Người biểu tình Hàn Quốc cầm theo các biểu ngữ lên án chính phủ Nhật Bản, kêu gọi tẩy chay hàng Nhật, giữa lúc cuộc chiến thương mại gay gắt đang diễn ra giữa hai nước.
|
Người dân Hàn Quốc đã tập trung bên ngoài tòa nhà có trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul trong hai ngày 2-3/8 để phản đối chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nước. |
|
Họ cầm theo các biểu ngữ ghi "Lên án chính quyền Abe. Hãy chính thức xin lỗi các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến", cùng chữ "NO" (không) với hình mặt trời đỏ tượng trưng cho nước Nhật. |
|
Căng thẳng giữa hai nước bắt đầu leo thang từ đầu tháng 7, khi chính phủ Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu thiết yếu dùng để sản xuất chip điện tử và màn hình điện thoại, tivi. Động thái này được xem là trực tiếp đánh vào nền kinh tế dựa vào công nghệ cao của Hàn Quốc. |
|
Hôm 2/8, Tokyo tiếp tục đẩy căng thẳng lên một nấc mới khi thông báo loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" gồm 27 nước được Nhật ưu tiên xuất khẩu. Quyết định của Nhật lập tức vấp phải sự trả đũa tương tự từ Seoul. |
|
Người dân Hàn Quốc kêu gọi tẩy chay Nhật Bản, cho rằng nước này gắn liền với mối nguy hiểm về phóng xạ hạt nhân. Họ cũng lên án những nhân vật như Ngoại trưởng Nhật Toro Kano (được in hình trên băng rôn) - người đã dành những lời lẽ gay gắt để chỉ trích Hàn Quốc trong những tuần qua. |
|
Lá cờ đế quốc Nhật Bản, hình ảnh gợi nhớ thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên (1910-1945), vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người dân Hàn Quốc. |
|
Với nhiều người Hàn, 35 năm dưới sự cai trị của người Nhật đầu thế kỷ 20 là giai đoạn đen tối nhất lịch sử. Trong ảnh, người biểu tình cầm các biểu ngữ ghi "No Abe" (Nói không với Abe). |
|
Những vấn đề mà giai đoạn đó để lại như lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục đến nay vẫn rất nhạy cảm trong quan hệ Nhật - Hàn. Trong ảnh, người biểu tình đưa đến bức tượng "phụ nữ mua vui", cụm từ chỉ những phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên bị ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến II. |
|
Căng thẳng lần này được cho xuất phát từ phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi cuối năm ngoái, yêu cầu một công ty Nhật bồi thường cho nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến. Tokyo cho rằng mọi khiếu nại về giai đoạn này đều đã được giải quyết về mặt pháp lý theo hiệp định năm 1965 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
|
|
Trước những động thái của Tokyo, người dân Hàn Quốc đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm từ Nhật Bản với khẩu hiệu "Không bán, không mua". Trong ảnh, một tấm biển được trưng tại siêu thị kêu gọi tẩy chay. |
|
Làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đang diễn ra mạnh mẽ, nhắm vào mọi mặt hàng từ những thương hiệu thời trang, chuỗi cửa hàng mì ramen, mỹ phẩm, bia, thậm chí cả văn phòng phẩm, cho tới các thương hiệu ôtô. |
|
Các chuyên gia cho rằng tranh chấp có thể kéo dài, gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế, khi cả hai bên đều không cho thấy dấu hiệu thoái lui. |
người hàn biểu tình chống nhật
Triều Tiên
Hàn Quốc
Nhật Bản
chiến tranh thương mại nhật hàn
tẩy chay hàng nhật
căng thẳng hàn nhật