Chiều 15/8, sau khi 14 bộ trưởng, trưởng ngành lần lượt trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ làm rõ một số vấn đề, đồng thời, trực tiếp trả lời một số câu hỏi chất vấn.
Theo đó, ông dành nhiều thời gian để nói về chiến lược của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đầu tư mạnh cho hạ tầng ở ĐBSCL 5 năm tới
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ luôn quan điểm vùng này có vị trí chiến lược về an ninh, kinh tế, quốc phòng. Đây là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, do đó cần tập trung đầu tư.
Ông cũng cho biết trong 5 năm vừa qua, tổng ngân sách đầu tư cho ĐBSCL đứng thứ 3 trong các vùng kinh tế cả nước (khoảng 16,6%). Nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ cũng đứng thứ ba (18,3%).
“Như vậy số vốn bố trí cho ĐBSCL là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm hạ tầng thấp, địa hình chia cắt nên đầu tư hệ thống cầu rất tốn kém. Trong khi đó, địa chất lại yếu nên suất đầu tư cao”, Phó thủ tướng phân tích.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: "Số vốn bố trí cho ĐBSCL là không quá thấp. Tuy nhiên, xuất phát điểm hạ tầng thấp, địa hình chia cắt nên đầu tư hệ thống cầu rất tốn kém. Trong khi đó, địa chất lại yếu nên suất đầu tư cao". Ảnh: Hoàng Hà. |
Phó thủ tướng nhấn mạnh do điều kiện tự nhiên, số tiền đòi hỏi đầu tư cho ĐBCSL càng tăng cao. Chính phủ đã nhận ra điều này và có nghị quyết chuyên đề 120 về biến đổi khí hậu, có chương trình riêng phát triển hạ tầng.
Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Từ nay đến 2020 và trung hạn 5 năm tới, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư các dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết các tiểu vùng tại ĐBSCL như vùng Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau, tứ giác Long Xuyên. Đầu tư kết nối liên vùng giữa ĐBSCL với TP.HCM. Các loại hình như hàng hải, đường bộ, đường sắt, hàng không cũng sẽ được đầu tư.
Về đường bộ, Chính phủ sẽ đầu tư trục đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Về đường thủy nội địa, ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế, có thể phát triển dịch vụ logistics cho khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Với hàng hải, khu vực này có thể đầu tư các luồng tàu biển. Về hàng không, sẽ mở nhiều tuyến đường bay mới, sớm nâng cấp sân bay Phú Quốc; đường sắt đang kêu gọi vốn tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ.
Kẹt xe nghiêm trọng từ miền Tây về TP.HCM thời điểm kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Lê Quân. |
Phó thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu vùng ĐBSCL cần xây dựng các danh mục dự án ưu tiên để bố trí vốn từ nay đến 2020 và giai đoạn đến 2025.
Năm nay, Chính phủ sẽ bố trí phần vượt thu ngân sách là 2.186 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng được bố trí 932 tỷ đồng. Phó thủ tướng cho rằng với số vốn đó, cộng thêm 3.000 tỷ đồng của chủ sở hữu, 6.000 tỷ đồng các khoản tín dụng từ ngân hàng, dự án có thể cơ bản thông tuyến vào năm 2020, đến 2021 sẽ hoàn thành.
“Vấn đề quan trọng này là tổ chức thực hiện, ở đây nhấn mạnh vai trò của Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại. Chính phủ sẽ cố bám sát vấn đề này”, ông nhấn mạnh.
“Tham nhũng vặt nhưng hậu quả không vặt”
Về vấn nạn tham nhũng vặt, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống đại án về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lưu ý tình trạng này.
Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó thủ tướng nhận định tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức.
“Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, Phó thủ tướng nói.
Theo ông, tham nhũng vặt tác động làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân.
Vì vậy, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp. Trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, đảm bảo thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo. Giải pháp này giúp ngăn chặn việc tùy tiện trong thực hiện pháp luật của cơ quan thực thi và thanh tra, kiểm toán, tránh được việc sách nhiễu.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về quy chế, quy trình trong thực thi công vụ và đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn nạn tham nhũng vặt. Ảnh: Minh Quân. |
Phó thủ tướng cũng lưu ý phải đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch. “Đặc biệt, cố gắng ứng dụng các công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công đến cấp độ 4 thì lúc đó mới ngăn được tình trạng người thực thi”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cho rằng chúng ta cần có hệ thống kiểm tra, giám sát bằng công nghệ thông tin như camera giám sát, giám sát việc công chức thực hiện nhiệm vụ công vụ.
Một giải pháp khác được Phó thủ tướng đưa ra là xây dựng hệ thống đội ngũ cán bộ công chức. Tổ chức quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ trong những ngành có rủi ro cao.
Nhắc đến việc Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 10 về nội dung này và đã tổ chức hội nghị sơ kết toàn quốc nhằm chấn chỉnh vấn đề nhũng nhiễu, vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức, Phó thủ tướng tin tưởng tới đây tình trạng này sẽ có chuyển biến tích cực.