Lửa liếm tới trần tàu
Tàu du lịch Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên) dài chừng 50 m bằng thép, có ba tầng với sức chứa khoảng 600 khách. Gần 21h, nhạc trữ tình ngưng hẳn, đèn điện trên tàu tắt phụt, thay vào đó là tiếng dập đùng đùng của nhạc vũ trường. Hàng trăm du khách dừng đũa, dán mắt về sân khấu khi xuất hiện một cô gái đang rung lắc theo tiếng nhạc. Hai vòng tròn, mỗi vòng gắn mười ngọn đuốc cháy rực nhanh chóng được đưa ra trao vào tay cô gái. Cô gái tiếp tục lắc theo nhạc rồi tròng hai vòng lửa vào người lắc vù vù...Khán giả xem múa lửa trên tàu Bến Nghé. |
Nguy cơ tiềm tàng về cháy nổ
Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP cho biết, các đơn vị chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu nhà hàng chở khách du lịch đi dọc sông Sài Gòn từ sau vụ chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương. Thế nhưng, một số tàu nhà hàng neo đậu ở bến Bạch Đằng đã tổ chức cho các diễn viên múa lửa phục vụ khách ăn uống trên sông.
Hiện chưa có quy định về xử phạt việc biểu diễn múa lửa trên tàu, trong khi mối nguy cơ tiềm tàng về cháy tàu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa đề ra quy định các tàu nhà hàng này trước khi xuất bến phải lập danh sách, địa chỉ hành khách đi tàu. Để khi tàu xảy ra tai nạn các cơ quan chức năng sẽ xác định và có biện pháp xử lý tốt hơn.
Mỗi khi đuốc tắt, một thanh niên lại nhanh nhẹn cầm một chiếc ca đựng dung dịch lỏng để cô gái nhúng đuốc vào rồi châm lửa. Mùi xăng bốc lên xộc vào mũi. Khói bốc cao. Mỗi lúc cô gái vung tay quơ đuốc lên cao, ngọn lửa lại liếm tới trần tàu (trần tàu chỉ cao chừng 2m). Cô gái ngậm đầu đuốc đang cháy rừng rực trong miệng trong khi một người đàn ông ghé môi vào mồi điếu thuốc...
Cô gái múa lửa tên Nguyễn Hồng Hạnh (lấy nghệ danh là Ngọc Phương Thi). Hạnh cho biết đã theo nghề múa lửa này từ bé và ký hợp đồng biểu diễn hằng đêm với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên. “Em sợ nhất khi biểu diễn trên tàu có gió lớn. Gió làm mình không thể chủ động và an toàn khi tiếp xúc với lửa. Có những lần gió mạnh quá thổi lửa táp lên lông mi cháy khét, có khi bị phỏng. Có khi đuốc gắn trên vòng bị rớt ra, cũng may chưa có lỡ tay quăng đuốc ra khỏi tầm tay, có thể gây cháy trên tàu”, Hạnh chia sẻ.
Không chỉ trên tàu du lịch Sài Gòn, các chuyến tàu khác tại khu vực bến Bạch Đằng như tàu du lịch Mỹ Cảnh, tàu Bến Nghé... cũng từng có biểu diễn múa lửa tương tự. Thông thường mỗi tiết mục múa lửa chỉ khoảng năm phút nhưng diễn viên sẵn sàng kéo dài thêm thời gian, diễn thêm chiêu trò tùy vào lượng tiền boa của khách. Những chiêu “khuyến mãi” thêm thường là uốn éo, bò toài ra sàn tàu, thoa đuốc đang cháy lên khắp người, nuốt lửa, ngậm lửa đang cháy... Tiền boa càng nhiều, tiếng vỗ tay càng rộn, chiếc đuốc trên tay cô gái càng huơ nhanh hơn, vòng tròn khán giả trên tàu càng khép chặt hơn, ép gần khu vực có lửa.
Khu vực biểu diễn múa lửa cách các bàn ăn gần nhất của du khách chỉ khoảng 2 m. Vào cao điểm biểu diễn, phần đông du khách đã dồn lên phía trên của tàu, sát sân khấu, hú, hét, huýt sáo, chụp hình, quay phim. Một ông khách say sưa quay phim cảnh múa lửa bằng điện thoại di động bình thản nhận xét: “Có gì đâu mà sợ cháy tàu. Vui mà. Có cháy thì đông người vậy cũng dập được thôi. Ở đây trên sông, sợ gì lửa...”.
Sẽ chấm dứt múa lửa
Đêm 14/8, Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông (thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM) đã tổ chức đợt kiểm tra an toàn PCCC cũng như việc tổ chức múa lửa trên tàu Bến Nghé và tàu Sài Gòn. Tuy nhiên, do việc kiểm tra được thông báo trước nên hoạt động múa lửa trên tàu không diễn ra.
Ông Phạm Ngọc Linh, thuyền trưởng tàu Bến Nghé, thừa nhận trước đó có tổ chức múa lửa trên tàu, mỗi suất múa chỉ diễn ra 5-7 phút. Nguyên nhân chủ yếu nhằm tạo điểm nhấn cho khách du lịch đi trên tàu và một phần theo nhu cầu, thị hiếu của du khách. Việc tổ chức múa lửa không được cơ quan thẩm quyền, cụ thể là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP cấp phép.
Ông Linh cho rằng múa lửa đã có truyền thống rất lâu và không phải xin phép cơ quan nào. Còn theo ông Lê Nhật Lão - chủ tàu Bến Nghé, mỗi lần có diễn viên múa là tàu cử nhiều nhân viên túc trực xung quanh để “có xảy ra sự cố sẽ xử lý ngay” nhưng thời gian qua chưa xảy ra sự cố cháy nổ nào.
Trong khi đó, ông Lê Thành Lâm, quản lý tàu Sài Gòn, cho biết khi tiếp nhận công việc quản lý tàu là đã có chương trình múa lửa hằng đêm. “Việc múa lửa đã có từ trước và cũng không phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền”, ông Lâm nói.
Theo ông Lê Văn Thọ, Trưởng Phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông, hiện nay trên khu vực bến tàu Bạch Đằng có năm tàu thiết kế theo mô hình nhà hàng du lịch. Trong đó có hai tàu Bến Nghé, Sài Gòn thường tổ chức biểu diễn múa lửa trên tàu hằng đêm. Tuy nhiên, quá trình cảnh sát đi thực tế không chỉ hai tàu trên mà tàu Mỹ Cảnh cũng có tổ chức biểu diễn múa lửa. Tiết mục múa lửa trở thành một “đặc sản” nhằm thu hút du khách trên các chuyến tàu du lịch tại bến Bạch Đằng (ngoại trừ các tàu gỗ).
Về góc độ an toàn cháy nổ, ông Thọ cho rằng theo quy định, các phương tiện chuyên chở khách không tạo ra các hoạt động phát sinh nhiệt, lửa nếu không có sự thẩm định cấp phép của cơ quan chức năng. “Nếu cơ quan nào cấp phép thì chúng tôi cũng kiến nghị rút giấy phép vì việc múa lửa trên tàu rất nguy hiểm. Bởi vì những đốm lửa từ người biểu diễn văng ra rơi trúng hành khách hoặc vật liệu dễ bắt lửa trên tàu dẫn đến tai họa khó lường về PCCC cũng như an toàn giao thông thủy”, ông Thọ kết luận.
Sau đợt kiểm tra an toàn PCCC trên các tàu du lịch tại bến Bạch Đằng, cơ quan chức năng PCCC của TP cũng đã có văn bản yêu cầu các chủ tàu ngưng hoạt động múa lửa nhằm đảm bảo an toàn cho khách. Ông Tâm cũng như ông Lão đều nói nếu cơ quan chức năng về PCCC khẳng định việc múa lửa mất an toàn PCCC và yêu cầu chấm dứt thì sẽ chấp hành, chuyển sang một loại hình nghệ thuật khác để thay thế.