Để trở thành những chuyên gia trang điểm đã khó, trở thành "chuyên gia trang điểm" cho người chết khó hơn nhiều lần. Họ phải sử dụng son phấn, mỹ phẩm để những người chết trở nên tươi tắn, hồng hào, có hồn như đang sống.
Thậm chí còn phải chắp vá những phần thi thể không còn nguyên vẹn. Bên cạnh tiêu chí về thần kinh thép, hơn tất thảy họ phải có tâm, phải chí thú với cái nghề rùng rợn, kinh hãi bậc nhất này.
Vượt qua sợ hãi
Khu vực nhà xác của Bệnh viện B. lúc nào cũng vắng vẻ, lạnh lẽo, nó là địa chỉ mà không ai muốn tới. Ông Hùng ngồi thơ thẩn rít từng hơi thuốc dài, rồi đưa mắt đầy tâm tư về phía mấy cây xà cừ già đang chuẩn bị thay lá. Ông bảo, hơn hai chục năm nay, ngày nào ông cũng sống cùng người chết.
Nếu một ngày không làm công việc này là lại thấy "nhớ nhớ", buồn bã chân tay. Ông chứng kiến, ngủ cùng với xác chết, làm đẹp cho họ rồi khâm liệm cho không biết bao nhiêu kiếp người, trước khi đưa tiễn họ về với đất mẹ. Trừ 8 tiếng nghỉ ngơi, thời gian ông sống ở nhà đại thể còn nhiều hơn bên gia đình, người thân.
Chẳng hiểu hôm nay có phải là ngày "đẹp trời" hay không mà từ sáng đến giờ, chưa có ca nào gọi đến ông. Nhân cái ngày rảnh rỗi, ông Hùng bắt đầu kể về cái nghề lắm rùng rợn của mình. Ông kể: "Trước đây, bệnh viện này còn sơ sài lắm, nhà xác cũng vậy, thiếu thốn đủ thứ. Điện đóm cũng không đâu vào đâu, làm việc ở nhà xác là một thử thách với bất kỳ ai".
Ông còn nhớ như in những đêm đông lạnh như cắt da thịt, bệnh viện báo cho ông hàng chục ca tử vong. Ông lại lầm lũi một mình đẩy cáng đi nhận xác. Gió lạnh, trời vắng lặng, chốc chốc lại có tiếng chim vỗ cánh, tiếng gọi nhau của lũ mèo hoang.
Trong không gian như thế, nhiều lần ông Hùng tự hỏi mình tại sao phải làm cái nghề rùng rợn đến vậy, tại sao phải cô đơn một mình ở cái nơi đặc âm khí như thế? Và cho đến hôm nay, mặc dù đã theo nghề tới hơn hai chục năm, ông vẫn không tìm ra câu trả lời.
Vào thăm nơi "làm việc" của ông Hùng, chúng tôi không thoát khỏi cảm giác ớn lạnh. Nơi nghỉ ngơi chỉ là một phòng nhỏ kê vỏn vẹn 1 chiếc giường. Bệnh viện vừa tuyển thêm một nhân viên mới, trước kia chỉ có ông Hùng và một người khác thay nhau ca trực. Vậy mà ròng rã hết tháng này qua năm khác, họ phải sống với cả chục cái xác lạnh lẽo.
Ông Hùng chỉ về phía cái bàn dùng để xác chết, ông bảo: "Bàn này thiết kế như nhau tất, bàn chỉ có 1 trụ giữa để ngăn lũ chuột leo lên. Rồi mỗi một bàn đều có "lồng bàn" úp lại ngăn gián, chuột".
Cười hiền hậu ông Hùng tiếp: "Chuột là kẻ thù lớn nhất của chúng tôi, sợ nhất là đêm nó lọt vào… Chúng thành tinh hết, chẳng sợ người. Không bò được lên thì chúng tìm cách nhảy dù từ tường xuống. Đêm nào cũng phải đi tuần, nếu "lồng bàn" mà hở ra, lũ chuột vào được nó cắn xác chết thì lương tâm chúng tôi cắn rứt lắm".
Hơn năm mươi tuổi nhưng đã có hơn hai mươi năm gắn bó nơi này, ông chẳng còn lạ gì ngóc ngách của nhà xác. Trước đây ông đi bộ đội, rồi ra quân. Trong lúc chưa có việc gì làm, ông quyết định khăn gói xuống Hà Nội kiếm sống. Như cơ duyên, ông Hùng không ngần ngại xin vào nhà xác của Bệnh viện B.
Ông bảo, những tháng năm trong quân ngũ, chứng kiến bao đau thương, chứng kiến bao đồng đội hy sinh nên việc làm ở đây cũng không quá khủng khiếp đối với ông. Vậy mà lúc bập vào nghề, những ngày đầu ông vẫn không tránh khỏi cảm giác lạnh gáy.
Ông Hùng trong một lần trang điểm cho người quá cố. |
Ban đầu ông Hùng nghĩ, nhân viên nhà xác là chỉ vận chuyển, trông nom những xác chết của bệnh viện chuyển đến. Khi vào làm mới biết mình phải phụ các bác sĩ giải phẫu tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết…
Rồi còn phải đi nhận xác và bệnh phẩm của hàng chục ca sinh thiết về, phân loại từng bộ phận cơ thể và cho vào thùng phoocmôn để các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Những ngày đầu làm những việc như vậy, ông Hùng đã bỏ ăn cả mấy ngày, nghĩ đến là nôn như rút ruột. Có những đêm nằm ở nhà xác, người hơi yếu, hễ đặt lưng là lại mơ màng có người đứng cạnh.
Ông lại giật mình bừng tỉnh, mồ hôi ướt hết áo, mở cửa sổ nhìn ra sân chỉ thấy đám mèo vờn nhau cùng với tiếng gió thổi xào xạc ớn lạnh. Ông Hùng tâm sự: "Làm ở đây đúng là rùng rợn hơn người ta tưởng tượng rất nhiều. Đã bao nhiêu người vào đây làm được vài bữa là lại xin nghỉ. Họ bảo thê lương, rùng rợn quá. Họ không thể chịu được khi chứng kiến những hình hài không còn nguyên vẹn, phải tự tay dọn dẹp những phần thi thể đã biến dạng".
Không lấy được vợ vì nghề
Công việc không chỉ là trông nom mà họ còn bất đắc dĩ trở thành những người thợ trang điểm cho người đã chết. Ban đầu các gia đình chỉ yêu cầu tắm nước thơm rồi khâm liệm trước khi họ chuyển đi mai táng. Gần đây, nhiều gia đình còn yêu cầu nhân viên nhà xác phải tô son, điểm phấn, cắt móng tay, tỉa lông mày… sao cho thật đẹp, thật giống như đang còn sống.
Từ một người đàn ông quê mùa, cả đời chưa biết gì về đồ mỹ phẩm nhưng giờ ông Hùng và đồng nghiệp có thể kể làu làu các loại phấn, các loại son môi và dụng cụ cắt tỉa tóc, lông mày.
Ông Hùng cười, khoe bộ đồ trang điểm: "Ban đầu tôi cũng đánh liều đi mua tạm vài thứ, bôi bôi chát chát thấy đẹp đẹp là xong, tay chân lúng túng uốn mi, tỉa lông mày cho họ. Nhưng giờ các anh nhìn tôi làm chắc chắn chẳng kém gì các cô gái làm dáng đâu".
Ngoài 8 tiếng ngủ, họ sống cùng xác chết nhiều hơn với gia đình, người thân. |
Những người chết vì già thì không sao, những người qua đời vì bệnh tật, tai nạn hoặc chết lâu ngày mới phát hiện thì quả thực đó là thử thách với họ. Cái nghề cô độc khủng khiếp này không phải ai cũng dám làm, dám gắn bó.
"Làm ở đây nhưng nhiều khi đi ra ngoài, gặp họ hàng đều không dám nói. Họ mà biết sẽ tránh xa, có khi còn không cho vào nhà vì sợ đen đủi. Đã có nhiều trường hợp các em, các cháu mất người yêu vì thật thà nói: "Anh làm ở nhà xác" - Ông Hùng tâm sự.
Những ngày đầu, ông Hùng và đồng nghiệp nhiều lần phải uống chút rượu, phần để tránh sự lạnh lẽo, phần để lấy tinh thần. Tiếng là có gia đình nhưng ông Hùng chẳng mấy khi về quê. Cũng chỉ vì sợ vợ con ngại, sợ mọi người nghĩ ngợi linh tinh. Có lần ông về quê thăm gia đình, vợ gọi ông Hùng ra khuyên răn rằng có tuổi nên nghỉ việc, về quê sống bình yên.
Nhưng ông nhất định không chịu, ông bảo sẽ làm cho đến chết. Dù không nói ra nhưng các con ông cũng chẳng muốn bố mình làm nghề này nữa. Buồn nhất là những ngày Tết đến, ông chỉ dám về nhà trước tết hoặc sau Tết vài hôm. Ông bảo: "Về quê cũng chẳng dám đi đâu, vào nhà ai vì họ biết tôi làm ở nhà xác, họ sợ đen đủi. Thôi thì mình quen rồi, cứ ở đây qua Tết rồi về cũng được. Nghề của mình như vậy, giờ bỏ làm sao được nữa".
Câu chuyện của Minh, quê Thanh Hóa mà ông Hùng kể với chúng tôi cũng thật buồn. Sau thời gian dời quê ra thành phố lập nghiệp, Minh bươn chải đủ thứ nghề nhưng không trụ lâu được với bất cứ nghề nào. Đang thất nghiệp, Minh gặp được ông chú cùng quê.
Minh chia sẻ: "Thoắt cái thế mà em cũng theo cái nghề này được gần 2 năm rồi. Lúc đầu chỉ nghe ông chú giới thiệu thôi em cũng đã dựng cả tóc gáy. Vậy mà làm mãi cũng quen, chả còn cảm giác sợ hãi gì nữa. Chỉ biết cố gắng trang điểm cho họ thật đẹp để họ có thể tự tin mà sang thế giới bên kia".
Vì đặc thù nghề nghiệp nên Minh ít giao du với bạn bè. Một phần vì tự ti, một phần khi bạn bè biết Minh làm công việc đó họ cũng xa lánh dần. Minh tâm sự: "Những ngày lễ Tết, người ta đi chơi xuân, đến nhà anh em họ hàng chúc Tết còn em thì chỉ nằm ở nhà xem tivi thôi. Dù chẳng ai nói ra nhưng em biết họ không hề muốn mình đến chơi nhà đầu năm. Họ quan niệm làm ở nhà xác chỉ có sự chết chóc nên chả ai muốn đem cái sự xúi quẩy ấy vào nhà của mình".
Cuộc sống thường ngày của Minh thường rất cô đơn. Thời gian trước Minh quen được một người bạn gái làm ở một xưởng may tư nhân. Tình cảm giữa hai người khá thắm thiết, Minh muốn lấy cô ấy làm vợ nên đã quyết định nói thật cho bạn gái biết về nghề của mình.
Ngoài sự yêu nghề, các nhân viên nhà xác phải có thần kinh thép. |
"Khi em nói em làm nghề trang điểm ở nhà xác, mặt cô ấy tái mét. Dù lúc đó cô ấy không nói gì nhưng những ngày sau đó tình cảm cứ lạnh nhạt dần. Khoảng hơn một tuần sau thì cô ấy hẹn gặp em và nói chia tay. Cô ấy bảo cô ấy mới đi xem bói. Thầy bói phán chúng em không hợp tuổi, hợp cung số nên không thể đến với nhau. Em nghe mà rất đau lòng, vì em hiểu rất rõ đó chỉ là lý do thôi. Cô ấy không hiểu và chấp nhận cho nghề nghiệp của em" - Minh kể lại.
Với những người "sống" cùng xác chết thì đây không còn là một nghề để mưu sinh. Họ hoàn toàn có thể kiếm cho mình một công việc khác, thậm chí có thu nhập cao hơn. Nhưng họ vẫn lặng lẽ chọn cho mình một công việc mà chỉ nghe thôi người ta cũng thấy hoảng. Họ vẫn thường động viên nhau rằng: "Đây là công việc làm phúc, công việc để lại phúc đức cho thế hệ sau".