, mọi người thử nói xem tôi đã thành công hay thất bại?"

CFA vẫn chưa đưa ra quyết định về tương lai của HLV 57 tuổi, dù dư luận Trung Quốc đang tạo ra áp lực lớn.

bong da Trung Quoc anh 3

Trung Quốc không thắng nổi Zambia, đội bóng kém hơn mình tới gần 90 bậc trên BXH FIFA. Ảnh: Reuters.

Bước lùi

Australia và Trung Quốc là hai đại diện của châu Á tại Olympic 2020. Nhưng nếu Nhật Bản không phải là nước chủ nhà của giải đấu hè này, liệu đội bóng của HLV Xiuquan có giành nổi vé?

HLV này đưa ra nhiều quyết định tranh cãi về nhân sự trong nhiều năm qua. Li Ying, tiền đạo từng gây ra vụ lùm xùm vào tháng 6, khi công khai là người đồng tính không được Xiuquan gọi vào ĐTQG.

Không chỉ Ying, Xiuquan cũng gạt tên nhiều trụ cột khác như Ren Guixin, Yang Lina, Pang Fengyue hay Zhang Rui, người có 150 lần khoác áo ĐTQG. Nhiều cầu thủ được Xiuquan đưa đến Tokyo hè này chưa bao giờ thi đấu cho ĐTQG.

Như một quy luật tất yếu của bóng đá, những nỗ lực trẻ hóa và làm mới đội bóng của Xiuquan bị đặt dấu hỏi sau thất bại nặng nề.

Tất nhiên, Xiuquan không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm. CFA nhận nhiều chỉ trích vì nền bóng đá đang đi lùi sau thành công ở World Cup 2015.

Ở giải đấu đó, Trung Quốc tự hào khi thắng Hà Lan 1-0. Giờ thì họ thua 2-8. Hai kết quả đó phản ánh sự tương phản lớn của hai nền bóng đá.

"Bóng đá nữ Hà Lan đã tiến bộ lên nhiều sau thất bại đó", Sarina Wiegman, HLV trưởng ĐTQG Hà Lan nói sau chiến thắng 8-2 trước Trung Quốc. "Nhiều cầu thủ của chúng tôi đã đến Arsenal, Barcelona hay Lyon thi đấu. Chúng tôi đã xây dựng một tập thể mạnh".

CFA được đánh giá đã không giúp tuyển nữ nước nhà có những bước tiến để cạnh tranh với các nền bóng đá mạnh ở châu Âu.

Trung Quốc có thể nằm trong số 3 nền bóng đá nữ mạnh nhất châu Á, cùng với Nhật Bản và Australia. Tuy nhiên, khi bước ra thế giới, khoảng cách giữa họ và các quốc gia châu Âu hay Nam Mỹ vẫn rất lớn.

Wang Shuang, cựu cầu thủ PSG là ngôi sao duy nhất có trải nghiệm thi đấu cho một CLB lớn ngoài Trung Quốc. Cô đã ghi 5 trên tổng số 6 bàn mà Trung Quốc có được tại Olympic Tokyo. Một mình Shuang là không đủ.

Những nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia có nhiều cầu thủ đang chơi tại các giải VĐQG châu Âu hơn Trung Quốc.

Cục diện của bóng đá nữ thế giới đã thay đổi nhiều trong một thập niên qua. Mọi thứ trở nên toàn cầu hóa, có nhiều yếu tố thương mại và chuyên nghiệp hơn.

Các CLB lớn ở châu Âu đầu tư nhiều hơn cho đội nữ, tạo ra sự cạnh tranh gắt gao hơn.

Điều đó giúp các ĐTQG nữ châu Âu có mạnh hơn, cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ hay Brazil. Thụy Điển thậm chí đánh bại Mỹ 3-0 trong ngày khai mạc Olympic Tokyo.

Có thể bóng đá nữ Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn khan hiếm tài năng như nhiều lần khác trong quá khứ. Nhưng cách làm bóng đá nữ theo kiểu truyền thống của Trung Quốc dường như đang tụt hậu so với các quốc gia khác.

Tuyển nữ Trung Quốc vỡ trận trước Hà Lan Sau khi nhận bàn thua 1-3 cuối hiệp một, hàng thủ Trung Quốc đánh mất sự tập trung trước khi liên tục thủng lưới trong thất bại 2-8 ở bảng F môn bóng đá nữ Olympic tối 27/7.

Tuyển nữ Trung Quốc bị loại sớm tại Olympic Tokyo

Thất bại 2-8 trước đội tuyển bóng đá nữ Hà Lan khép lại hành trình vòng bảng của Trung Quốc tại Olympic Tokyo 2020.

Bơi lội Trung Quốc nỗ lực tìm lại chính mình

Olympic Tokyo 2020 là nơi các vận động viên bơi Trung Quốc nỗ lực tìm lại danh tiếng sau những nghi ngờ và sự cố gần đây.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm