Nơi nào nóng nhất thế giới?
Vùng El Azizia (Libya) không còn giữ danh hiệu “nơi có nhiệt độ nóng nhất thế giới” nữa vì kỷ lục này vừa được chuyển giao cho thung lũng Chết, bang California của Mỹ.
Những hòn đá biết đi là một bí ẩn tại thung lũng Chết - Ảnh: Shutterstock |
Nhiệt độ cao nhất thế giới từ trước đến nay là 56,7 độ C, được ghi nhận tại thung lũng Chết vào ngày 10/7/1913. Sở dĩ đến nay thung lũng Chết mới được công nhận là nơi từng có nhiệt độ nóng nhất thế giới là do kỷ lục cũ, tức 58 độ C, ở El Azizia đã không còn được công nhận. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa hoàn tất cuộc điều tra nhằm xác minh nghi ngờ lâu nay rằng không có chuyện nóng đến như vậy ở một khu vực của Libya.
Mức nhiệt độ tại Libya đã được ghi nhận vào ngày 13/9/1922 tại một căn cứ quân sự của Ý. Đây là dữ liệu luôn gây ra nhiều nghi vấn, dù Libya là một chảo lửa thực sự. El Azizia nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 56 km về hướng tây, và Tripoli ở trên bờ biển Địa Trung Hải nên biển cả đóng vai trò điều tiết nhiệt độ, dẫn đến thực tế là chưa có nơi nào gần El Azizia lại bị ám ảnh bởi nhiệt độ tương tự, nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều.
“Khi so sánh kết quả đọc nhiệt kế ở các khu vực xung quanh, và những kết quả đo được trước và sau ngày 13/9/1922, dữ liệu hoàn toàn không khớp”, website OurAmazingPlanet dẫn lời Randy Cerveny của Đại học bang Arizona (Mỹ).
Chuyên gia Cerveny và các đồng sự quốc tế đã rà soát lại các hồ sơ trong lịch sử để đánh giá lại khả năng xuất hiện mức nhiệt độ cao đến 58 độ C. Họ đã may mắn tìm được và xác định cuốn tư liệu ghi lại nhiệt độ vào ngày đặc biệt đó ở El Azizia. Từ dữ liệu này và những nguồn tư liệu khác, họ phát hiện 5 vấn đề với việc ghi nhận nhiệt độ tại căn cứ quân sự Ý: thứ nhất nó do một người mới và chưa được huấn luyện ghi chép lại; thiết bị đo quá cổ lỗ; nơi được đo không đại diện cho cả khu vực xung quanh; kết quả không khớp với các dữ liệu nhiệt độ khác trong khu vực; và nó không phù hợp với nhiệt độ đo được sau đó. Như vậy, về cơ bản các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều lỗi có hệ thống đủ để lật ngược kỷ lục lâu nay đã thuộc về Libya. Họ cho rằng nhiệt độ trên thực tế đã bị ghi nhầm cao hơn đến 7 độ C.
Sau 90 năm, cuối cùng thung lũng Chết cũng “đòi” được kỷ lục về mình. Thường bị mô tả là “đường xuống địa ngục” do nhiệt độ quá cao, hạn hán và hồ muối, thung lũng Chết nằm thấp hơn mặt nước biển đến 86 m, khu vực thấp thứ hai tại Tây bán cầu. Nơi đây còn chôn giấu bí ẩn về những hòn đá tự di chuyển, kéo theo những vệt dài ngoằng trên đường chúng đi qua. Giới khoa học lại xem đây là mỏ vàng thực sự, cho phép nghiên cứu về những trường hợp nhiệt độ quá khắc nghiệt để đưa ra phương cách xử lý.
Theo Thanh Niên