Đau bụng kinh đôi khi xuất hiện theo từng cơn co thắt dữ dội, nhưng cũng có thể đau âm ỉ và liên tục hơn. Ảnh: New York Times. |
Minh Tâm (24 tuổi, nhân viên marketing tại TP.HCM) thường xuyên cáu kỉnh và khó chịu tại công ty trong kỳ kinh nguyệt.
"Nói chung, mình rất mệt mỏi, chán nản chỉ muốn nằm nghỉ ngơi mà không làm gì cả”, cô kể.
Trái lại, Thục Vy (22 tuổi, nhân viên truyền thông tại TP.HCM) dường như không còn sức để cáu gắt ở chỗ làm. Ngày kinh nguyệt khiến chị bị đau bụng nhiều, mất sức và rất mệt mỏi, chỉ muốn hoàn thành nhanh công việc để về nghỉ ngơi.
Công việc không thể bỏ dở
Chị Minh Tâm chia sẻ: “Trước kỳ kinh nguyệt, cơ thể mình không quá khó chịu, nhưng lại cảm thấy bất an và lo lắng. Căng thẳng nhất là 2 ngày đầu vì mình có nhiều triệu chứng như đau bụng, đau lưng, ớn lạnh và tiêu hoá cũng không tốt".
Lúc đau đến mức không thể chịu nổi chị Tâm sẽ dùng thuốc giảm đau và cố gắng đi làm thay vì lãng phí ngày phép. Đôi lúc, chị sẽ xin phép sếp về sớm để nghỉ ngơi.
Vy cho biết trước khi kinh nguyệt bắt đầu, chị thường nhận biết với những dấu hiệu khá rõ ràng về thể chất như căng bụng, thỉnh thoảng có vài cơn đau nhẹ. Về tâm lý, chị thường khó kiểm soát cảm xúc, khiến mọi thứ dễ đổ vỡ hơn.
Kỳ kinh nguyệt khiến Thục Vy cảm thấy nhạy cảm và thiếu bình tĩnh hơn. Ảnh: NVCC. |
“Vì tính chất công việc, mình hay có những buổi phỏng vấn và cuộc hẹn từ trước với người nổi tiếng tại studio của công ty. Mình không thể thay đổi lịch và càng không thể vắng mặt vì mình là một trong những người phụ trách chính. Nhưng lần đó phát sinh một vài sự cố khiến mình không thể vào studio để chuẩn bị dù đã sát giờ phỏng vấn. Không hiểu sao lúc đó mình cảm thấy rất bất lực, mình đã bật khóc đến một lúc sau mới ổn định lại để làm việc tiếp”, chị Vy chia sẻ.
Nhưng may mắn thay, những lúc như thế, sếp và đồng nghiệp đã nhiệt tình hỗ trợ để chị thuận lợi hoàn thành công việc và về nghỉ ngơi ngay sau buổi phỏng vấn.
Thúy (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) gần như tháng nào mình cũng phải uống thuốc trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, chị sẽ không để bản thân làm việc quá nhiều.
"Mình chỉ uống thuốc vào ngày đầu (ngày đau nhất), uống tầm 30 phút thì cơn đau sẽ giảm bớt. Mình cũng biết là lạm dụng thuốc đau bụng kinh không tốt cho sức khỏe nên cũng không dám uống nhiều”, chị Thúy nói.
Tương tự Thúy, Thục Vy cũng thường uống thuốc giảm đau trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, chị Vy uống thêm nước ấm và chườm túi nước nóng có thể giảm đau nhanh hơn.
Nguyên nhân đau nhức, mệt mỏi tiền kinh nguyệt
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến và là một phần bình thường của chu kỳ kinh nguyệt. Nó thường có cảm giác như cơn chuột rút ở bụng, và có thể lan ra lưng hay đùi. Cơn đau đôi khi xuất hiện theo từng cơn co thắt dữ dội, nhưng cũng có thể đau âm ỉ và liên tục hơn.
Đau bụng kinh thường kéo dài 48-72 giờ hay kéo dài hơn và có thể thay đổi theo từng thời kỳ. Một số kỳ kinh không gây cảm giác khó chịu, nhưng những kỳ kinh khác có thể đau hơn. Đôi khi bạn có thể bị đau vùng chậu ngay cả khi không có kinh.
Đau bụng kinh xảy ra khi thành cơ của tử cung co thắt lại. Các cơn co thắt liên tục xảy ra trong tử cung nhưng chúng nhẹ đến mức hầu hết phụ nữ không thể cảm nhận được. Trong kỳ kinh nguyệt, thành tử cung bắt đầu co bóp mạnh hơn để giúp niêm mạc tử cung bong ra như một phần của kỳ kinh.
Khi thành tử cung co lại, nó sẽ nén mạch máu trong tử cung. Điều này tạm thời cắt nguồn cung cấp máu và oxy đến tử cung. Nếu không có oxy, mô trong tử cung sẽ tiết ra các chất hóa học gây đau, đồng thời sản xuất ra nhiều hóa chất khác gọi là prostaglandin. Prostaglandin khiến các cơ tử cung co bóp nhiều hơn, làm tăng mức độ đau.
Ngoài ra, đau bụng kinh có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có xu hướng ảnh hưởng đến phụ nữ lớn tuổi. Phụ nữ từ 30 đến 45 tuổi thường bị ảnh hưởng nhất. Một số bệnh lý có thể gây ra đau bụng kinh bao gồm lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung hay bệnh viêm vùng chậu.
Cách giảm đau tại nhà
Trong hầu hết trường hợp, đau bụng kinh nhẹ và vừa có thể điều trị tại nhà bằng cách uống thuốc giảm đau.
Theo NHS, chúng ta có thể dùng ibuprofen và aspirin để giúp kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên, không dùng ibuprofen hoặc aspirin nếu bạn bị hen suyễn hoặc có các vấn đề về dạ dày, thận hoặc gan. Người dưới 16 tuổi không nên dùng aspirin để giảm đau bụng kinh.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thử paracetamol, nhưng các nghiên cứu chỉ ra nó không làm giảm đau tốt bằng ibuprofen hoặc aspirin. Nếu thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn như naproxen hoặc codeine.
Bên cạnh dùng thuốc giảm đau, có một số phương pháp mà chúng ta có thể làm theo để giúp giảm đau bụng kinh.
Ăn chế độ ăn uống bổ dưỡng
Theo Medical News today, nghiên cứu năm 2018 phát hiện ra mối liên hệ giữa việc ăn những món ăn nhẹ ít dinh dưỡng và nguy cơ đau bụng kinh cao hơn. Đồ ăn nhẹ góp phần gây ra cơn đau kỳ kinh nguyệt bao gồm nhiều đường, muối và chất béo bổ sung.
Vì thế, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng có thể góp phần quan trọng vào việc kiểm soát cơn đau trong thời kỳ kinh nguyệt.
Chườm nóng
Đặt miếng đệm nhiệt hoặc chai nước nóng (quấn trong khăn) lên bụng có thể giúp giảm đau. Tuy nhiên, nhiệt có thể kém hiệu quả hơn trong việc giảm đau bụng kinh do lạc nội mạc tử cung hoặc các bệnh lý khác.
Tập thể dục
Nghiên cứu tập trung vào tác động của tập thể dục đối với đau bụng kinh nói chung có chất lượng thấp, vì vậy khó đưa ra kết luận từ dữ liệu.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đều đồng ý việc tập thể dục có thể làm giảm chứng đau bụng kinh nếu chúng ta tập khoảng 45-60 phút/lần, một tuần 3 lần.
Ngoài ra, theo NHS, các hoạt động thư giãn như yoga hoặc pilates có thể giúp bạn phân tâm khỏi cảm giác đau và khó chịu. Tắm bồn hay tắm vòi sen bằng nước ấm có thể giảm đau và giúp bạn thư giãn.