Nơi tái sinh những chiếc phi cơ 'hết đát'
Thay vì bị chất ngổn ngang ở các "nghĩa địa" máy bay hoặc bị tẩu tán ngoài sa mạc, những chiếc máy bay quá đát sẽ được tái sinh ngay tại bãi chứa khổng lồ đặt tại trụ sở công ty Tarmac Aerosave, Pháp.
Tại "lò" tháo dỡ và tái chế máy bay Tarmac, những chú "chim sắt" tưởng chừng sẽ chỉ còn là những khối sắt vụn khổng lồ vướng víu và nguy hại cho môi trường được tháo rời từng bộ phận, phân loại và đóng gói để tái sử dụng.
Máy bay "quá đát" được tập kết về bãi chứa phía Nam nước Pháp để được tháo dỡ. |
Công việc "mổ xẻ" này được diễn ra theo 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất: ngưng sử dụng máy bay, làm sạch, tháo trống bồn xăng. Giai đoạn thứ hai: tháo thiết bị, rã máy bay ra thành nhiều phần, bộ phận nào có thể sửa chữa hoặc dùng lại sẽ được gửi về các xưởng chế tạo. Giai đoạn thứ ba: tất cả các bo mạch phải được tháo đi, những vật liệu nguy hiểm hoặc gây ô nhiễm được lấy ra khỏi máy bay và gửi cho những nơi chuyên xử lý chất thải đặc biệt. Khung sườn máy bay sẽ được cắt làm nhiều phần, phân loại và các mảnh này cũng được giao về nhà máy tái sinh.
Máy bay sẽ được tách rời từng bộ phận, trước khi phân loại và tái chế. |
Ông Sebastien Medan, trưởng bộ phận tháo dỡ của công ty Tarmac cho biết: “Chúng tôi nhận về một máy bay cũ, hỏng và công việc được hoàn tất khi tất cả các nguyên liệu cũ đều có thể tái sử dụng”. Sau đó, tất cả những bộ phận đã tái tạo lại được sẽ gửi trả lại chính chủ để họ đem bán hoặc sử dụng lại. Những phần còn lại, không thể tái chế, Tarmac được toàn quyền, giữ lại hoặc đem bán.
Ông Meda nói thêm: “Hiện tại, khoảng 87% các bộ phận máy bay có thể phục hồi và tái sử dụng, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu tỷ lệ này sẽ tăng tới 90% những năm tới".
Đại đa số các bộ phận có thể được tái sử dụng. |
Được thành lập từ năm 2009, Tarmac Aerosave là công ty chuyên tiến hành tháo dỡ máy bay cũ, hỏng tại “thung lũng hàng không” – nơi quy tụ một nhóm các công ty công nghệ hàng không Pháp thị trấn Tarbes phía Nam nước Pháp. Dù ngành nghề kinh doanh chính vẫn là chứa, đỗ các loại máy bay, nhưng tới nay, Tarmac Aerosave đã tháo dỡ thành công 12 loại máy bay khác nhau.
Những phần có thể sử dụng được gửi trả lại chính chủ, phần còn lại do Tarmac toàn quyền. |
Công ty Airbus, công ty mẹ của Tarmac, dự đoán sẽ có hơn 9.000 máy bay sẽ phải “nghỉ hưu" hoặc không còn được sử dụng trong vòng 20 năm tới. Điều này có nghĩa, nhu cầu tái chế các bộ phận tháo rời của máy bay sẽ tăng rất mạnh.
Hơn 9.000 máy bay sẽ phải "nghỉ hưu" trong vòng 20 năm tới tạo ra khối lượng công việc khổng lồ cho Tarmac. |
Cùng với việc phát triển của ngành công nghiệp tái chế máy bay, các hãng hàng không sẽ không còn phải đau đầu tìm cách tống khứ những chiếc máy bay không còn sử dụng của mình nữa.
Thay vì mất 20.000 euro/tháng tiền phí trông giữ một chiếc máy bay cũ, giờ các hãng hàng không chỉ mất 100.000 euro tới 150.000 euro để tháo rời toàn bộ các bộ phận của máy bay để tận dụng hoặc đem bán. Theo ông Medan, mọi nguyên vật liệu lấy ra từ máy bay cũ đều có thể tái sử dụng trong các ngành khác, đặc biệt là ngành hàng không. Phương pháp này được đánh giá là tiết kiệm và an toàn với môi trường.
Ngoài việc tận dụng tối đa từ các bộ phận trong chiếc máy bay cũ, việc “mổ xẻ” chiếc máy bay hỏng còn giúp các kỹ sư nâng cao tay nghề trong việc thiết kế chiếc máy bay hiệu quả hơn trong tương lai. Họ sẽ được trực tiếp tìm hiểu xem những phần nào dễ bị hỏng hóc, ăn mòn,… để chuyển giao những kiến thức đó vào các thiết kế mới hơn.
Hồng Minh
Theo Infonet.vn