Thành phố Monterey Park, California, đã có kế hoạch tổ chức lễ hội năm mới trong tuần này. Thế nhưng, thay vào đó, họ đang cùng nhau để tang khi cộng đồng tổ chức một buổi cầu nguyện cho 11 nạn nhân bị sát hại tại câu lạc bộ khiêu vũ địa phương - được biết tới là "Thảm kịch Stardance" - chỉ vài ngày trước đó.
Cùng nhau vượt qua
Cư dân và các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Mỹ gốc Á trong thành phố đã tổ chức một buổi tưởng niệm dưới ánh nến, bên ngoài tòa thị chính vào tối 23/1 để tưởng nhớ các nạn nhân. Họ cùng dành 3 phút mặc niệm và cầu nguyện.
“Lễ đón Tết Nguyên đán vui vẻ của chúng tôi đã hoàn toàn bị đảo lộn, biến thành bi kịch và sợ hãi. Chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau vượt qua điều này”, Hạ nghị sĩ Judy Chu (đảng Dân chủ, bang California) nói.
Vào ngày 21/1, một tay súng đã bước vào câu lạc bộ khiêu vũ Star Dance Studio và nổ súng.
Vụ nổ súng xảy ra vào tối thứ bảy, nhưng tới thứ hai, nỗi đau dường như tiếp tục nối dài đối với cư dân Monterey Park khi giới chức trách thông báo thêm một nạn nhân thiệt mạng sau thảm kịch, nâng tổng số lên 11 người.
Tên của các nạn nhân dần sáng tỏ qua các quan chức hoặc báo cáo của phương tiện truyền thông, với mỗi thông báo lại nối dài thêm những nỗi tiếc thương.
Tới nay, toàn bộ 11 nạn nhân thiệt mạng đã được xác nhận danh tính, bao gồm:
- Valentino Alvero, nam giới, 68 tuổi
- Hong Jian, nữ giới, 62 tuổi
- Yu Kao, nam giới, 72 tuổi
- Lilian Li, nữ giới, 63 tuổi
- My Nhan, nữ giới, 65 tuổi
- Ming Ma, nam giới, 72 tuổi
- Diana Tom, nữ giới, 70 tuổi
- Muoi Ung, nữ giới, 67 tuổi
- Chia Yau, nam giới, 76 tuổi
- Wen Yu, nam giới, 64 tuổi
- Xiujuan Yu, nữ giới, 57 tuổi
Nghi phạm duy nhất, ông Huu Can Tran, 72 tuổi, đã chết vì vết thương tự gây ra do súng sau cuộc đụng độ được theo dõi sát sao với cảnh sát.
Động cơ của nghi phạm vẫn chưa được xác định nhưng nhiều thông tin về người này đã xuất hiện trong một cuộc họp báo của cảnh sát hôm 23/1. Theo đó, gần đây Tran đã đến gặp cảnh sát để đưa ra những cáo buộc chống lại gia đình mình.
Cảnh sát ở Hemet, thị trấn ở California nơi Tran sinh sống, cho biết trong tháng này ông ta đã hai lần đến sở cảnh sát để khai báo về hành vi trộm cắp, lừa đảo và đầu độc trong vòng 10-20 năm.
Một người bạn cũ của Tran nói với hãng tin AP rằng ông ta thường phàn nàn về việc những người ở câu lạc bộ khiêu vũ không ưu mình.
Tâm điểm mới trong cuộc tranh luận về bạo lực súng đạn
Trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ sau thảm kịch, Monterey Park đã trở thành tâm điểm mới nhất của cuộc tranh luận đang diễn ra ở Mỹ về bạo lực súng đạn.
Thế nhưng, những diễn biến nổ ra vào chiều 23/1 cho thấy Monterey Park không phải là thành phố duy nhất của California hứng chịu xả súng hàng loạt chết chóc.
Cách đó gần 480 km về phía bắc, tại thị trấn Half Moon Bay, thêm 7 người chết trong một vụ nổ súng. Truyền thông địa phương phát tin tức về California vào đầu giờ chiều đã mở đầu bằng các vụ xả súng liên tiếp.
“Chúng ta có thể làm gì đó để đảm bảo những người điên rồ như vậy không tiếp cận được với súng đạn”, một luật sư địa phương có tên Qiang Bjornbak, nói với BBC. Bà Qiang đã đến trung tâm cộng đồng hôm 23/1 để hỗ trợ các nỗ lực tình nguyện sau thảm kịch.
“Không thể để những kẻ loạn óc như vậy đến những nơi này và gây nguy hại tới mọi người. Đó là điều khiến tôi quan tâm hơn cả”, bà nhấn mạnh.
“Người đàn ông đó đã có được trong tay một khẩu súng và thảm kịch xảy ra”, Qiang nêu bật vấn đề.
Suzy Liu, một nhân viên tại cửa hàng thảo mộc địa phương, đang cấm các con của cô chơi bên ngoài sau khi nổi lên thông tin về vụ xả súng.
"Tôi sợ hãi. Thật đáng sợ. Chúng tôi sẽ đưa bọn trẻ đến sân chơi sau để bù đắp cho con”, Liu nói với BBC hôm 24/1.
Vụ tấn công ở Monterey Park đã gây rúng động tới cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung ở thành phố, và cộng đồng những người lớn tuổi mê khiêu vũ nói riêng. Star Dance Studios vốn là nơi để họ tới để học khiêu vũ, chia sẻ những điệu nhảy và tìm kiếm niềm vui cuộc sống.
Bên ngoài lối vào Star Dance Studio, nhiều người trong cộng đồng và cả những người từ nhiều nơi khác tới đặt hoa và cầu nguyện, tưởng nhớ các nạn nhân đã khuất.
Câu lạc bộ khiêu vũ này là một phần của cộng đồng và thảm kịch chết người xảy ra đã gây chấn động lớn, bà Qiang Bjornbak trải lòng. Người phụ nữ này từng tới Star Dance Studios vài lần và vẫn nhớ sự tận tình của những người hướng dẫn khiêu vũ ở đây. Câu lạc bộ này hơn cả một nơi để giải trí, đó là nơi người ta được sống với sở thích của mình.
Một trong những nạn nhân, quản lý studio Ming Wei Ma (còn được mọi người gọi là ông chủ Ma) là bạn thân của bà Qiang Bjornbak.
“Ông ấy là một người tốt, tài năng. Ông ấy rất giỏi công việc tổ chức sự kiện khiêu vũ, ca hát, tổ chức dạ tiệc năm mới”, bà kể lại.
Ngay sau vụ xả súng ở Star Dance Studio, nghi phạm chạy đến một phòng khiêu vũ thứ hai, Lai Lai Ballroom and Studio ở Alhambra.
Tại đây, nghi phạm bị một nhân viên 26 tuổi có tên Brandon Tsay tước súng. Hành động của Tsay về sau được giới chức trách ca ngợi là anh hùng, giúp ngăn chặn một vụ xả súng chết người khác.
Hôm 23/1, ba người bạn ở chung nhà, Diana Yee (37 tuổi), Victor Tham (43 tuổi) và Kevin Vong (30 tuổi), đã tới Lai Lai Ballroom and Studio cùng với bó hoa, với ý định bày tỏ sự tiếc thương ở mỗi địa điểm chịu tác động sau vụ xả súng.
“Tôi là một vũ công và tôi biết rằng tôi yêu vẻ đẹp của cuộc sống, và sự duyên dáng cũng như niềm vui mà khiêu vũ mang tơi”, cô Yee nói với BBC. Ông Tran là một vũ công nhưng có gì đó đã khiến ánh sáng này bị lạc lối”.
Vụ nổ súng thảm khốc đã khiến Yee và những người khác trong cộng đồng chấn động sâu sắc, bởi họ vẫn chưa thể hiểu được tại sao một con người có thể hành động tàn nhẫn như vậy với những nạn nhân vốn là hàng xóm của mình.
Tại buổi cầu nguyện, một trong những mục sư nói rằng ông sẽ để cả nghi phạm trong những lời cầu nguyện.
“Đó là một cuộc đối thoại về cách chúng ta ngồi lại với những cảm xúc đau đớn nhất của mình”, cô Yee trải lòng. “Làm thế nào để chúng ta chăm sóc cảm xúc của nhau, và ôm lấy nhau? Đó là công việc khó khăn nhất”.
“Đây là lúc bạn ngồi lại cùng với cộng đồng”, Yee nói. “Để tìm lại yêu thương”.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.