Khoảng 4h ngày 30/10, Jung Hyeon Ji, 21 tuổi, thức dậy và xem những tin tức về đêm chết chóc ở khu phố Itaewon, Seoul. Những hình ảnh khi đó vẫn khiến cô cảm thấy kinh hoàng đến tận bây giờ.
Tìm kiếm trên Twitter, Jung bắt gặp một loạt cảnh quay chưa qua chỉnh sửa cho thấy hàng trăm người chen chúc trong con hẻm chật chội, bị chèn ép đến chết hoặc bị thương nặng. Cô nhìn thấy cảnh sát cố lôi từng người ra khỏi đám đông chồng chất lên nhau. Những người khác la hét cầu cứu.
Jung thậm chí nhìn rõ những khuôn mặt, trong đó một số đã nhợt nhạt hoặc tái mét, theo Wall Street Journal.
“Tôi không muốn xem, nhưng chúng liên tục xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau”, Jung nói. Nhiều ngày sau đó, cô vẫn giật mình tỉnh giấc lúc 4h vì những hình ảnh tái hiện trong tâm trí.
“Cảm giác như tôi đang trong trạng thái trống rỗng”, cô chia sẻ.
Hàn Quốc đang trải qua những ngày tang thương sau khi hình ảnh về đêm Halloween kinh hoàng tại Itaewon được phát trực tiếp và đăng tải trên mạng xã hội. Với sự phổ biến của điện thoại thông minh, những hình ảnh này nhanh chóng tràn ngập Internet, khiến nhiều người bàng hoàng.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo cũng cho biết: “Không chỉ tang quyến đau buồn vì vụ tai nạn mà nhiều người nghe tin hay có mặt tại hiện trường cũng bị tổn thương”.
Thảm kịch xảy ra trên một con hẻm ngắn và dốc tại khu phố Itaewon, khiến ít nhất 156 người thiệt mạng, 151 người bị thương. Đến nay, cảnh sát Hàn Quốc vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc chết người này.
Ám ảnh
Cảnh sát Hàn Quốc đã công bố 11 bản ghi cuộc gọi khẩn cấp cảnh báo về tình trạng quá tải trong con hẻm ở Itaewon. Trong đó, cuộc gọi sớm nhất được thực hiện lúc 18h34, tức 4 giờ trước khi đội phản ứng đầu tiên đến hiện trường, theo Reuters.
“Không ai kiểm soát. Cảnh sát nên đến giải tỏa khu vực”, một người cảnh báo qua điện thoại. “Hiện giờ, chúng tôi không thể thoát ra ngoài. Mọi người đang đổ về”.
Một cuộc gọi khác đến vài phút trước khi đội phản ứng đầu tiên tới hiện trường: “Chúng tôi sẽ bị nghiền nát ở đây. Mọi người đang phát điên".
Cảnh chết chóc xuất hiện trên mạng gần như ngay lập tức, sau khi cảnh sát đến hiện trường vào đêm 29/10. Hình ảnh hàng dài thi thể nằm dưới tấm vải màu xanh được lan truyền mạnh mẽ.
Các video cũng cho thấy đội cứu hộ khẩn cấp và tình nguyện viên liên tục hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân bất tỉnh. Một số nạn nhân bị kéo quần áo lên để sơ cứu.
Hiện trường thảm kịch Itaewon. Ảnh: Reuters. |
Một người bạn đã cảnh báo Esther Hwang, 36 tuổi, không nên xem cảnh quay từ hiện trường vụ việc ở Itaewon, nhưng cô đã bắt gặp đoạn phim trên Twitter.
Những ngày sau đó, cô nhìn thấy nhiều bài viết kể lại cảnh đám đông nghẹt thở, và một số nam giới được cho là xô đẩy người khác. Hwang đã hủy theo dõi các tài khoản Twitter này ngay sau đó vì nhận thấy bản thân không thể chịu đựng thêm nữa.
Hàn Quốc có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới trong nhiều thập kỷ, giúp hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển mạnh. Khi một nền tảng trực tuyến do Kakao điều hành bất ngờ gặp sự cố vào tháng 10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ví các dịch vụ này giống như cơ sở hạ tầng quốc gia, theo Korea Herald.
Trong khi các hãng tin tức chỉnh sửa phần lớn cảnh quay và làm mờ nội dung, video và hình ảnh từ những người có mặt tại hiện trường vẫn chưa được kiểm duyệt đã xuất hiện tràn lan trên các nền tảng truyền thông xã hội. Một số video thậm chí vẫn cho thấy rõ mặt nạn nhân.
Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân và cơ quan giám sát Internet hàng đầu của chính phủ Hàn Quốc ngày 1/11 cho biết họ sẽ quyết liệt xử lý những bài đăng không làm mờ khuôn mặt vì vi phạm pháp luật. Cơ quan này cũng cam kết phối hợp với các nền tảng mạng xã hội lớn để xóa những nội dung này.
Vòng xoáy tiêu cực
Theo giáo sư tâm thần học Paik Jong Woo, thảm kịch đã mang đến nỗi sợ hãi cho người dân Hàn Quốc vì vụ việc xảy ra trong khu phố quen thuộc của Itaewon, cũng như vì số lượng lớn nhân chứng.
Theo ông, căng thẳng hậu sang chấn tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến những người liên quan trực tiếp.
“Chứng kiến những cái chết thương tâm tại một địa điểm bất ngờ, ngay cả qua hình ảnh và video, có thể gây ra tổn thương và áp lực rất lớn”, ông nói.
Bà E. Alison Holman, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, cũng cho rằng việc tiếp nhận quá nhiều nội dung từ sự kiện có quy mô như thảm kịch Itaewon có thể khiến các cá nhân dễ bị căng thẳng hơn, gia tăng cảm giác lo âu và thúc đẩy mọi người tìm kiếm thêm thông tin về vụ việc.
“Mọi người có thể bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực”, giáo sư Holman nhận định.
Người dân để lại lời nhắn thương tiếc nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch tại Itaewon, Seoul. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua Trung tâm Quốc gia về Thảm họa và Chấn thương, cũng như thông qua chính quyền thành phố Seoul.
Tuy nhiên, điều này khó có thể xóa đi những ký ức vẫn ám ảnh nhiều người sau thảm kịch.
Theo chia sẻ của Han Ji Min, 26 tuổi, cô đang uống rượu cùng bạn bè vào tối 29/10 trong một khu phố liền kề Itaewon. Cô tình cờ nghe được những người khách khác nói về việc đội cứu hỏa hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân.
Mọi người truyền tay nhau video TikTok và các bài đăng trên Instagram ghi hình cảnh xô đẩy. Đến khoảng nửa đêm, chủ quán tắt nhạc và nói: “Tôi không thể nhận thêm khách hàng nào trong đêm nay”, cô Han kể lại.
Han đã thức trắng đêm để xem tin tức, nhắn tin cho bạn bè và lướt mạng xã hội. Mỗi khi mở Instagram, cô lại thấy thông tin mới: Mọi người la hét cầu cứu, cảnh người xếp chồng lên nhau, thậm chí cả những người đứng ngoài tiệc tùng và nhảy múa bên cạnh sự hỗn loạn.
Đến ngày 31/10, Han cố gắng tập trung vào công việc và tránh xa mạng xã hội. Nhưng khi không quá bận rộn, những hình ảnh đó vẫn hiện lên trong tâm trí cô.
“Tôi hối hận khi nhấp vào từng bài đăng vì tò mò”, Han nói.
Yoo Ji Yoon, một freelancer, cũng trải qua cảm giác tương tự. Kể từ khi xem video về vụ việc ở Itaewon và đọc những bình luận ác ý về các nạn nhân, Yoo đã không thể ngủ quá hai giờ mỗi đêm.
Tim cô đập dồn dập bất cứ khi nào nhắm mắt và nhớ lại hình ảnh thi thể. Cô khó tập trung vào công việc và càng e ngại khi nói về cảm xúc của mình với bạn bè.
“Tôi biết họ cũng rất đau khổ”, Yoo chia sẻ.
Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016. Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc.