Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi niềm sinh viên đi học xa quê

Số tiền học bổng năm đầu tiên tôi gửi về cho ông bà và các em. Đến khi ông mất, tôi nỗ lực hết mình giành học bổng một lần nữa, đủ tiền để mua đôi giày đặt bên mộ ông.

Năm đó, tôi là sinh viên Y3 mới ti toe đi trực viện, được phân công “canh” khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai. Ngày ấy, khoa nằm ở tầng cao của tòa nhà to nhất viện, ngăn cách giữa hai dãy buồng bệnh là khoảng không gian trống (giếng trời) để tạo độ thoáng cho các tầng.

Vào mùa đông, gió lùa qua đó thổi vào các buồng rất lạnh. Đêm trực, thường loanh quanh nửa đêm đến một, hai giờ sáng nếu không có bệnh nhân nặng cấp cứu, sinh viên sẽ vào mượn các chị điều dưỡng tấm ga mỏng để đắp và giường ngủ chính là chiếc bàn hành chính để giữa khoa, nơi mà gió gần như lùa qua liên tục cả đêm vì không có gì che chắn.

Hôm đó, thấy bệnh nhân tạm ổn, mượn chiếc ga cùng một tấm chăn mỏng, hạ bớt ánh đèn, tôi bò lên chiếc bàn lim dim. Đêm mùa đông lạnh và vắng, hầu như bệnh nhân đều đã ngủ say hoặc ít nhất cũng nằm yên, chỉ còn tiếng gió rít nhẹ đâu đó quanh tòa nhà và những cơn gió đó cũng lướt qua nơi tôi nằm, lạnh lẽo.

[...]

Cũng nhờ chăm chỉ lên giảng đường và cày cuốc như hồi ôn thi học sinh giỏi quốc gia, kết thúc kỳ học đầu tiên của trường Y, tôi tổng kết đạt điểm giỏi và nhận học bổng 180.000 đồng. Vào năm 2002, số tiền đó là một khoản rất giá trị.

Lên nhận học bổng tháng đầu tiên, tôi nghĩ ngay đến ông bà nội và những đứa em họ còn bé tí đang ở nhà, mong nhớ từng ngày.

Viết một lá thư gửi về để ông bà yên tâm, trong thư tôi để toàn bộ số tiền học bổng nhận được và thêm 25.000 đồng nữa để vừa đủ 205.000 đồng.

Tôi ghi rõ: “Cháu Khánh gửi về biếu ông bà nội 200.000 đồng tháng học bổng đầu tiên để ông bà mua thức ăn và gửi 5.000 đồng về cho các em mua kẹo”.

Nhận được thư, biết tin cháu vẫn bình an, ông bà nội tôi mừng vui lắm. Ông đi khoe khắp cả xóm, ông còn viết một lá thư gửi ra cho cháu, những lời nhắn gửi hỏi thăm làm tôi thấy ấm áp, tôi cất giữ lá thư như cất giữ tấm bùa hộ mệnh và thỉnh thoảng lại mở ra xem cho vơi nỗi nhớ nhà.

Năm thứ ba đại học, qua cha mẹ chia sẻ, tôi biết ông nội muốn có một đôi giày, bao năm tháng vất vả cơm còn không đủ ăn nên chưa một lần ông có đôi giày mới để đi.

Biết vậy nên năm đó tôi quyết tâm học tập để cuối năm nhận học bổng, có tiền mua giày tặng ông. Nhưng rồi một nỗi buồn lớn kéo đến, ông nội phát hiện bị ung thư phổi.

Ngày ấy học Y nhưng mới năm thứ ba nên tôi chẳng biết gì nhiều, chỉ biết đưa ông ra Hà Nội và ba cha con, ông cháu lay lắt hết viện này qua viện khác.

Mọi sự cố gắng của y học và của cả gia đình giúp ông tôi sống thêm được 6 tháng, ông nội mất khi tôi học năm thứ ba Đại học Y.

Thời điểm đó là những chuỗi ngày đau buồn và mất mát rất lớn của cuộc đời tôi. Ngày bé, tôi là một trong những đứa cháu ngoan và chăm chỉ vấn thuốc lào cho ông hút nhất. Tôi làm việc đó hăng say và ngây thơ vì chỉ biết rằng mỗi lần vấn thuốc cho ông, ông rất vui.

Sau này ông mất vì chính căn bệnh liên quan đến khói thuốc, tôi mới đủ kiến thức để hiểu được việc mình đã làm. Ngày ông chuẩn bị ra đi, cả đại gia đình chỉ mong chờ mỗi tôi trở về để ông gặp lần cuối. Tôi quên hết việc học, cắt phép và về với ông.

Những năm tháng ông cháu bên nhau rồi cũng đến lúc ly biệt, cả đất trời quê hương sầu buồn đưa tiễn ông. Sau ngày ông mất một thời gian, cứ mỗi trưa tôi ngủ ở trường là lại mơ về hình ảnh quê nhà, mơ về hình ảnh ông nội như đang đứng đó, trước hiên nhà chờ cháu đi học về.

Mỗi lần như vậy, tỉnh giấc lúc nào hai gò má tôi cũng hai hàng nước mắt ướt đẫm, tôi thấy nhớ và thương ông thật nhiều.

Cuối năm học đó, gom góp đủ tiền về quê mua đôi giày mới, mang ra bên mộ, tôi ngồi tâm sự với ông rất lâu. Món quà cháu mang về tặng ông đây rồi nhưng ông không còn nữa. Bao năm ông không có dép để đi, cháu mua được đôi giày mới thì ông đã không còn, ông chưa một ngày được đi đôi giày cháu tiết kiệm tiền học bổng mua tặng cho ông.

Trong ánh chiều tà, tôi một mình lặng lẽ khóc bên mộ ông.

Trần Quốc Khánh/ Thái Hà Books và NXB Công thương

SÁCH HAY