Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi làm bếp ông Táo duy nhất ở Sài Gòn

Ở Sài Gòn hiện chỉ còn duy nhất cơ sở của ông Năm Tiếp làm lò đất thủ công. "Ông Táo" được khai sinh ở đây sẽ theo xe về khắp nơi ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Hiện nay, nơi sản xuất bếp lò đất rất hiếm. Những 'ông bà Táo' được thay thế bằng các loại bếp gas, điện... Ở Sài Gòn, những năm 80 của thế kỷ trước, các cơ sở làm bếp lò rất nhiều, tập trung ở bến Phú Định (quận 8), nhưng hiện chỉ còn sót lại cơ sở của ông Năm Tiếp. 
Xưởng Năm Tiếp nằm dưới chân cầu Rạch Cây, có lịch sử gần 30 năm. Nguyên liệu chính để làm lò đất là đất sét trộn với mùn cưa, tro trấu. Hiện nay, cơ sở phải xuống tận huyện Cần Giuộc (Long An) để mua đất. Nguyên liệu được nhào nặn bằng máy trước khi mang đi làm lò.
Thợ dùng bàn xoay tạo hình lò, còn 3 chân thì dùng tay để nặn. Công việc này đòi hỏi thợ phải có tay nghề cao để đảm bảo độ cân xứng.
Chân bếp lò sau đó sẽ được cắt tỉa lại gọn gàng, vuông vức hơn.
Công việc cắt tỉa đòi hỏi thợ phải tỉ mỉ. Trong ảnh: Ông Phan Văn Tâm đang dùng dao gọt, cắt những phần đất thừa để bếp lò hài hòa hơn. Ông Tâm theo nghề này gần 30 năm, khi nhiều cơ sở khác đóng cửa thì ông về làm ở xưởng Năm Tiếp. Đây là xưởng làm bếp lò bằng đất duy nhất còn sót lại của Sài Gòn.
Lò đất sau khi hoàn thiện được phơi nắng. Nếu trời đẹp thì chỉ cần 1 ngày là có thể cho vào lò nung.
Nguyên liệu đốt lò nung chủ yếu là trấu. Mỗi bao trấu nặng khoảng 10kg. 
Thợ phải túc trực bên lò nung để trở lửa, thêm trấu.
Công đoạn nung bếp lò phải liên tục, không để lửa tắt. Nếu lửa cháy không đều thì bếp lò sẽ đen, xấu. Thời gian nung khoảng 2 ngày. Trung bình một lò có thể nung khoảng 1.000 bếp đất các loại.
Sau khi nung xong, có một số loại bếp cần được nhúng qua nước màu để có màu sắc ấn tượng.
Sau đó, bếp được dán vỉ lò bằng nhôm. Công việc này thường dành cho thợ trẻ, mới vào nghề. Trong ảnh: Thợ Nguyễn Minh Nghị (23 tuổi) đang "mặc áo" cho bếp. 
"Áo" của bếp lò là những hộp nhôm được cắt thủng đáy.
Bếp lò khi đã đóng vỉ được gia cố lại cho chắc chắn, kết dính hơn.
Nguyên liệu gia cố là xi măng, xơ dừa được nhét vào miệng bếp.
Bếp lò phải trải qua nhiều công đoạn để thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi đợt, có hàng ngàn "ông Táo" lớn nhỏ của ông Năm Tiếp được xếp lên xe chở đi khắp nơi.

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm