“Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán, mở tài khoản tại công ty chứng khoán HSC. Tôi thấy rằng, hiện nay, có rất nhiều công ty, đặc biệt là công ty chưa niêm yết hoặc các công ty trên UPCoM, hoạt động rất kém minh bạch, công bố thông tin rất thiếu so với quy định. Nhà đầu tư chúng tôi chẳng biết đường nào mà lần, đọc thông tin của nhiều doanh nghiệp mà gần như chẳng có gì”.
Nhà đầu tư Phạm Văn Kiên đã viết như vậy trong bức thư gửi đến báo chí sáng 19/5/2014. Ông Kiên cho biết, ông mua cổ phiếu của 5 doanh nghiệp từ cách đây 6 năm, đến nay, chỉ có một doanh nghiệp lên sàn UPCoM, nhưng thanh khoản quá kém, không giao dịch được. Tình trạng chung của 5 doanh nghiệp này là tù mù thông tin, cổ đông không được tôn trọng, không hề biết doanh nghiệp làm ăn ra sao.
Nhiều doanh nghiệp thường chèn ép cổ đông nhỏ, hoặc không thực hiện chế độ minh bạch hoạt động kinh doanh. |
Bức xúc của ông Kiên không đơn lẻ, rất nhiều nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp, với hy vọng làm ông chủ doanh nghiệp, nhưng thực tế đã bị bỏ rơi. Nếu là doanh nghiệp đại chúng, cổ đông còn có cửa “trình báo” với Ủy ban chứng khoán, còn nếu vướng vào doanh nghiệp chưa đại chúng thì không biết kêu đến đâu để đòi được quyền lợi tối thiểu của một cổ đông.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Earst & Young cho rằng, doanh nghiệp phải thực thi sự minh bạch từ trước khi lên sàn, chứ không nên để tình trạng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp được cấp phép niêm yết rồi vẫn chưa có một bộ máy sẵn sàng đáp ứng sự minh bạch (đội ngũ quản trị doanh nghiệp, kế toán, quan hệ nhà đầu tư...). Thực trạng này dẫn đến chất lượng minh bạch tại Việt Nam còn rất thấp, không chỉ đối với doanh nghiệp ngoài sàn, mà với cả các doanh nghiệp đã lên sàn.
Con đường cải thiện sự minh bạch
Vạch một con đường cải thiện sự minh bạch, trước hết là các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, là mong mỏi chung của những nhà quản lý đặt vai trò bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ cổ đông nhỏ lên hàng đầu. Nhìn lại cả quá trình, trước năm 2000, khi chưa có thị trường chứng khoán, không có chế tài nào ép doanh nghiệp phải minh bạch và khái niệm về sự minh bạch chưa được xác lập tại Việt Nam.
Năm 2013, lần đầu tiên trên thị trường, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện chương trình chấm điểm quản trị công ty với các doanh nghiệp niêm yết trên Sở, nhưng chọn chủ điểm là công bố thông tin và minh bạch. Các báo cáo, thông tin về 378 niêm yết tại đây được đặt lên bàn, soi vào 75 tiêu chí chấm điểm của HNX để đánh giá thực tế mức độ minh bạch thông tin đến đâu. Kết quả năm đầu tiên cho thấy, doanh nghiệp đạt điểm cao nhất kỳ sát hạch này (PGS) chỉ đạt 65% số điểm tuyệt đối. Các doanh nghiệp kế tiếp (VCG, ICG, BVS, PVS, NTP…) có số điểm dao động từ 55-65%.
Tuy nhiên, chấm điểm theo nhóm ngành (11 mã ngành cấp 1, theo tiêu chí phân ngành của HNX) cho thấy, điểm minh bạch trung bình chung của tất cả các ngành đều rất thấp, cao nhất là ngành tài chính đạt 45%, ngành bất động sản và y tế 40%, phần còn lại là dưới 40%. Kết quả chấm điểm cũng cho thấy, chỉ có 3% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, đây là hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Năm 2014, cuộc họp của Hội đồng tư vấn quản trị công ty HNX mới đây tiếp tục đặt vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng minh bạch, chất lượng quản trị công ty cho các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp niêm yết. “Cải thiện chất lượng quản trị công ty là một quá trình lâu dài, nhưng doanh nghiệp muốn quản trị tốt, trước hết phải minh bạch tốt”, bà Vũ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nói. Chính vì điều này, chương trình chấm điểm quản trị công ty của HNX năm nay tiếp tục chọn chủ điểm minh bạch và công bố thông tin, với lượng câu hỏi tăng từ 75 lên 121, nhằm đánh giá sát hơn chất lượng minh bạch tại doanh nghiệp.
Cùng với việc năm nay, HNX tiếp tục chọn chủ điểm minh bạch để đánh giá và đốc thúc doanh nghiệp minh bạch hơn, các chuyên gia Hội đồng tư vấn cho rằng, các tổ chức có trách nhiệm cần giúp doanh nghiệp hiểu đúng quy trình tổ chức ĐHCĐ đúng luật, đồng thời cần sớm xây dựng công cụ ĐHCĐ trực tuyến, để hỗ trợ cổ đông tham dự và thể hiện quyền của mình hơn. Qua từng năm, chất lượng minh bạch cải thiện hơn thì HNX cần hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các điểm chủ khác trong quản trị doanh nghiệp (trách nhiệm của Hội đồng quản trị; đối xử công bằng với cổ đông; vai trò của các bên liên quan…). HNX cũng đang “thai nghén” ý tưởng xây chỉ số quản trị công ty, để đánh giá định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp quản trị công ty tốt so với toàn thị trường.
Còn nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng “đội sổ” trong điểm số về bảo vệ nhà đầu tư. Nói như Phó tổng giám đốc Earst & Young thì chỉ khi doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về con người, về hạ tầng luật pháp và có tâm thế sẵn sàng minh bạch, khi đó, sự minh bạch mới có thể thực thi theo đúng nghĩa mà nhà đầu tư cần.
Làm rõ hiện trạng, hỗ trợ, đốc thúc, khen thưởng và chế tài với chất lượng minh bạch và công bố thông tin của doanh nghiệp là bước đi ban đầu, nhưng không kém phần quyết liệt của HNX nhằm góp sức cải thiện thứ bậc bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam ở thứ bậc 157, theo báo cáo đánh giá của IFC. Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HNX, thì đây là một thực trạng nhức nhối, cần sự hợp sức để thay đổi.