Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi oan của chất béo

Trong nhiều năm, người ta vẫn cho rằng thủ phạm gây béo phì là chất béo, thế nhưng đây hoàn toàn là một bản án oan. Thủ phạm thực sự của béo phì chính là đường.

Tiếp theo đây tôi sẽ giải thích một cách đơn giản về việc tại sao hấp thu đường khiến bạn tăng cân chứ không phải chất béo.

Trước tiên, có một điều mà tôi muốn các bạn ghi nhớ, chính là ăn chất béo không làm tăng lượng mỡ trong cơ thể bạn. Thức ăn trải qua quá trình tiêu hóa, hấp thu, sẽ được phân giải rồi lại tái tổ hợp thành các vật chất mới.

Nếu bạn ăn chất béo, chúng sẽ không chuyển hóa nguyên như vậy thành chất béo tích tụ trong cơ thể, mà khi bạn hấp thu quá nhiều đường mới khiến lượng glucose trong cơ thể dư thừa và tích tụ dưới dạng chất béo trung tính.

Chất béo trung tính hay còn gọi là triglyceride, bạn có thể hiểu đây chính là nguồn năng lượng cơ thể dùng không hết.

Trong các cuộc kiểm tra sức khỏe, người ta thường đo “chỉ số chất béo trung tính trong máu”, chỉ số này cũng chính là một thước đo của bệnh béo phì, những người thừa cân đều có chỉ số này khá cao.

Tuy nhiên, chỉ số này cũng rất dễ dao động và phụ thuộc khá nhiều vào những đồ mà bạn ăn trước ngày kiểm tra sức khỏe. Vì thế nên cho dù có kết luận là “chỉ số chất béo trung tính trong máu cao” thì bạn cũng không cần phải quá sợ hãi. Chỉ cần bạn giảm cân, chỉ số này chắc chắn sẽ giảm xuống.

Vậy làm thế nào để giảm cân. Yếu tố quan trọng quyết định việc này chính là “chỉ số đường huyết”.

Trong máu của chúng ta thường tồn tại một lượng glucose nhất định để duy trì sự sống, và chỉ số đường huyết sẽ được duy trì ở mức tiêu chuẩn nhất định (70-140).

An thong minh anh 1

Thủ phạm gây ra béo phì chính là đường. Nguồn: healthifyme.

Nếu chỉ số đường huyết không được duy trì ở mức tiêu chuẩn này mà tăng quá cao hay giảm quá sâu sẽ gây ảnh hưởng tới tính mạng. Trong thực tế, có nhiều người cũng hoàn toàn không biết về sự thay đổi chỉ số đường huyết của bản thân rồi đột nhiên có một ngày bị đột quỵ và mất mạng.

Và nguồn gốc của đường glucose đó chính là đường. Bản thân đường vốn có nhiều loại, được chia thành các loại: polysaccharide là đường trong các loại như cơm, bánh mì, mì Ý, khoai; disaccharide là đường ăn mà chúng ta hay sử dụng và monosaccharide là glucose và frutcose. Đường disaccharide được tạo thành do hai đường glucose hoặc fructose liên kết với nhau, đường polysaccharide do nhiều glucose liên kết với nhau tạo thành.

Tất cả các chất đường hấp thu được từ thức ăn đều được các enzyme tiêu hóa trong cơ thể phân giải thành từng đơn vị glucose hay fructose. Dù là cơm, bánh mì hay mì Ý hoặc thậm chí là các loại khoai, đến cuối cùng cũng đều được phân giải thành glucose và được hấp thu vào trong máu.

Khi đó, nếu cơ thể hấp thu quá nhiều đường, lượng đường glucose trong máu sẽ tăng lên. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, chỉ số đường huyết tăng quá cao thì insulin sẽ được tiết ra từ tuyến tụy và xử lý lượng glucose dư thừa.

Vậy quá trình xử lý này diễn ra như thế nào. Trước tiên, insulin sẽ chuyển glucose thành glycogen và lưu trữ trong gan hay các tế bào cơ. Nhờ đó, những người khỏe mạnh sẽ không bị tăng đường huyết quá cao.

Tuy nhiên, các tế bào cũng chỉ có thể lưu trữ một lượng glycogen nhất định. Nếu glucose vẫn còn thừa, chúng sẽ tiếp tục được biến đổi hình dạng thành chất béo trung tính và tích tụ trong các tế bào mỡ. Đây mới chính là nguyên nhân của béo phì. Mỡ trong những chiếc bụng to khiến nhiều người đàn ông trung niên lo lắng không phải là kết quả của việc họ đã ăn những đồ ăn đầy dầu mỡ, mà là do họ đã hấp thu quá nhiều đường, làm cho lượng glucose dư thừa trong cơ thể bị biến đổi thành các chất béo trung tính.

Insulin là một chất quan trọng giúp bảo vệ chúng ta khỏi tình trạng tăng đường huyết, thế nhưng cũng từ hoạt động này mà chúng còn được gọi với cái tên “hooc môn béo phì”.

Ngoài ra, nếu để mặc cho bệnh tiểu đường chuyển biến xấu, người bệnh vốn đang béo sẽ dần dần gầy xuống. Đó là do bệnh tiểu đường phát triển nghiêm trọng khiến tụy suy nhược hoàn toàn, insulin tiết ra chậm khiến cơ thể bị tăng đường huyết và phần lớn lượng glucose lại tiếp tục được đào thải qua đường nước tiểu.

Makita Zenji / Quảng Văn Books - NXB Dân Trí

SÁCH HAY