Với ý tưởng đưa những ca sĩ và thần tượng đã gác lại sự nghiệp để tập trung chăm sóc gia đình trở lại sân khấu, Mama the Idol của tvN được đánh giá là chương trình sáng tạo và hấp dẫn. Đặc biệt, sau sự trở lại của những nhóm nhạc Kpop thế hệ thứ 2 như SHINee, 2PM… công chúng có xu hướng hoài niệm về thời hoàng kim của Kpop. Sự ra mắt của một nhóm nhạc mà tất cả thành viên đã sinh con cũng là chuyện lần đầu có ở Kpop.
Nhóm nhạc ra mắt sau chương trình Mama the Idol gồm Park Jung Ah (cựu thành viên Jewelry), Kahi (After School), ca sĩ ballad Byul (vợ của Haha), nữ diễn viên kiêm ca sĩ rock Hyun Jyu Ni, Yang Eun Ji (Baby VOX) và Sunye (Wonder Girls). Hầu hết trong số họ không biểu diễn khoảng một thập kỷ qua.
Điều đáng tiếc của một chương trình được kỳ vọng
Tuy nhiên, theo nhà văn Cheska, người thực hiện nhiều ấn phẩm của Hàn Quốc, Philippines, từ ý tưởng hấp dẫn, mới mẻ, Mama the Idol lại có nhiều sai sót và điều đáng tiếc trong quá trình thực hiện. Cách làm của chương trình cho thấy sự định hướng rõ ràng về vấn đề tuổi tác và áp lực độc thân của các thần tượng nữ.
Trong hơn 8 tập, Mama the Idol đưa người xem vào hành trình tuyển chọn những bà mẹ đến khi họ ra mắt trong một nhóm nhạc thần tượng. Các bà mẹ tham gia Mama the Idol không trải qua một buổi thử giọng.
Thay vào đó, họ trải qua một cuộc kiểm tra thực tế khắc nghiệt về điều kiện kỹ năng thanh nhạc và vũ đạo. Họ được xếp loại tốt, trung bình hoặc tệ bởi những người được gọi là bậc thầy của ngành âm nhạc. Một trong số đó là Kim Do Hoon, người sáng lập và Giám đốc điều hành của RBW Entertainment, công ty quản lý Purple Kiss, Onewe, Oneus và Mamamoo. Tuy nhiên, không ai bị loại khỏi chương trình dựa trên điểm số họ nhận được.
Nhóm M.M.D gồm 6 thành viên đã lập gia đình và sinh con. |
Trong tập tiếp theo, các bà mẹ được đào tạo và trải qua thử thách để nâng cao kỹ năng. Họ cũng có nhiệm vụ thu hút ít nhất 2.000 người hâm mộ cho fancafe (diễn đàn fan) và 20.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Nếu không, họ sẽ không thể ra mắt.
Chương trình tuân theo cốt truyện quen thuộc mà công chúng thường thấy trong các chương trình thực tế của Mnet như series Produce, Girls Planet 999 và Street Woman Fighter. Đương nhiên, Mama the Idol không tránh khỏi lối biên tập ác ý của Mnet.
Với các thử thách về vũ đạo và giọng hát, chương trình cố gắng khiến các thí sinh phải thực hiện nhiều lần. Nhìn cách chương trình cố gắng tạo ra sự căng thẳng giữa những người phụ nữ đã thành danh và ở độ tuổi 30-40, nhà văn Cheska nhận định đây là sự nực cười.
Chủ nghĩa thiên vị cũng góp phần khiến chương trình gây tranh cãi. Trước buổi công chiếu, đã có rất nhiều bình luận cường điệu về sự trở lại của Sunye với tư cách một ca sĩ. Khi vượt qua vòng kiểm tra thực tế ở tập đầu tiên, cô đạt điểm tốt cho cả kỹ năng nhảy và giọng hát.
Năng lực ca hát của Sunye không cần nghi ngờ, nhưng có vẻ lý do chính khiến các giám khảo yêu thích cựu thành viên Wonder Girls là cô có giọng mũi mềm mại, ngọt ngào phù hợp với xu hướng ngày nay. Tình huống này hoàn toàn ngược lại với những gì Jung Ah - người có giọng hát sâu lắng, mạnh mẽ - nhận được.
Đã có vô số bình luận trái chiều được bày tỏ về chương trình từ tập này sang tập khác. Chương trình cũng yêu cầu các thí sinh phải tập luyện và tiến bộ ở mảng vũ đạo như những thực tập sinh. Câu hỏi được đặt ra là các bà mẹ cứ là chính mình hay phải thay đổi bản thân, để phù hợp với văn hóa thần tượng hiện tại khi tham gia chương trình này.
Chạy theo xu hướng chung ở Kpop
Cuối chương trình, 6 ca sĩ giành chiến thắng và ra mắt trong nhóm nhạc dự án M.M.D (viết tắt của Mama-idol). Họ phát hành bài hát WooAh HIP, do Kim Do Hoon và Seo Young Bae sản xuất. Bài hát cho thấy sức hút không thể phủ nhận của những nghệ sĩ gạo cội, nhưng đáng tiếc, nhà sản xuất lại cố biến họ giống các nhóm nhạc thần tượng bây giờ.
Bài hát có giai điệu điện tử, vũ đạo lộn xộn và ca từ vô nghĩa. “Ai cũng muốn trở thành người như tôi / Ước mơ được giống như tôi / Làm theo tôi này / Nhìn mà học theo tôi đây / Khi mọi người đã say giấc nồng vào đêm nay / Đưa tay qua đầu và tạo dáng như tôi đây”, là phần lời cũng như thông điệp xuyên suốt bài hát.
Theo nhà văn Cheska, bài hát này là không đáng có, đặc biệt sau những thử thách mà các ca sĩ phải trải qua sau chương trình của tvN. Tại sao họ phải chạy theo khuôn mẫu với hình tượng "girl crush".
Đáng nói, ngay trước đó, GOT the Beat cũng đi theo concept này và không được công chúng đánh giá cao. Chưa kể các thành viên của M.M.D đã trở thành những bà mẹ. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ không thể có bài hát phù hợp với độ tuổi và khác biệt hoàn toàn so với thị trường Kpop hiện tại.
Min Sun Ye từng là trưởng nhóm của Wonder Girls. Cô trở lại sau thời gian dài vắng bóng. |
Độ tuổi trung bình của các nhóm nhạc Kpop dường như ngày càng trẻ hóa. Theo Korea JoongAng Daily, ít nhất 3 thần tượng 14 tuổi ra mắt vào năm 2021. My Teenage Girl - chương trình thực tế sống còn đang phát sóng của đài MBC - có các thí sinh chỉ mới 11 tuổi. Hơn thế nữa, họ có nguy cơ bị tình dục hóa chỉ để theo đuổi concept "girl crush" mạnh mẽ và dữ dội.
Nhà văn nhà văn Cheska nhận định thật không may cho một nhóm siêu sao như M.M.D. Họ trở thành nạn nhân của sự tôn sùng sự trẻ trung trong ngành giải trí Hàn Quốc. Họ phải thể hiện concept "girl crush" mà nhiều nhóm nhạc nữ đang theo đuổi để bắt kịp xu hướng và trẻ hóa bản thân.
Rời bỏ cuộc sống của người nổi tiếng, tất cả người tham gia đều đã trở thành bà nội trợ toàn thời gian và những người mẹ đảm đang. Họ khóc cùng nhau trong hầu hết tập phim và điều đó khiến công chúng nhận ra họ đã phải từ bỏ nhiều điều như thế nào. Thật không công bằng khi so sánh họ với những nam ca sĩ vẫn có thể tận hưởng sự nghiệp thăng hoa ở tuổi ngũ tuần. Có thể nói những ca sĩ này lựa chọn từ bỏ sự nghiệp nhưng không thể phủ nhận ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc tàn nhẫn và đòi hỏi cao với thần tượng nữ.