5 ngày kể từ khi ồn ào lộ clip nhạy cảm nổ ra, Phương Mỹ Chi lên tiếng khẳng định đã thu thập bằng chứng để trình báo cơ quan chức năng. Phương Mỹ Chi nhấn mạnh thời gian điều tra có thể kéo dài. Nhưng cô chấp nhận chờ đợi để lấy lại danh dự cho một cô gái bị tổn hại nhân phẩm ở tuổi 20. Phương Mỹ Chi cũng bày tỏ sự uất hận của những nạn nhân rơi vào hoàn cảnh tương tự nói chung.
Thế nhưng, khi thông báo của Phương Mỹ Chi được đăng trên các fanpage, hàng loạt tài khoản vẫn đưa ra những bình luận khiếm nhã. Người khẳng định cô gái trong clip chính là Phương Mỹ Chi và việc nữ ca thu thập bằng chứng chỉ là “già mồm cãi”. Trong khi đó, số khác lại đùa cợt khiếm nhã về sự việc.
Phương Mỹ Chi dù có phải cô gái trong clip hay không thì cô cũng là nạn nhân. Trong trường hợp giọng ca Bóng phù hoa là nhân vật chính thì cô bị xâm phạm đời tư. Ngược lại, nếu không phải, nữ ca sĩ bị mạo danh, bôi nhọ.
Thế nhưng, với những gì đang diễn ra, nữ ca sĩ dường như phải chịu đựng nỗi đau thứ cấp, điều mà rất nhiều nghệ sĩ trước Phương Mỹ Chi cũng phải chịu đựng khi rơi vào tình huống tương tự.
Bị đè nặng bởi áp lực dư luận
Về mặt học thuật, có rất nhiều nghiên cứu về thuật ngữ “nạn nhân thứ cấp”. Người đầu tiên sử dụng thuật ngữ nạn nhân thứ cấp là nhà tâm lý học William Ryan. Ông định nghĩa nạn nhân thứ cấp là “sự đối xử tiêu cực với nạn nhân của tội phạm tình dục” trong bài báo năm 1984. Thuật ngữ không chỉ được áp dụng cho tội phạm tình dục mà cả bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em, bạo lực học đường, tội phạm phân biệt chủng tộc và có thể xảy ra trong tất cả vụ việc thù hận.
Ở Hàn Quốc, thuật ngữ “nạn nhân thứ cấp” được đề xuất như một thuật ngữ thay thế trong phong trào bạo lực tình dục những năm 1990, 2000 và càng được sử dụng rộng rãi cho đến nay khi số nạn nhân ngày càng nhiều.
Theo Trung tâm Cứu trợ Bạo lực Tình dục Hàn Quốc, nạn nhân thứ cấp của bạo lực tình dục đề cập đến những bất lợi về tinh thần, xã hội và kinh tế mà nạn nhân phải chịu do phản ứng, bình luận tiêu cực từ truyền thông, bạn bè, gia đình… hoặc những người xa lạ trên mạng xã hội. - Sau khi sự việc xảy ra, họ phải chịu nỗi đau tâm lý từ sự đổ lỗi của những cá nhân, tổ chức xung quanh.
Phương Mỹ Chi cho biết đã thu thập bằng chứng để trình báo cơ quan chức năng. Ảnh: NVCC. |
Năm 2019, Goo Hara được tìm thấy qua đời tại nhà riêng. Theo Newspim, nguyên nhân nữ ca sĩ kết liễu cuộc đời được cho là những áp lực xoay quanh vụ kiện bạn trai cũ. Goo Hara ban đầu bị buộc tội hành hung Choi, nhưng trọng tâm của vụ án đã thay đổi khi tình tiết Choi đe dọa phát tán video quay lén nữ ca sĩ được hé lộ. Goo Hara được chứng minh là nạn nhân của vụ việc.
Tuy nhiên, sự chỉ trích của công chúng đối với Goo Hara không hề giảm bớt. Nữ ca sĩ nhận nhiều ý kiến tiêu cực và bị tổn hại thứ cấp do video quay lén của bạn trai cũ, theo Newspim.
Goo Hara không phải trường hợp duy nhất bị tấn công thứ cấp và bình luận ác ý. Vô số người nổi tiếng, đặc biệt phụ nữ đã phải chịu tổn thương.
Tháng 4, QQ đưa tin Trương Kế Khoa và bạn gái cũ là diễn viên Cảnh Điềm vướng bê bối. Khi đó, theo tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, Trương Kế Khoa và Cảnh Điềm chia tay vì anh cờ bạc, nợ tiền xã hội đen. Để trả tiền, Trương Kế Khoa gán clip đen của Cảnh Điềm cho chủ nợ. Tuy nhiên, Cảnh Điềm không chấp nhận sự đe dọa nên đã gửi đơn kiện tới tòa án. Sau đó, Trương Kế Khoa phủ nhận thông tin.
Một lần nữa, nạn nhân như Cảnh Điềm lại vấp phải những điều tiếng. Cô bị chỉ trích trên mạng xã hội là “gái hư” thay vì được cảm thông, bênh vực.
Viết về thiệt hại thứ cấp, Hankookilbo nhấn mạnh: “Nó có thể trở thành một con dao găm và giết chết nạn nhân hai lần”. Truyền thông Hàn Quốc chỉ ra lý do khiến thiệt hại thứ cấp xảy ra thường xuyên là “do văn hóa, nhận thức và cấu trúc xã hội lấy thủ phạm làm trung tâm”.
Nạn nhân có thể cảm thấy đau đớn trước những lời chỉ trích không công bằng của bên thứ ba sau khi vụ việc bị phanh phui. Họ có thể tuyệt vọng khi bị đè nặng bởi áp lực vô hình và định kiến xã hội, bình luận của cộng đồng mạng khiến họ e ngại.
Người tung tin sai lệch có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc công ty luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP HN) - trao đổi với Tri thức (Znews) hiện nay, chế tài của Việt Nam đối với các hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng hoặc những hành vi tương tự đã tương đối đầy đủ, gồm cả xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý với hành vi đưa tin không chính xác, sai sự thật trên mạng xã hội vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Tình trạng sao Việt bị giả mạo lan truyền thông tin trên không gian mạng xã hội vẫn tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích. Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ Việt nam đã kiện những người tung tin sai sự thật nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Cảnh Điềm không muốn dính tới ồn ào của bạn trai cũ nhưng liên tục bị réo tên. Ảnh: QQ. |
Bên cạnh đó, lợi dụng tốc độ phát tán nhanh chóng và khó bị phát hiện danh tính, “vô danh nên vô trách nhiệm” của không gian mạng, nên những đối tượng giả mạo tận dụng điều đó để thực hiện hành vi trái pháp luật mà không sợ bị phát hiện và xử phạt. Việc đó dẫn đến tình trạng sao Việt bị giả mạo lan truyền thông tin trên không gian mạng xã hội khó có thể kiểm soát được và vẫn tiếp tục gia tăng như hiện nay.
Hành vi tung tin sai sự thật, có tính chất bịa đặt vụ khống có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi đó gây ra.
Hành vi tung thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ có thể bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng cùng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin.
Trường hợp có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu Cuốn sách về mặt trái của mạng xã hội
Công nghệ là tiền đề và động lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Tuy nhiên, bản thân công nghệ cũng có những mặt trái không thể phủ nhận. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ mà các tác giả có thể khai thác.
Qua cuốn The Twittering Machine, Richard Seymour đã phân tích kỹ lưỡng về những tác động tàn phá của “ngành công nghiệp mạng xã hội” đến đời sống cá nhân của con người. Tác giả chỉ ra cách các thông báo (notification) trên mạng xã hội đều hướng đến việc duy trì các chu kỳ tương tác dễ gây nghiện và trầm cảm.