Ở giữa một khu rừng cách bờ biển Kenya không xa, những đống đất mới đắp với những cây thánh giá đang chờ các chuyên gia pháp y đến xem xét.
Cho đến nay, khoảng 14 ngôi mộ tập thể đã được đào lên. "Mùi hôi thối không thể chịu nổi”, ông Hussein Khalid nói với BBC, sau khi chứng kiến hàng chục thi thể được khai quật trong 4 ngày qua.
Những người chết được cho là tín đồ của nhà thờ Quốc tế Tin lành (Good News International). Nhiều người tin rằng họ đã bị thuyết phục phải nhịn đói để đến được thiên đường trước khi “ngày tận thế” xảy đến.
Ông Khalid điều hành tổ chức nhân quyền Haki Africa - đơn vị đã đưa chính quyền tới các khu mộ sau khi nhận được tin báo của người dân địa phương. Nơi này "khá khuất" bên trong rừng Shakahola ở miền Đông Kenya. Ông cho biết bản thân và đội ngũ cần phải chặt bớt bụi rậm để lái xe đến đó.
Cho đến nay, 89 thi thể đã được khai quật, nhưng con số cuối cùng có thể cao hơn nhiều. Ông Khalid ước tính có khoảng 60 ngôi mộ tập thể trong khu vực và chỉ 1/4 trong số đó đã được kiểm tra.
Số người chết tăng liên tục trong những ngày gần đây, khi giới chức khai quật các ngôi mộ tập thể ở khu vực rộng lớn của khu rừng Shakahola, địa điểm tọa lạc của nhà thờ Quốc tế Tin lành, theo Reuters.
Ở bên ngoài khu rừng, cả nước Kenya đã bàng hoàng về việc làm thế nào hàng chục người có thể sẵn sàng nhịn đói tới chết.
Không muốn được giải cứu
Hầu hết người chết được tìm thấy từ những ngôi mộ nông, trong khi một số ít được phát hiện còn sống và tiều tụy nhưng sau đó đã chết.
Bên cạnh đó, cảnh sát cho biết dường như không phải tất cả những người sống sót đều muốn được giải cứu. Họ dường như tin chắc vào những gì mình được kể về ngày tận thế.
Tâm điểm của “vụ thảm sát” là mục sư Paul Mackenzie, thủ lĩnh giáo phái và là nhà truyền giáo tại nhà thờ Quốc tế Tin lành.
Ông đã truyền bá tư tưởng cho những tín đồ của mình về việc từ bỏ “cuộc sống trần gian” và gặp nhau tại trang trại rộng 325 ha của ông ở ngôi làng Shakahola để nhanh chóng “gặp Chúa Jesus”.
Trước sự việc trên, Bộ trưởng Nội vụ Kithure Kindiki cho rằng vị mục sư phải ngồi tù phần đời còn lại. Ông gọi những gì đã xảy ra là một "vụ thảm sát".
Một đoạn phim được phát sóng trên đài truyền hình Citizen cho thấy một người phụ nữ trông tiều tụy đã hét vào mặt lực lượng cứu hộ, yêu cầu họ giết cô khi được giải cứu.
“Chúng tôi cầu nguyện Chúa giúp họ vượt qua sang chấn, giúp họ hồi phục và kể câu chuyện về việc một người Kenya, một đồng loại, đã nhẫn tâm quyết định làm tổn thương rất nhiều người, dưới bóng Kinh thánh”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Khalid cho biết bản thân cũng gặp một người đàn ông ngoài 40 tuổi không muốn nhận sự giúp đỡ.
“Ông ta nói rằng mình không cần bất kỳ sự cứu trợ nào, rằng ông ta tỉnh táo và biết mình đang làm gì và hãy để ông ta được yên. Ông ta thậm chí còn gọi chúng tôi là kẻ thù của ông ta trên thiên đường”, ông Khalid nói thêm.
Theo cảnh sát, ông Mackenzie đã bị bắt vào ngày 14/4 và 14 thành viên giáo phái khác đang bị giam giữ. Truyền thông Kenya đã đưa tin rằng ông Mackenzie đang từ chối ăn uống.
Ông Mackenzie bị cáo buộc thao túng người dân địa phương thông qua các giáo lý tôn giáo cực đoan, sai lệch, cùng nỗi sợ hãi về những điều chưa biết và mong muốn theo đuổi sự cứu rỗi. Ông có 7 người con và đang làm nông ở làng Shakahola.
"Chính phủ thừa nhận rằng điều này không nên xảy ra", ông Kindiki nói. Theo ông, các sự kiện trong rừng Shakahola như một bước ngoặt trong mối đe dọa do chủ nghĩa tôn giáo cực đoan gây ra.
Nhiều câu hỏi
Theo Al Jazeera, mục sư Mackenzie rao giảng cho những tín đồ của mình về chuyện bỏ việc, bỏ học, ngừng ăn “đồ ăn thế gian” và không đến bệnh viện điều trị khi gặp vấn đề sức khỏe. Họ gặp nhau vào các ngày thứ bảy dưới gốc cây trong khoảng thời gian 9-17h để học “bài học cuộc sống”.
Theo lời cảnh sát, vị mục sư nói rằng việc nhịn ăn chỉ được tính nếu họ gặp mặt và đề nghị biến trang trại của ông làm địa điểm nhịn ăn cho họ.
Ông MacKenzie được cho nói rằng họ không được giao du với bất kỳ ai từ thế giới “bên ngoài” nếu muốn lên thiên đường và phải tiêu hủy tất cả tài liệu do chính phủ cung cấp, bao gồm cả căn cước công dân và giấy khai sinh.
Tổng thống William Ruto hôm 24/4 cho biết thủ lĩnh giáo phái này phải ngồi tù vì "những gì đang được chứng kiến ở Shakahola giống với khủng bố".
Nhiều nhà lãnh đạo đã đến thăm hiện trường hoặc đưa ra các tuyên bố về vụ việc, với một số câu hỏi đặt ra về tình trạng an ninh, thu thập thông tin tình báo và chính sách cộng đồng của Kenya.
“Làm thế nào mà một tội ác ghê tởm như vậy, được tổ chức và thực hiện trong một khoảng thời gian dài, lại thoát khỏi tầm ngắm của hệ thống tình báo của chúng ta? Làm thế nào mà tội ác với mức độ gây sửng sốt như vậy lại xảy ra mà không bị phát hiện? Làm thế nào mà ‘mục sư’ này lại tập hợp nhiều người như vậy, truyền bá, tẩy não và bỏ đói họ dưới danh nghĩa nhịn ăn rồi chôn họ trong rừng mà không bị phát hiện”, Amason Kingi, người đứng đầu Thượng viện và là cựu thống đốc Kilifi, đặt câu hỏi.
Trong khi đó, vị mục sư khẳng định bản thân "bị sốc về những lời buộc tội".
"Tôi đã đóng cửa nhà thờ Quốc tế Tin Lành ở Malindi từ tháng 8/2019. Tôi thậm chí đã bán các thiết bị và cả những chiếc ghế. Nếu ai từng cùng tôi thờ phượng trước đây, bây giờ họ nên tự mình làm điều đó chứ không phải nhân danh tôi, không phải mục sư Mackenzie”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi bị bắt giữ.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Kenya rúng động vì phát hiện 73 thi thể liên quan 'giáo phái nhịn đói'
Nhiều thi thể trong vụ “giáo phái nhịn đói” ở Kenya được cho là tín đồ của một nhà thờ. Mục sư đứng đầu nhà thờ này đang là tâm điểm trong cuộc điều tra.
Số thi thể trong vụ 'giáo phái nhịn đói' ở Kenya tăng lên 73
Cảnh sát Kenya hôm 24/4 cho biết đã tìm thấy 73 thi thể được cho là tín đồ của một giáo phái Cơ Đốc khuyến khích nhịn đói để gặp Chúa. Con số dự tính còn tăng.
Vì sao Mỹ muốn ‘cấm cửa’ TikTok?
Mỹ cáo buộc TikTok thu thập thông tin nhạy cảm và chia sẻ dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc, đồng thời gây ảnh hưởng tới người dùng thông qua thuật toán.