Nối gót Pháp, Anh đưa đặc nhiệm vào Mali
Phía Anh vừa xác nhận việc triển khai hàng chục chuyên gia vào Mali nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo do Liên minh châu Âu tiến hành để hỗ trợ quân đội Mali chống lại các tay súng nổi dậy.
Cùng với việc triển khai đặc nhiệm lão luyện, phía Anh cũng đóng góp 2 máy bay vận tải và một máy bay giám sát độ cao nhằm hỗ trợ không quân, quân đội Pháp đang làm nhiệm vụ ở Mali. Tính tới thời điểm hiện tại, Tổng thống Pháp François Hollande đã triển khai gần 3.000 binh sĩ nước này tới làm nhiệm vụ tại quốc gia châu Phi bất ổn, nhằm giúp quân đội chính phủ vô hiệu hóa các tay súng Hồi giáo.
Quân đội Pháp trên các xe bọc thép đang làm nhiệm vụ tại Mali. |
Trong bài phát biểu trước quốc hội tuần trước, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, London có thể đưa khoảng 500 binh sĩ, hay chậm chí là vài chục người tới giúp đỡ lực lượng EU do Pháp dẫn đầu ở Mali. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng số binh sĩ Anh đưa tới sẽ nhiều hơn so với tuyên bố bởi nhiệm vụ đào tạo cho quân đội Mali cần không ít chuyên gia.
Trong một diễn biến khác, quân đội Pháp đang tiến hành các hoạt động nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố thương mại cổ Timbuktu, bị quân nổi dậy chiếm đóng từ tháng tư năm ngoái. Giành áp đảo trên chiến trường nhờ sức mạnh không quân và sự vượt trội về vũ khí, quân đội Pháp gần như không gặp phải bất kể sự kháng cự nào của các tay súng nổi dậy trên đường tiến vào đô thị.
Người đứng đầu thành phố khẳng định, các tay súng Hồi giáo đã đốt cháy trung tâm nghiên cứu nổi tiếng của thành phố trước khi rút chạy. Viện nghiên cứu Ahmed Baba, mở cửa năm 2009 là nơi lưu giữ 20.000 cuốn sách và các tài liệu khoa học, bản thảo tôn giáo vô giá, có niên đại từ thế kỷ thứ 14.
Trong thời gian bị các tay súng Hồi giáo chiếm đóng, người dân ở thành phố cổ Timbuktu buộc phải tuân thủ các luật lệ Hồi giáo. Phụ nữ buộc phải che mặt khi ra đường trong khi âm nhạc, khiêu vũ và việc hút thuốc, uống rượu bị cấm hoàn toàn. Chính vì lẽ đó, đoàn xe quân sự của Pháp tiến vào được người dân tung hô như những chiến binh giải phóng.
Hồng Duy
Theo Infonet