Qua kiểm nghiệm 129 nhóm thuốc bảo vệ thực vật, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia chỉ phát hiện thấy có tồn dư dưới mức cho phép ở vỏ và ruột một số mẫu trái cây. Còn những “chất lạ” làm trái lê bảo quản được đến năm tháng vẫn còn tươi thì hoàn toàn không phát hiện được.
Người tiêu dùng đang phải sống trong nỗi lo lắng thường trực liên quan đến trái cây - loại hàng hóa khá thiết yếu cho nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày nhưng đang có nguy cơ mất an toàn vì tồn dư chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thúc chín không rõ tên và mức độ độc hại, bị “hô biến” đánh tráo về nguồn gốc xuất xứ. Nhưng cuộc kiểm tra, lấy mẫu rất rầm rộ và có tốn kém này cuối cùng không mang lại kết quả gì đáng kể. Một lần nữa, người dân hi vọng rồi lại thất vọng.
Nhưng thật ra kết quả này không lạ, bởi năng lực kiểm nghiệm của các labo (phòng thí nghiệm) ở Việt Nam đang rất có vấn đề.
Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn cách đây hơn 10 ngày, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Phạm Xuân Đà cho biết labo của viện ông xác định được 600/2.000 hóa chất bảo vệ thực vật đã được định danh, còn hóa chất bảo quản, bảo vệ thực vật chưa được định danh thì gần như chịu, vì phương pháp thử khác, chất chuẩn khác cũng có thể cho ra kết quả khác nhau.
Đây là labo đầu ngành có nhiệm vụ trọng tài mà năng lực mới đạt ở mức độ như thế, chả trách ba năm trước Sở Y tế Lạng Sơn cũng lấy mẫu trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc để kiểm tra mà đến giờ chưa có kết quả. Thêm một cuộc kiểm tra nữa không đến đích, mối lo lắng về chất lượng, vệ sinh và mức độ an toàn của trái cây tiếp tục phải để ngỏ.
Gần đây khi chuẩn bị xuất khẩu vải và nhãn Việt Nam vào Mỹ, cơ quan chức năng Việt Nam đã phải xây dựng danh sách mã vùng trồng vải, nhãn ở miền Bắc và miền Nam, yêu cầu các nhà máy chế biến hoàn thành bản đồ chiếu xạ và chỉ các sản phẩm trồng ở vùng có đăng ký, gắn mã, được chiếu xạ mới được xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), quy định hiện hành là chỉ kiểm tra xác suất 10% lô hàng (90% còn lại là tự do vào Việt Nam, chưa kể kiểm tra 10% bằng test nhanh thì hiệu quả là hạn chế), và theo tiết lộ của ông Hồng thì chi phí kiểm tra vệ sinh trái cây ở cửa khẩu đã bị cắt giảm xuống còn hơn 2 tỷ đồng trong năm 2014 (2012 là 7,5 tỷ, 2013 là 2,5 tỷ), trong khi nhu cầu cần 5 tỷ đồng!
Nhưng có tiền cũng chưa phải là chắc chắn có thực phẩm an toàn. Bằng chứng là hiện nay hệ thống labo kiểm nghiệm được đầu tư chồng chéo, y tế dự phòng, bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn đo lường chất lượng... đều có labo, nhưng độ chính xác và hiệu quả thì không ai dám chắc.
Luật an toàn thực phẩm hiện hành giao Bộ Y tế quản lý chung về an toàn thực phẩm, trong khi quản lý chất lượng trái cây là việc của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng là giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát chứ không quy rõ trách nhiệm sẽ thuộc về ngành nào, cấp nào nếu trái cây không an toàn, nếu người dân lo lắng về chất lượng trái cây.
Vấn đề chất lạ trong trái cây đã kéo dài nhiều năm nay và luôn là chuyện thời sự trong bữa cơm của các gia đình người Việt. Nhưng bao giờ trái cây vào Việt Nam an toàn, bao giờ nhà chức trách Việt Nam có những “quy định khó” để trái cây vào Việt Nam cũng đủ chuẩn chất an toàn như các nước yêu cầu khi hàng Việt Nam vào nước họ?