Một tín đồ của giáo hội Quốc tế Tin Lành ở hạt Kilifi, Kenya được giải cứu sau nhiều ngày nhịn đói. Ảnh: Reuters. |
Bên ngoài nhà xác, Bethy Kahindi khóc thương cho người chị gái mất tích của mình, chắc chắn rằng cô là nạn nhân của một giáo phái Kenya được cho là đã tẩy não hàng chục tín đồ để nhịn đói đến chết.
Lần cuối cùng họ nói chuyện là gần một năm trước. Chị gái của Kahindi nói rằng cô ấy "sẽ gặp Chúa Jesus, và chúng ta sẽ gặp nhau trên thiên đường".
"Tôi không còn hy vọng có thể tìm thấy chị gái, cùng 6 đứa con của cô ấy, còn sống nữa", người phụ nữ 37 tuổi, mắt đỏ hoe nói với AFP.
Các gia đình khác cũng đang nóng lòng chờ đợi tin tức về người thân của họ ở thị trấn Malindi trên bờ biển Kenya.
Cách đó khoảng 80 km, trong một khu rừng nơi giáo phái tập trung, cảnh sát đang đào bới lớp đất đỏ - nơi hàng chục thi thể đã được khai quật trong những ngày gần đây. Hơn một nửa trong số đó là trẻ em.
Thêm 17 hài cốt được phát hiện trong các ngôi mộ tập thể vào hôm 25/4, nâng tổng số người chết có liên quan đến giáo hội Quốc tế Tin lành (Good News International) và mục sư Paul Mackenzie Nthenge, lên con số 90.
Tuyệt vọng
Hàng chục người cũng đã được tìm thấy còn sống nhưng tiều tụy trong rừng Shakahola - nơi Nthenge, từ một tài xế taxi trở thành nhà thuyết giáo, bị buộc tội thuyết phục tín đồ nhịn đói để đến được lên thiên đường trước khi “ngày tận thế” xảy đến.
Một số người được giải cứu từ chối ăn, quyết tâm nhịn đói cho đến cùng.
Nhưng nhiều người vẫn mất tích. Hàng trăm gia đình tuyệt vọng đã liên lạc với Hội Chữ thập đỏ Kenya để tìm kiếm tin tức về người thân mà họ cho biết thuộc giáo phái.
Một người mất người thân trong vụ "giáo phái nhịn đói" ở Kenya. Ảnh: Reuters. |
Kahindi nằm trong số đó. Cô đã chuyền tay những bức ảnh về chị gái Mary và 6 đứa cháu của mình - từ 5 đến 22 tuổi - với hy vọng nhận được câu trả lời.
Trong một bức ảnh chụp trước khi gia nhập giáo phái vào năm 2020, Mary đang mỉm cười thưởng thức bữa ăn.
Tuy nhiên, trong bức ảnh gần đây hơn, được chụp vào năm ngoái, Mary đeo chiếc mạng che mặt dài màu trắng và lộ rõ vẻ hốc hác.
Một người đàn ông khác cũng đang tìm kiếm vợ và 6 đứa con của mình. Stephen Mwiti quá quẫn trí nên không thể nhận dạng thi thể vợ con trong số thi thể của hàng chục thành viên giáo phái được tìm thấy từ rừng Shakahola, theo Reuters.
"Các con tôi mất rồi. Tôi đi tìm trong số những đứa trẻ được giải cứu nhưng không thấy con của mình", Mwiti nói trong khi vẫy tấm ảnh của vợ và 4 đứa con.
Anh mang theo bức ảnh đã sờn, phai màu trong chiếc túi nhựa khoảng 6 tháng qua, khi tìm kiếm những đứa trẻ của mình.
Mwiti cho biết vào năm 2021, vợ anh đã đưa các con đến sống giữa các thành viên của giáo phái này.
Giằng xé giữa nỗi buồn và sự tức giận
Mwiti chia sẻ anh từng cố gắng giải cứu vợ con mình khỏi khu rừng - nơi anh nhìn thấy họ sống cùng Mackenzie và khoảng 50 phụ nữ khác với con cái của họ.
"Chúng tôi có thể nhìn thấy mọi người ở đằng xa nhưng không có cách nào để tiếp cận họ. Chúng tôi đi vòng quanh cho đến khi phát hiện một chiếc ôtô ở đâu đó trong rừng", Mwiti nói.
"Chúng tôi đã thử gọi và không ai trả lời cuộc gọi của chúng tôi. Chúng tôi đã dọn đường vào. Đó là lúc chúng tôi nhìn thấy Mackenzie".
Anh cho biết Mackenzie nói rằng họ không thể đón con mình vì chúng đã đi sâu hơn vào rừng.
Steven Mwiti cầm bức ảnh chụp vợ con. Ảnh: Reuters. |
Habel Farasi, một người khác có em gái mất tích, đã được yêu cầu đến nhà xác ở Malindi và lặng lẽ chờ đợi, cầu nguyện từ hôm 23/4.
Theo Farasi, em gái ông gia nhập giáo phái vào năm 2013, nhanh chóng chấp nhận những lời dạy cực đoan của Nthenge, bao gồm cả việc bắt 3 đứa con của mình nghỉ học.
Năm 2020, bà lên đường đến khu rừng Shakahola cùng các con của mình. Farasi đã không gặp em gái kể từ đó.
"Tôi không nghĩ em mình còn sống", người đàn ông 56 tuổi nói, tay nắm chặt những bức ảnh của em và các cháu trai mình. "Tôi đã đến xem các thi thể được khai quật, và tôi được yêu cầu đến đây để nhận dạng thi thể. Tôi sẽ không rời đi cho đến khi tôi tìm được họ".
Khi nhắc đến Nthenge - kẻ bị cáo buộc là thủ lĩnh giáo phái, dự kiến ra hầu tòa vào tháng tới - sự đau buồn của ông chuyển thành tức giận.
"Đây là một kẻ giết người, không hơn không kém. Loại tôn giáo nào có thể khiến người ta nhịn ăn cho đến chết?", Farasi nhấn mạnh.
Kahindi cho biết cô cũng "bị giằng xé giữa nỗi buồn và sự tức giận".
"Người đàn ông này là một con quái vật, ông ta đã giết chị gái tôi và các con của cô ấy", cô nói, bày tỏ sự tức giận khi chị gái mình bị "tẩy não" dù Nthenge đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan thực thi pháp luật suốt nhiều năm.
Mục sư Paul Mackenzie, thủ lĩnh giáo phái và là nhà truyền giáo tại giáo hội Quốc tế Tin lành, từng bị bắt vào năm 2017 sau khi hô hào những người theo ông cho con cái họ nghỉ học. Ông cho rằng giáo dục không được chấp thuận trong Kinh thánh. Nhưng sau đó, ông đã được thả.
Issa Ali, 16 tuổi, được mẹ đưa đến nơi ẩn náu trong bụi rậm của giáo phái vào năm 2020. Ali nói rằng anh đã bị Nthenge đánh đập khi cố gắng rời đi.
“Mackenzie nói đó là nơi Chúa Jesus được cho là sẽ xuất hiện trước ngày tận thế”, Ali kể lại.
Cha của Ali cuối cùng đã cứu được anh nhưng anh không gặp người mẹ 54 tuổi của mình kể từ tháng 2.
"Bà ấy đến gặp chúng tôi và nói 'tạm biệt', như thể đó là lần cuối chúng tôi gặp bà ấy. Lúc đó bà ấy đã tiều tụy lắm rồi", anh nói.
"Chúng tôi đã cố gắng ngăn cản mẹ đến đó lần nữa nhưng bà ấy muốn quay lại. Tôi nghĩ giờ mẹ đã qua đời", Ali cho hay.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.