Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus có thể được coi là "gương mặt của năm" suốt giai đoạn đại dịch. Ông xuất hiện thường xuyên trong cuộc họp báo ở Geneve để cập nhật về chống dịch Covid-19. Ông lãnh đạo WHO điều phối cơ chế phân phối vaccine cho các nước đang phát triển. Ông cũng hứng chịu cả cáo buộc từ chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rằng WHO để Trung Quốc thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.
Có một điều Tedros hiếm khi nhắc đến trước công chúng. Đó là vụ bạo lực kinh hoàng xảy ra ở quê nhà Tigray của ông, theo New York Times.
Từ tháng 11/2020, Tigray chứng kiến cảnh đàn áp của quân đội Ethiopia và Eritrea đối với dân thường.
Ở Tigray, trẻ em bị chết đói, đàn ông bị sát hại, còn phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng hiếp tập thể. Phe đối lập Ethiopia tuyên bố rằng hơn 50.000 người bị giết, tuy con số này chưa được kiểm chứng.
“Cái đói trở thành vũ khí. Cưỡng hiếp cũng là vũ khí. Giết chóc bừa bãi đã xảy ra”, ông Tedros nói với phóng viên New York Times. “Toàn khu vực đang trải qua nạn đói”.
“Thật đau đớn. Tôi không biết nói gì cả”, tổng giám đốc WHO nói, rồi ông bật khóc.
Nhiều người Tigray đã chạy sang Sudan tị nạn. Ảnh: Reuters. |
Người chị họ 68 tuổi của ông Tedros bị giết khi đang trú ẩn trong một nhà thờ. Một người họ hàng khác bị bắn trên đường phố. Cậu bé này mới 16 tuổi.
Do Internet và điện thoại bị cắt, ông không thể liên lạc với gia đình để có thêm thông tin. Ông không biết liệu có ai bị tra tấn hay bị giết nữa hay không.
Ông giấu kín nỗi đau của mình. Những người xung quanh nói rằng nước mắt ông vẫn chảy.
Tội ác trong xung đột
Phóng viên New York Times đã ghi nhận những hành vi tàn bạo ở Tigray. Một thanh niên 26 tuổi bị binh lính đánh chết bằng vỏ chai bia, những bé gái 8 tuổi bị cưỡng hiếp...
Mark Lowcock, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân đạo, từng kể câu chuyện về một người phụ nữ mất chồng, mất đứa con trong bụng và bị cưỡng hiếp tập thể ngay trước mặt con mình. Ông miêu tả bạo lực tình dục được sử dụng như một vũ khí chiến tranh tại Tigray.
Cuộc khủng hoảng ở Tigray bắt nguồn từ căng thẳng sắc tộc và đấu đá quyền lực trong nội bộ Ethiopia. Trong hơn 3 thập kỷ, người Tigray thống trị chính quyền trung ương Ethiopia. Đây cũng là thời kỳ ông Tedros trở thành bộ trưởng Y tế và ngoại trưởng nước này.
Chính quyền do người Tigray lãnh đạo giúp mức sống của người dân Ethiopia gia tăng đáng kể. Tuy vậy, chính quyền này cũng bị tố cáo đàn áp, tra tấn những người chỉ trích, cầm tù nhà báo và gây nên làn sóng chống đối trên khắp đất nước.
Bạo lực ở Tigray đã khiến hàng trăm nghìn người thương vong. Ảnh: DW.. |
Từ khi lên nắm quyền năm 2018, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed quyết tâm kiềm chế thế lực của người Tigray. Mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương và vùng Tigray lên đến đỉnh điểm vào tháng 11/2020, khi Thủ tướng Abiy điều quân đến Tigray nhằm chống lại cái gọi là “âm mưu làm phản”.
Một cuộc chiến đã nổ ra giữa quân đội Ethiopia với quân đội của người Tigray. Dù được trang bị và huấn luyện tốt, quân đội Tigray không thể chống đỡ trước các cuộc tấn công của chính quyền trung ương. Binh lính Ethiopia còn được sự hỗ trợ của quân đội Eritrea từ bên kia biên giới.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/4 ra tuyên bố “bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cáo buộc vi phạm và xâm hại nhân quyền, đặc biệt là các báo cáo về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng Tigray".
Hội đồng Bảo an kêu gọi các bên có nghĩa vụ điều tra nhằm tìm ra những kẻ có tội và đưa ra trước công lý.
Nỗi đau giấu kín
Mặc dù là một trong những quan chức được biết đến nhiều nhất trên thế giới, ông Tedros có thể đã trở thành một người tị nạn.
Ông đang sống tại Geneva, nơi đặt trụ sở WHO. Trở về quê hương Tigray dường như không phải điều an toàn đối với ông, khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Ethiopia Berhanu Jula từng gọi ông là “tội phạm”.
Ông Tedros không muốn nói về các vấn đề chính trị, như việc liệu cộng đồng quốc tế có nên gây áp lực buộc Ethiopia dừng tàn sát người Tigray hay không.
Dường như nội tâm ông đang mâu thuẫn giữa trách nhiệm đối với WHO - thứ đòi hỏi ở ông một góc nhìn trung lập - và bi kịch mà dân tộc ông đang trải qua.
Ông Tedros bị giằng xé bởi mâu thuẫn giữa trách nhiệm với WHO và nỗi đau cá nhân. Ảnh: Reuters. |
Với tư cách tổng giám đốc WHO, ông Tedros đang nỗ lực phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn thế giới, trong bối cảnh WHO phải nhận nhiều chỉ trích. Ông dường như dồn toàn tâm toàn trí vào việc đối phó với dịch Covid-19 và gần như không lên tiếng về những gì đang diễn ra ở quê hương mình.
“Công chúng chỉ thấy một Tổng giám đốc Tedros dành toàn bộ thời gian để kiểm soát đại dịch, nhưng ông cũng mang nỗi đau về Tigray”, bác sĩ Annie Sparrow, cố vấn của ông Tedros, chia sẻ.
Trong cuộc nói chuyện với Nicholas Kristof, ông Tedros không giấu nổi xúc động. “Chúng tôi phải đối mặt với dịch Covid-19 và đang làm hết sức mình. Lại thêm nỗi đau này nữa”, ông khởi đầu câu chuyện. Vẻ mặt khắc kỷ không còn nữa.
Trong hơn một phút sau đó, ông thổn thức không nói nên lời.