Khác với những lần ra thị xã ôn thi, lần này chính xác tôi là Đông Ki lên thành phố. Tay xách nách mang cập bến xe khách Hà Nội, vừa thấy tôi đã có sơ sơ gần chục bác xe ôm ùa đến, chào hỏi và đỡ hành lý cho tôi như thể là “chỗ anh em” lâu ngày gặp lại.
Tôi ngây thơ nghĩ ở thành phố mọi người còn thân thiện và giúp đỡ nhau nhiều hơn làng quê, trái với những lời dặn dò của mọi người trước khi đi.
Các bác mỗi người một phần hành lý rẽ theo các hướng khác nhau, tôi ngơ ngác không biết theo ai. Rồi tôi cũng nhận ra, mọi người nhiệt tình vì muốn tôi đi xe ôm của họ.
Sau khi chốt ngồi lên xe một bác trung tuổi, bác chuyển bánh chở tôi về Đại học Y Hà Nội. Thực sự đó là lần đầu tiên tôi cảm giác mình cần một nơi nương tựa theo đúng nghĩa đen.
Đường rất đông nhưng bác phóng vèo vèo, để đi nhanh hơn bác lại còn chọn đi tắt vào những ngõ rất hẹp, ở quê tôi chẳng bao giờ có những con ngõ như vậy. Còi bấm liên tục, đèn đỏ hầu như không có tác dụng với bác.
Là thanh niên con trai đàng hoàng nhưng hai tay tôi ôm chặt vào lưng bác không rời nửa giây, vì tôi biết chỉ cần lỏng tay trong một tích tắc, có thể tôi phải trả giá bằng việc bay ra khỏi yên xe sau khúc cua gấp hoặc qua một ổ gà trên đường.
Dường như biết tôi từ quê ra và đang run bần bật, bác lại càng phóng nhanh để thể hiện nhiều hơn, tôi chỉ biết nhắm mắt khấn trời phật khi những pha nguy hiểm sắp đến.
Cuối cùng, tôi cũng đến được cổng Đại học Y Hà Nội an toàn. Lần đầu tiên đứng trước mái trường đại học danh giá với 100 năm truyền thống và biết rằng 6 năm tới mình sẽ gắn bó ở đây, mình sẽ là một phần của nơi này, sẽ trở thành bác sĩ, cảm giác tự hào xen lẫn hồi hộp xâm lấn tôi.
Tôi nghĩ về ông bà nội và cha mẹ ở quê, tôi biết ở làng quê nghèo xa xôi, ông bà, cha mẹ và cả anh chị cũng đang tự hào và gửi gắm ở tôi rất nhiều niềm tin hy vọng.
Cả con đường dài đang chờ tôi phía trước. Tuy có bỡ ngỡ ban đầu, việc hòa nhập của một “Đông Ki” ra phố không phải là vấn đề nghiêm trọng lắm dù tôi không có họ hàng thân thích ở bên cạnh.
Vấn đề chính là nỗi nhớ nhà. Nó làm cho tôi chỉ muốn bỏ ngay Hà Nội để về nhà ông bà nội, về với cuộc sống nông thôn yên bình chậm rãi, tuy có nghèo khó, vất vả nhưng ấm áp, ông bà các cháu có nhau.
Ngày đó tôi còn thầm hứa với lòng mình, sau khi tốt nghiệp trường Y, dù thế nào cũng sẽ về quê hương làm việc để được gần với mọi người hơn. [...]
Năm thứ nhất trường Y, chúng tôi may mắn là khóa thứ 100 của nhà trường. Kỷ niệm dịp này, nhà trường cho nghỉ học và mở hội rất to, tổ chức cắm trại mấy ngày liền, quay ba, bốn con bò cho sinh viên ăn no căng bụng.
Gần đến dịp lễ, biết nhà trường cho nghỉ học nên tôi xin phép về quê thăm ông bà, không ở lại tham gia lễ hội. Quyết định của tôi thuộc dạng hiếm hoi trong số các bạn sinh viên ngày ấy, vì hầu hết ai cũng háo hức để được tham dự lễ kỷ niệm 100 năm thành lập của nhà trường.
Thực sự không phải vì tôi không yêu mến, tự hào về mái trường đang theo học, nguyên nhân chính đó là nỗi nhớ nhà quá lớn trong tôi, nó lấn át đi mọi cảm xúc và hoạt động khác.
Biết thông tin đó của tôi, anh Chủ tịch Hội sinh viên đến tận phòng ký túc xá động viên ở lại, anh chia sẻ không phải ai cũng có cơ hội được tham dự một sự kiện tuyệt vời như vậy, 100 năm mới có một lần, khóa tôi lại là khóa 100 của nhà trường, rất tự hào.
Dù anh ra sức thuyết phục thì lòng tôi cũng đã quyết, vì tôi biết ông bà nội cùng mấy em ở nhà đang rất nhớ tôi, tôi không thể không về. Vậy là tôi lên đường về quê lần đầu tiên sau khi ra Hà Nội nhập học, bỏ lại sau lưng một tuần rực lửa của sinh viên nhà trường.