Vẻ mặt ưu tư của Bernice Motsieloa trong một ca làm việc dưới hầm. Ảnh: AFP |
Bernice Motsieloa, 33 tuổi, hiện là người giám sát ca sản xuất tại mỏ bạch kim Bathopele của Công ty Khai thác mỏ Anglo American. Cô là một trong hàng ngàn nữ công nhân đang tham gia vào công việc đầy khó khăn và nguy hiểm vốn chỉ dành cho đàn ông.
Từ năm 1996, sau khi bãi bỏ luật phân biệt chủng tộc, chính phủ Nam Phi cho phép phụ nữ tham gia ngành khai thác mỏ. Hiện nay, phụ nữ chiếm đến 15% trong tổng số thợ mỏ ở quốc gia này. Đó cũng là lúc những bản báo cáo về tình trạng quấy rối tình dục xuất hiện. Một số thợ mỏ nghỉ hưu cho biết, các nữ thợ mỏ luôn phải đối mặt với nguy cơ tấn công tình dục do các đồng nghiệp nam thực hiện.
Dù chưa bị xâm hại tình dục từ khi bước chân xuống hầm mỏ vào năm 2002, Motsieloa vẫn nhớ những lời khiếm nhã của đồng nghiệp.
“Các đồng nghiệp nam thường nói: Đây không phải là thế giới của cô. Tình hình trong thời gian đầu quả thật không dễ dàng chút nào. Tôi luôn muốn bỏ việc”, cô kể.
Các nữ công nhân khai thác than trong hầm mỏ của công ty Anglo American. Ảnh: AFP |
Năm 2012, ở một nơi cách mỏ Bathopele vài cây số, một nữ thợ mỏ của Công ty Anglo American, đã chết sau một vụ cưỡng hiếp. Cách đây 3 tháng, một nữ thợ mỏ cũng bị cưỡng hiếp ngay trong phòng thay đồ của công ty.
“Tôi đã sốc và không tin tưởng vào môi trường làm việc này nữa. Tôi nghĩ tình hình sẽ như thế nào nếu ai đó lên tiếng về vấn nạn hiếp dâm nữ thợ mỏ ?”, Motsieloa tâm sự.
Môi trường làm việc nguy hiểm
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Motsieloa đã phấn đấu trở thành người quản lý một đội gồm 22 thợ mỏ với đa số thành viên là nam giới.
“Với tôi, nghề khai thác mỏ không phải là sự lựa chọn đầu tiên, nhưng sẽ là công việc cuối cùng. Tôi yêu văn phòng của tôi”, cô thổ lộ.
Văn phòng của cô là một đường hầm cách mặt đất 350 m, với máy móc hạng nặng bao quanh và nhiều hiểm họa rình rập.
Nozuko Ogyle, công nhân thuộc nhóm của Motsieloa, cho biết, để được công nhận, phụ nữ phải cố gắng gấp hai lần so với các đồng nghiệp nam.
“Rõ ràng đây là một công việc đầy thách thức. Là một người phụ nữ, chúng tôi phải thể hiện rằng chúng tôi có thể đảm đương công việc. Tôi cũng nghe rất nhiều câu chuyện quấy rối tình dục, nhưng may mắn thay, chuyện ấy chưa xảy ra ở đây”, nữ công nhân điều khiển băng chuyền tâm sự.
Hiện nay công ty Anglo American có 3.081 nữ công nhân. Công ty đã triển khai một hệ thống biện pháp nhằm giúp nữ thợ mỏ không phải xuống hầm mỏ một mình, cũng như thiết lập một đường dây nóng về quấy rối tình dục. Họ cũng áp dụng các biện pháp an toàn khác như camera giám sát và máy kiểm tra sinh trắc học tại phòng thay đồ của nữ công nhân.
“Chị em có thể trao đổi với chúng tôi, và đề nghị công ty nên làm thế nào…Vì vậy, tôi nghĩ những biện pháp này sẽ giúp họ cảm thấy an toàn hơn ngay tại nơi làm việc”, Chris Griffith, Giám đốc điều hành Công ty Anglo American nói.
"Ân huệ tình dục"
Một nghiên cứu do một nhóm giáo sư thuộc Trường Đại học Witwatersrand, Nam Phi thực hiện vào năm 2009 cho thấy tình trạng bóc lột phụ nữ trong ngành khai thác mỏ. Theo nhiều bằng chứng trong nghiên cứu, ngay cả người quản lý cũng quấy rối tình dục các nữ đồng nghiệp.
“Đàn ông vẫn xem phụ nữ như là đối tượng tình dục. Tình trạng trao đổi tình dục ngày càng tăng. Ân huệ tình dục rất phổ biến ở dưới lòng đất”, các tác giả của nghiên cứu nhận định.
Elias Mkhonza, một thợ mỏ nghỉ hưu thừa nhận các thợ mỏ nam thường đòi hỏi ân huệ về tình dục. Nhưng đổi lại, họ sẽ giúp đỡ các nữ đồng nghiệp trong những công việc khó khăn.
“Tôi giúp cô và cô phải trả lại tôi thứ gì đó", Elias giải thích.