Cuộc chiến thương mại giữa hai nước láng giềng Đông Á xuất phát từ những vấn đề nhạy cảm lịch sử để lại và sẽ không thể kết thúc trong một sớm một chiều.
Trong chưa đầy hai tuần, đã có hai người đàn ông trong độ tuổi 70 tự thiêu trên đường phố thủ đô Hàn Quốc.
Ngày 1/8, một người đàn ông 72 tuổi tự châm lửa đốt mình tại trung tâm Seoul. Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy một túi xách, bên trong có cuốn sổ ghi chép và một tờ bướm với nội dung chỉ trích Nhật Bản về quyết định siết chặt xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao đến Hàn Quốc, cũng như lời thề chiến đấu với Tokyo cho đến khi Thủ tướng Shinzo Abe xin lỗi.
Trong túi còn có cuốn sách về Kim Bok Dong, một trong những nạn nhân đầu tiên lên tiếng phá vỡ hàng thập kỷ im lặng về vấn đề phụ nữ bán đảo Triều Tiên bị ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến II.
Vụ việc xảy ra sau vụ cụ ông 78 tuổi châm lửa tự thiêu trong xe hơi tại khu vực gần Đại sứ quán Nhật ở Seoul hôm 19/7. Ông qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Cảnh sát tiết lộ người này trước đó đã gọi điện cho người quen nói về kế hoạch tự thiêu để bày tỏ sự tức giận với Nhật Bản. Gia đình ông cho hay cha vợ ông từng là lao động cưỡng bức trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị Nhật Bản đô hộ (1910-1945).
Nô lệ tình dục - những người còn được gọi là "phụ nữ mua vui" - và lao động cưỡng bức là hai trong rất nhiều vấn đề nhạy cảm mà lịch sử để lại với hai nước láng giềng Đông Á.
Cách nhau chỉ 50 km mặt nước, Nhật Bản và Hàn Quốc có lịch sử chung sống lâu dài mà phần lớn thời gian là hòa thuận. Tuy nhiên, những ký ức về quá khứ vẫn là nỗi ám ảnh không dứt và đôi khi thổi bùng những căng thẳng trong quan hệ song phương.
Cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra là một ví dụ. Tokyo châm ngòi cuộc chiến dường như không phải vì vấn đề kinh tế hay an ninh quốc gia mà là vì tranh cãi liên quan đến việc bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến ở Hàn Quốc.
Và đằng sau cuộc chiến là những toan tính chính trị của chính phủ hai bên, những người muốn lợi dụng "bóng ma quá khứ" để giành lấy lá phiếu cử tri.
Trong một động thái gây sốc nhưng không bất ngờ, ít nhất với Hàn Quốc, chính phủ Nhật Bản hôm 2/8 tuyên bố sẽ loại nước láng giềng ra khỏi "danh sách trắng" - 27 nước được Tokyo ưu tiên xuất khẩu. Seoul gần như đáp trả ngay lập tức.
Vài giờ sau đó, trong cuộc họp nội các khẩn, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In - ngồi bên dưới biểu ngữ đề dòng chữ "Một quốc gia chính trực" - gọi động thái của Nhật là "quyết định rất khinh suất", theo Nikkei Asian Review.
"Tôi cảnh báo chính phủ Nhật dứt khoát rằng họ sẽ phải chịu mọi trách nhiệm về những gì diễn ra tiếp theo", ông Moon nói, cho biết Seoul đang chuẩn bị biện pháp đáp trả. Không phải chờ đợi lâu, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Nam Hong Ki cùng ngày tuyên bố Hàn Quốc sẽ loại Nhật ra khỏi "danh sách trắng" 29 nước của mình.
Quyết định của Tokyo được đưa ra sau động thái gây căng thẳng hôm 4/7, khi chính phủ Nhật Bản tiến hành siết chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc ba hợp chất thiết yếu để sản xuất chip và màn hình được dùng cho điện thoại và tivi.
Bằng việc hạn chế nguồn cung những hợp chất này - Nhật Bản kiểm soát hơn 90% thị phần đối với hai trong ba hợp chất - chính quyền Abe về cơ bản đã tấn công vào đầu tàu nền kinh tế dựa vào công nghệ cao của Hàn Quốc.
Động thái này đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại gay gắt giữa hai nước, với những hệ lụy không chỉ là song phương mà còn cho cả hệ thống thương mại toàn cầu vốn chao đảo vì cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhà phân tích tài chính cảnh báo rằng chuỗi cung ứng toàn cầu về thiết bị công nghệ có thể bị gián đoạn.
"Hàn Quốc là nhà xuất khẩu chip hàng đầu. Các biện pháp của Nhật sẽ gây tổn hại cho các bên thứ ba", Kim Seung Ho, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề đa phương và pháp lý tại Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng của Hàn Quốc, nói.
Samsung Electronics, công ty lớn nhất của Hàn Quốc, cũng như các nhà sản xuất chip lớn như SK Hynix đã cảm nhận được sức nóng. "Đây là một trong những tình huống tồi tệ nhất mà chúng tôi từng gặp phải", một quan chức cấp cao của Samsung, người yêu cầu không nêu tên, cho biết. "Các chính trị gia chả phải chịu tí trách nhiệm nào vì đống rắc rối này, dù nó gần như đã giết chết chúng tôi".
Lee Jae Yong, Phó chủ tịch của Samsung, đã đến thăm Nhật vào tháng 7 với hy vọng nhận được sự đảm bảo rằng nguồn cung nguyên liệu được duy trì. Khi trở về Seoul, Samsung gửi thư cho các nhà cung cấp địa phương yêu cầu họ dự trữ nguyên liệu từ Nhật với khối lượng dùng cho ba tháng. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc đang chạy đua để tìm nguồn cung khác.
Với quyết định của Tokyo hôm 2/8, các công ty Nhật sẽ cần có sự chấp thuận của chính phủ trước khi xuất khẩu nguyên liệu nhạy cảm sang Hàn Quốc. Vị trí trong "danh sách trắng", biểu tượng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các chính phủ, cho phép Hàn Quốc cùng 26 quốc gia khác được miễn trừ quy trình kiểm tra như vậy trước nay. Hầu hết máy móc và linh kiện Hàn Quốc sử dụng cho sản xuất ôtô và chip được cho là thuộc nhóm này.
Theo báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIET) công bố hồi đầu tháng 7, khoảng 1.100 mặt hàng nước này nhập từ Nhật Bản có thể trở thành đối tượng bị Tokyo siết chặt xuất khẩu. Báo cáo chỉ ra rằng trong số đó, 707 mặt hàng có tỷ lệ phụ thuộc vào Nhật hơn 50% và 82 mặt hàng phụ thuộc 100%.
Biện pháp mạnh tay của Tokyo xuất phát từ sự bất bình đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc ngày 30/10/2018, yêu cầu Nippon Steel, tập đoàn thép lớn nhất Nhật Bản, phải bồi thường cho bốn lao động thời chiến Hàn Quốc mỗi người 100 triệu won (khoảng 85.000 USD).
Phán quyết này được coi là thách thức trực tiếp đối với hiệp định ký năm 1965 thiết lập quan hệ bang giao giữa hai nước, trong đó nêu các vấn đề về tài sản, quyền và lợi ích của hai nước và người dân hai nước đã được giải quyết "hoàn toàn và triệt để" - Nhật Bản đồng ý viện trợ 500 triệu USD khi đó để Hàn Quốc xây dựng, tái thiết đất nước.
Đây cũng là quan điểm của Tokyo, cho rằng mọi khiếu nại về giai đoạn chiếm đóng bán đảo Triều Tiên đều đã được giải quyết ổn thỏa về mặt pháp lý.
Do đó, Tokyo lo ngại rằng phán quyết có thể mở đường cho các nạn nhân khác và người thân của họ, tổng cộng hơn 220.000 người, đệ đơn kiện chống lại khoảng 300 công ty Nhật Bản bị buộc tội sử dụng lao động cưỡng bức trong thời kỳ đô hộ bán đảo Triều Tiên. Các khoản bồi thường có thể lên đến 20 tỷ USD hoặc hơn.
Trong khi đó, mọi chuyện lại hoàn toàn khác từ phía bên kia. Trong phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào Độc lập 1/3 diễn ra năm nay, Tổng thống Moon nói: "Nhiệm vụ làm cho lịch sử trở nên đúng đắn là những gì cần để giúp các thế hệ tương lai của chúng ta ngẩng cao đầu".
Tòa án Hàn Quốc hồi tháng 1 đã phê chuẩn việc tịch biên cổ phần của Nippon Steel tại PNR, liên doanh tái chế giữa tập đoàn Nhật Bản với nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco, dùng làm tiền bồi thường cho các nguyên đơn. Việc này làm dấy lên nỗi sợ rằng những tài sản khác của Nhật Bản có thể bị tịch thu trong tương lai.
"Chính phủ Nhật sẽ không ngồi yên nhìn Hàn Quốc thu giữ tài sản của Tokyo", Hajime Izumi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Tokyo, nhận xét. "Nhật Bản sẽ yêu cầu trả lại bất kỳ tài sản nào bị tịch thu, bất kể mất bao lâu thời gian, dù 100 năm hay 1.000 năm".
Hàn Quốc cũng không ngồi yên. Seoul đã đưa tranh chấp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nơi các đại diện của họ lập luận rằng việc Nhật hạn chế xuất khẩu là cách trả đũa không công bằng cho các phán quyết của tòa. Họ nói điều này đi ngược lại với nguyên tắc thương mại tự do và công bằng.
Về mặt chính thức, Tokyo giải thích quyết định của họ không liên quan đến vấn đề lao động thời chiến mà là vì an ninh quốc gia, dù họ gần như không cung cấp bằng chứng nào công khai để biện hộ cho tuyên bố này. Tuy nhiên, một số thông tin đã được hé lộ.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết việc chuẩn bị áp đặt hạn chế xuất khẩu đã bắt đầu vào đầu năm nay, khi căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang vì phán quyết bồi thường. Văn phòng Thủ tướng Abe đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp và các bộ khác đề xuất giải pháp để gây áp lực lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Cuối cùng, ông Abe đã thông qua một đề xuất từ Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản để siết chặt kiểm soát xuất khẩu với ba vật liệu - hydro florua, polyimide fluoride và chất cản quang.
Trong số ba vật liệu này, hydro florua là nhạy cảm nhất: Nó không chỉ được sử dụng để sản xuất chip mà còn để làm giàu uranium và sản xuất khí sarin gây chết người. Ngày càng có nhiều quan ngại ở Nhật Bản về việc hợp chất này bị đưa đến Triều Tiên theo đường vòng thông qua Hàn Quốc (một quan chức Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã bác bỏ suy đoán này).
Thực tế, Tokyo từ lâu lo lắng về việc kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc đối với các vật liệu được sử dụng trong các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, như vũ khí hạt nhân, tên lửa và vũ khí sinh hóa.
"Trong khi Nhật Bản có một đội ngũ 120 nhân viên để sàng lọc và tìm hiểu, thì Hàn Quốc chỉ có 11 người phụ trách", Rui Matsukawa, thành viên của thượng viện Nhật Bản, nói với các phóng viên vào ngày 24/7. Ngoài ra, nghị sĩ đảng cầm quyền Nhật Bản cũng cho rằng còn có các lỗ hổng khác trong việc kiểm soát xuất khẩu của Hàn Quốc.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc phủ nhận điều này.
Căng thẳng thương mại xảy ra khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải đối mặt với sự đi xuống của nền kinh tế. Cả hai bên đều không muốn những luồng gió chướng mới xuất hiện, nếu xét đến những thách thức mà chiến tranh thương mại mang đến hay sự suy thoái mà nền kinh tế Trung Quốc đang đương đầu. Song có vẻ như cả hai bên đều có động cơ chính trị đằng sau.
Nhật Bản quyết định công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới trong khoảng thời gian giữa hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka - nơi ông Abe ca ngợi những điều tốt đẹp của "một nền kinh tế tự do và mở" - vào cuối tháng 6 và cuộc bầu cử thượng viện nước này vào ngày 21/7. Chính quyền Abe cho rằng việc thể hiện lập trường cứng rắn về Seoul sẽ giúp họ giành được phiếu của cử tri.
Một số lượng đáng ngạc nhiên người dân Nhật dường như không biết nhiều về sự tàn bạo của Nhật Bản trong quá khứ, theo Asia Times. Năm 1991, trong cuốn Inventing Japan, tác giả William Chapman viết: "Đối với người Nhật bình thường (người không lớn lên trong thời chiến), sự tàn bạo của Nhật Bản chỉ là lời đồn. Sự thật về cuộc chiến, những điều mà họ biết là đúng, đều ở phía bên kia. Các vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki... chuyện sẽ có lý nếu Nhật Bản là nạn nhân".
Ông Abe đã thu được những lợi ích về chính trị nhờ việc lợi dụng định kiến dai dẳng của người dân đối với bán đảo Triều Tiên, người Triều Tiên/Hàn Quốc cũng như cộng đồng thiểu số người gốc bán đảo này tại Nhật. Thậm chí tiếng Nhật có một từ để chỉ điều này - "kenkan" - nghĩa đen là "ghét Hàn" nhưng thường được diễn giải thành "tư tưởng chống Hàn".
"Tôi không thể tin tưởng người Hàn", ông Kazuhiko, 59 tuổi, sống tại tỉnh Aichi, cho biết trên South China Morning Post. "Đương nhiên có người này người kia, nhưng người Hàn có vẻ hiếu chiến. Tôi từng nghe nói người Hàn cư xử khá tệ, nên tôi không có ấn tượng tốt về họ".
Trong khi đó, người Hàn nói chung có xu hướng xem thời kỳ thuộc địa Nhật là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử dân tộc, với một số người cho rằng 35 năm sống dưới sự cai trị của Nhật không khác gì thời kỳ diệt chủng Do Thái.
Trước những động thái từ Tokyo, làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản đã diễn ra mạnh mẽ tại Hàn Quốc, nhắm vào mọi mặt hàng từ những thương hiệu thời trang, chuỗi cửa hàng mì ramen, mỹ phẩm, bia, thậm chí cả văn phòng phẩm, cho tới các thương hiệu ôtô.
Hôm 23/7, đoạn video ghi lại cảnh Song Mo, người đàn ông 48 tuổi sống tại thành phố Incheon, tự tay đập nát chiếc Lexus mà ông sử dụng trong 8 năm đã lan truyền khắp mạng xã hội và được đưa tin rộng rãi. Sự việc xảy ra ở một bãi đỗ xe, xung quanh treo cờ Hàn Quốc và tấm biển đề chữ "Nói không với Nhật Bản".
"Hãy tẩy chay Nhật Bản. Tôi cảm thấy xấu hổ khi lái một chiếc Lexus. Mọi người hãy cùng tham gia làn sóng tẩy chay này", ông Song kêu gọi đám đông.
Việc lái xe Nhật ở Hàn Quốc cũng trở nên khó khăn khi các trạm xăng và cửa hàng sửa ôtô từ chối phục vụ xe do Nhật sản xuất. Hiệp hội Xăng dầu Hàn Quốc gần đây tuyên bố không bán nhiên liệu cho những chủ xe Nhật, trong khi một tổ chức điều hành gara cũng thông báo không tiếp nhận các phương tiện này.
"No No Japan", một website đang được chia sẻ rộng rãi, cung cấp cho người Hàn Quốc thông tin về những sản phẩm Nhật Bản để tẩy chay và những sản phẩm Hàn Quốc để mua thay thế. Người dân biểu tình trên đường phố mang theo những tấm biển in hình mặt trời đỏ tượng trưng cho chữ "O" trong câu "No Abe" (nói không với Abe).
Ngoài tẩy chay hàng hóa, người dân còn thể hiện sự phản đối với Nhật Bản qua nhiều hình thức khác. 6 sinh viên đại học tại Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc, bị bắt giam hôm 22/7 sau khi đột nhập bất hợp pháp vào lãnh sự quán Nhật Bản để biểu tình. Số lượng đặt tour du lịch Nhật Bản cũng giảm tới 50%, dù đây từng là điểm đến hàng đầu của du khách Hàn Quốc.
Các chính trị gia Hàn Quốc đang cổ vũ những yếu tố bài Nhật như vậy, đánh cược rằng điều này sẽ giúp gia tăng sự ủng hộ dành cho họ trước thềm cuộc bầu cử vào năm tới. Cho Kuk, một quan chức cấp cao trong chính quyền, dẫn đầu phong trào.
"Sức mạnh quốc gia Nhật Bản dường như lớn hơn Hàn Quốc", ông viết trên Facebook. "Nhưng đừng sợ hãi vì điều này. Sức mạnh quốc gia Hàn Quốc đã tăng lên mức không thể so sánh với năm 1965 khi hiệp định Nhật - Hàn được ký".
Chính trị gia Hàn Quốc vẫn cho rằng ngoại giao là phương án tốt nhất để chấm dứt cuộc chiến. "Nhưng, nếu chúng ta không thể tránh được cuộc chiến pháp lý và ngoại giao, chúng ta nên chiến đấu và giành chiến thắng", ông Cho nói.
Người dân Hàn Quốc biểu tình trên đường phố Seoul với các hình ảnh và biểu ngữ chống Nhật Bản. |
Tất cả những điều này hoàn toàn khác xa viễn tưởng về mối quan hệ mà giới lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước hình dung: bộ đôi đồng minh của Mỹ tạo thành thị trường chung gồm 180 triệu người có thể cạnh tranh với Trung Quốc.
"Thế kỷ 21 được cho là thế kỷ châu Á, nhưng quốc gia nào sẽ dẫn đầu thế giới?", Nobuya Takasugi, cố vấn tại Viện Châu Á và Âu Á, đồng thời từng là quản lý doanh nghiệp tại Hàn Quốc trong 19 năm, nói. "Có ổn không khi để Trung Quốc trở thành lãnh đạo (thế giới)? Chẳng phải Nhật Bản và Hàn Quốc nên hợp tác cùng nhau và giành lấy ghế lãnh đạo hay sao?".
Không phải lãnh đạo hai nước chưa từng nghĩ đến điều đó. Năm 2003, một năm sau khi Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng tổ chức thành công Word Cup, tổng thống Hàn khi đó, ông Roh Moon Hyun, được mời đến một tiệc chiêu đãi ở Tokyo với Nhật hoàng khi đó, Akihito.
Ông Roh, nhà lãnh đạo đầu tiên của Hàn Quốc sinh ra sau thời kỳ Nhật Bản đô hộ, đã nâng ly chúc mừng "sự phát triển bất diệt của mối quan hệ hữu nghị" và tương lai tươi sáng của Đông Bắc Á "được hai nước cùng nhau vun đắp".
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono trong cuộc gặp bên lề hội nghị của ASEAN tại Bangkok, Thái Lan, hôm 1/8. |
Cho đến nay, ông Roh, người thầy chính trị của Tổng thống Moon đương nhiệm, là tổng thống cuối cùng được mời thăm Nhật với tư cách quốc khách.
Những tuyên bố như của ông Cho Kuk cho thấy giới chính trị gia ở cả hai bên khó có thể nhượng bộ trong một sớm một chiều. Karl Friedhoff, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Toàn cầu Chicago, lo ngại rằng tranh chấp có thể kéo dài, gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế.
"Tôi không nhìn thấy giải pháp trong ngắn hạn cho vấn đề này. Rõ ràng cả hai bên đã tính toán sai lầm khi để mọi chuyện đến nước này, nhưng giờ họ đã lún sâu đến mức nếu rút lui sẽ gây tổn hại về mặt chính trị", ông Friedhoff nói.
Vị chuyên gia cho rằng nếu hai bên cứ trả đũa qua lại, họ sẽ mắc kẹt trong cuộc chiến mà cuối cùng "cả hai đều là người thua cuộc".
Tài khoản Twitter chính thức của tổng thống Hàn Quốc đã đăng trên đầu trang một tấm hình ông Moon, dường như được chụp trong cuộc họp nội các khẩn cấp hôm 2/8 sau thông báo từ Tokyo.
Tấm hình đề dòng chữ "Chúng ta sẽ không bao giờ thua trước Nhật Bản một lần nữa".