Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nổi gió' tác phẩm được chuyển thành phim kinh điển Việt Nam

Vai diễn trung úy Phương giúp Thế Anh tỏa sáng, cũng nhờ diễn xuất tinh tế của ông, mà bộ phim thêm thành công.

NSND Thế Anh xuất thân từ kịch nghệ. Năm 1961, ông trúng tuyển lớp diễn viên trường Nghệ thuật Sân khấu. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương.

Dien xuat NSND The Anh trong "Noi gio" anh 1
Vai diễn của Thế Anh trong phim.

Năm 1964, khi đạo diễn Huy Thành và nhà quay phim Đăng Bảy tìm diễn viên đóng vai trung úy Phương trong phim Nổi gió, ông thử vai và được lựa chọn. Vai diễn đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất của Thế Anh. Ông khắc họa thành công tâm lý, hình ảnh viên trung úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Nhờ vai diễn trung úy Phương, Thế Anh nhanh chóng nổi tiếng. Ông vào nhiều vai diễn trong các bộ phim, vở kịch đình đám sau đó. Vai diễn thành công tới mức cho đến tận bây giờ, tên tuổi NSND Thế Anh vẫn gắn chặt với cái tên "trung úy Phương". 

Nổi gió cũng là bộ phim đầy dấu ấn của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tác phẩm chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, giữ lại đường dây cốt truyện chủ yếu, bố cục và nguyên tắc xây dựng kịch tính của vở kịch, đồng thời nghiên cứu các tác phẩm văn học viết về phong trào đồng khởi từ miền Nam gửi ra, trong đó có những bức thư từ tuyến đầu tổ quốc, rồi mở rộng bối cảnh, hành động phim, bổ sung những chi tiết về “đội quân tóc dài”.

Với bối cảnh mở rộng, bổ sung chi tiết, đặc biệt bổ sung những đoạn phim tư liệu do các phóng viên quay phim nước ngoài quay, Nổi gió là tác phẩm sinh động, độc lập với tác phẩm nguyên gốc.

Sách Lịch sử điện ảnh Việt Nam do Cục Điện ảnh xuất bản viết Nổi gió được coi là bộ phim truyện đầu tiên về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam chống Mỹ. Trong phim, Vân (Thụy Vân đóng) là chiến sĩ cách mạng đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; còn em trai chị - trung úy Phương (Thế Anh đóng) - là sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam cộng hòa.

Trung úy Phương trở về làng huấn luyện binh sĩ, tiêu diệt những người theo cộng sản. Cuộc đấu tranh của dân làng chống bọn Mỹ xâm lược và tay sai được triển khai từ mâu thuẫn gia đình giữa Phương và Vân. Vân đã đuổi em trai khỏi nhà, dù họ vẫn giữ tình cảm ruột thịt.

Phim không chỉ ngợi ca hình ảnh người phụ nữ mưu trí, dũng cảm, hiên ngang, mà còn là sự tỉnh ngộ của người trót đi theo con đường lầm lạc. “Cốt truyện được triển khai theo hai tuyến tách rời: một tuyến cuộc đấu tranh của chị Vân cùng dân làng đấu tranh chống kẻ địch; một tuyến là quá trình tỉnh ngộ của Phương do được chứng kiến những hành động dã man của Mỹ ngụy và cuộc đấu tranh kiên cường của dân làng”, sách Lịch sử điện ảnh Việt Nam viết.

Dien xuat NSND The Anh trong "Noi gio" anh 2
Sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất nhận xét diễn xuất của Thế Anh tinh tế. 

Ở bài viết về phim Nổi gió in trong sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Lê Hồng Lâm nói diễn xuất tinh tế của Thế Anh góp phần làm nên thành công của phim. “Và không chỉ thành công với việc xây dựng hình ảnh người chiến sĩ cách mạng đầy khí phách, đạo diễn Huy Thành cũng rất thuyết phục khi mô tả những bước chuyển tâm lý của trung úy Phương, nhờ diễn xuất tinh tế của Thế Anh, đặc biệt là trong những cảnh cuối, khi Phương phải bước vào cuộc thử thách và lựa chọn giữa lý tưởng chính trị và gia đình ruột thịt, quê hương của mình”, Lê Hồng Lâm viết.

Nổi gió là bộ phim đầu tiên trong ba phim đoạt giải Bông sen vàng của đạo diễn Huy Thành. Chất anh hùng ca khiến Nổi gió gây ấn tượng mạnh mẽ từ khi ra đời. Đến nay, bộ phim vẫn được xem là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Bài thơ tưởng nhớ có tên 25 bộ phim của NSND Thế Anh

"Một cuộc đời" do NSND Thế Anh sáng tác là bài thơ ghi lại 25 tác phẩm điện ảnh danh tiếng mà cố nghệ sĩ tham gia, từ "Nổi gió" đến "Hồi chuông màu da cam".



Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm