Điện thoại Apple có cách bố trí khoa học, độ thẩm mỹ cao. Ảnh: Xuân Sang. |
Gần đây, nhiều hình ảnh về thiết kế bo mạch, cách bố trí linh kiện bên trong sản phẩm công nghệ được người dùng Việt so sánh trên các cộng đồng. Trong các bài thảo luận, thiết bị Apple được đánh giá cao nhờ có “nội thất” gọn gàng, chăm chút. Ngược lại, một số thương hiệu Android không quá quan tâm đến yếu tố này.
Dù ít được nhìn thấy, cách bố trí, bảo vệ linh kiện bên trong chiếc máy được các chuyên gia nhận định rằng có nhiều ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng tiếp cận khi máy gặp vấn đề.
Vẻ đẹp ẩn giấu bên trong
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thành Phước, Giám đốc Bệnh viện điện thoại Laptop 24h cho biết sản phẩm Apple thường được bố trí linh kiện tối ưu, đạt độ thẩm mỹ cao. Ngoài ra, các thành tố trên bo mạch chính còn được xử lý, đặt ở những vị trí hợp lý.
“Với 18 năm kinh nghiệm trong nghề sửa điện thoại, tôi xác nhận rằng việc tháo lắp sản phẩm Apple khá dễ dàng, chỉ cần thực hiện qua vài sợi cáp và ốc vít là tiếp cận được bo mạch chủ. Trong khi đó, một số hãng thực hiện việc này khá lộn xộn, thiếu nhất quán, không tính toán tốt. Ví dụ, điện thoại Huawei thường có dây cáp gần phím nguồn, dễ hỏng khi sửa chữa”, ông Phước nhận định.
Khác biệt trong nội thất các thiết bị điện tử. Ảnh: VVS. |
Khi tháo máy Apple, thay vì trực tiếp linh kiện, người sửa chữa sẽ nhìn thấy các phần tấm chắn trên chi tiết bo mạch. Hệ thống sửa chữa Điện thoại vui cho rằng việc được làm kín, có nhiều lớp giúp thiết bị tăng cường khả năng kháng nước, chống chịu va đập, tăng tuổi thọ và không gây khó khăn trong việc can thiệp sửa chữa về sau.
“Samsung có triết lý thiết kế khác, đa phần hướng đến sự dễ tiếp cận và tối ưu chi phí thay thế hơn Apple”, phía Điện thoại vui chia sẻ thêm.
Gần đây, một số thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi cũng học tập cách bố trí của Apple. Bên trong các sản phẩm cao cấp, nhà sản xuất bố trí thêm các vị trí tấm chắn trên linh kiện quan trọng giúp tản nhiệt, tăng độ bền.
Trên thế giới, trang iFixit chuyên kiểm tra linh kiện, khả năng sửa chữa của các thiết bị điện tử và đưa chúng vào thang điểm đánh giá. Hệ thống của trang này đánh giá thiết bị dựa trên các mô-dun dễ thay thế, khả năng tiếp cận vào bộ phận quan trọng.
Các sản phẩm điện thoại Apple thường được đánh giá cao nhờ khả năng thay thế đơn giản những bộ phận dễ hỏng như màn hình, mặt sau, pin. Tuy nhiên, người sửa chữa cần có bộ dụng cụ chuyên dụng.
Trong khi đó, điện thoại Samsung đắt tiền gặp một số điểm yếu như pin dán quá chắc và màn hình khó tiếp cận.
Văn hóa của Apple
Mưu cầu sự hoàn hảo là một phần văn hóa của Apple, kế thừa từ người sáng lập Steve Jobs. Trong cuốn Tiểu sử Steve Jobs của Isaac Walter, tác giả thuật lại việc cố CEO Táo khuyết tỏ ra cực đoan khi yêu cầu đội ngũ thiết kế phải làm mọi thứ chỉn chu theo ý mình, bao gồm cả những nơi mà người dùng khó nhìn thấy.
Tỉ mỉ trong thiết kế nội thất là một phần văn hóa của Apple. Ảnh: Xuân Sang. |
Chiếc iMac đầu tiên với vỏ nhựa nhiều màu, trong suốt là thiết bị thể hiện sự thống nhất về ngoại quan và nội thất.
“Jobs luôn nhấn mạnh rằng các dãy chip trên các bảng mạch trông phải ngay hàng thẳng lối, mặc dù chẳng bao giờ người ta nhìn thấy chúng. Giờ thì chúng đã lồ lộ trước mắt. Lớp vỏ máy sẽ trưng ra được nỗ lực chăm chút được dồn vào việc tạo nên tất cả các phần cấu thành chiếc máy tính và ráp chúng lại với nhau. Màu thiết kế nghịch ngợm sẽ truyền tải sự giản đơn, và chính trong lúc đó, lại hé lộ chiều sâu mà sự giản đơn đích thực mang tới”, Isaac Walter thuật lại.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.