Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi đau của những nạn nhân bị ép triệt sản ở California

Hơn 20.000 người, trong đó có người tàn tật, nghèo khổ hoặc người da màu, bị ép triệt sản theo chương trình ưu sinh kéo dài hàng thập kỷ của bang, dưới cái mác vì y tế công cộng.

nan nhan bi ep triet san o my anh 1

Vào thời điểm Leonard Bisel 15 tuổi, chính quyền bang California, Mỹ quyết định ông không nên có con, đe dọa nhốt và bắt ông lao động khổ sai nếu ông không chịu triệt sản, theo New York Times.

Trong quá trình phẫu thuật, ông Bisel, hiện 88 tuổi, bất ngờ tỉnh dậy. “Nó thực sự rất đau đớn”, ông nhớ lại, “và bác sĩ bảo tôi phải im lặng”.

Dưới ảnh hưởng của phong trào gọi là thuyết ưu sinh (eugenics) - học thuyết ủng hộ sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gene của dân số, những người ủng hộ tin rằng người có khuyết tật về mặt thể chất, rối loạn tâm thần,… là “khiếm khuyết về mặt di truyền”.

Niềm tin này đã khiến hơn 60.000 người trên khắp nước Mỹ bị triệt sản bởi các chương trình do nhà nước điều hành trong suốt thế kỷ 20. Trong số đó, có 20.000 người sống hơn 7 thập kỷ tại California.

Núp bóng dưới chiêu bài y tế công cộng

Theo Luật ưu sinh ban hành năm 1909, hầu hết thủ tục của tiểu bang thực hiện thông qua các cơ sở, như nơi ông Bisel sinh sống. Quá trình này không bắt buộc phải có sự đồng ý của bệnh nhân về mặt pháp lý. Nhiều người trong số họ đã triệt sản từ khi còn bé, chỉ mới 11 tuổi.

Phong trào này lên đến đỉnh điểm ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và truyền cảm hứng cho các hoạt động tương tự ở Đức Quốc xã.

32 tiểu bang thực hiện một số chương trình do liên bang tài trợ nhằm cưỡng bức những người nhập cư, người da màu, người khuyết tật và những người được dán nhãn “không mong muốn”, dưới chiêu bài y tế công cộng.

“Vẫn còn rất nhiều thành kiến ​​đối với người khuyết tật, thậm chí đẩy lên mức cực đoan: Họ không xứng đáng được sống, không đáng được sinh ra và chắc chắn không xứng đáng được nuôi dạy”, giáo sư Alexandra Minna Stern tại Đại học Michigan, một chuyên gia về thuyết ưu sinh và quyền sinh sản, nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả người bị triệt sản cưỡng bức theo chương trình của California đều là người khuyết tật. Phần lớn là người nghèo, và nhiều người mà tiểu bang gọi là “nhà tan cửa nát” - ý chỉ gia đình tan nát vì bố mẹ ly dị. Nhiều người từng bị lạm dụng trước đó, và nhiều người là người da đen, Mỹ Latin, Mỹ gốc Á hoặc Mỹ bản địa.

Sau khi cha qua đời, ông Bisel bị chuyển đến viện Sonoma State Home ở Eldridge, California. Mẹ ông trước đó đã được đưa vào cơ sở giáo dục, do đó không thể chăm sóc con mình. Ông cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc triệt sản. Trên mẫu đơn y tế, ông bị “dán nhãn” là “đần độn”.

Hồ sơ cho thấy mẹ của ông Bisel cũng đã bị triệt sản tại cùng một cơ sở.

“Bạn chỉ cảm thấy mình không là gì cả”, ông nói. “Bạn không có chút giá trị nào cả”.

nan nhan bi ep triet san o my anh 2

Ông Leonard Bisel, 88 tuổi, một trong số hơn 20.000 người bị ép triệt sản ở California từ năm 1909 đến năm 1979. Ảnh: New York Times.

Nỗ lực bù đắp nỗi đau

California dự kiến chi 7,5 triệu USD nhằm tìm và bồi thường cho 600 nạn nhân còn sống, từng bị triệt sản cưỡng bức theo luật ưu sinh và cả ở trong tù, mỗi người 25.000 USD. Ngân sách đã được cơ quan lập pháp thông qua và chờ thống đốc phê duyệt.

Theo báo cáo của tiểu bang vào năm 2014, ngay cả sau khi California bãi bỏ Luật ưu sinh vào năm 1979, nhiều phụ nữ trong tù vẫn tiếp tục bị triệt sản, đôi khi là bất hợp pháp bởi chưa có sự đồng ý của họ.

Ông Bisel hiện sống ở thành phố Selah, bang Washington. Ông đã kết hôn, nhận nuôi hai cô con gái và hiện có 6 đứa cháu. Theo đề xuất của California, ông cần phải nộp đơn và sẽ được chấp thuận khoản tiền bồi thường.

Những năm gần đây, toàn nước Mỹ bày tỏ sự ủng hộ ngày càng tăng cho việc bồi thường cho con cháu của những người bị bắt làm nô lệ.

California cũng không ngoại lệ khi bang này đang nỗ lực phát triển các đề xuất bồi thường cho người da đen trong nhiều thế kỷ bị phân biệt đối xử và bất bình đẳng một cách có hệ thống. Một số người cho rằng việc bồi thường các nạn nhân bị ép buộc triệt sản là bước đầu thừa nhận lịch sử phân biệt đối xử tồn tại từ lâu trong lòng nước Mỹ đối với người khuyết tật.

Động thái này diễn ra sau những nỗ lực ở bang Virginia và Bắc Carolina nhằm bồi thường cho các nạn nhân của phong trào ưu sinh. Nhiều bang khác cũng đưa ra chương trình tương tự.

nan nhan bi ep triet san o my anh 3

Một cuộc biểu tình nhằm chấm dứt chương trình cưỡng bức triệt sản bên ngoài một trung tâm y tế ở Los Angeles vào những năm 1970. Ảnh: Los Angeles Times.

Không dễ dàng

Tuy nhiên, chính quyền gặp khó khăn bởi nhiều nạn nhân đã chết hoặc khó để tìm thấy họ. Để khắc phục trở ngại đó, khoảng 2 triệu USD, một phần ngân sách của California, sẽ cung cấp cho Hội đồng Bồi thường Nạn nhân của tiểu bang để tiếp cận và cộng tác với các tổ chức công bằng xã hội.

“Thật đáng xấu hổ khi nhiều chính trị gia và công chúng phải mất nhiều thập kỷ mới giải quyết vấn đề này”, Paul A. Lombardo, giáo sư luật tại Đại học Georgia State, người nghiên cứu phong trào ưu sinh, cho biết. “Giờ thì nhiều người cần được bồi thường đã chết”.

Nghị sĩ Wendy Carrillo - đảng viên đảng Dân chủ tại Los Angeles, người ủng hộ đề xuất bồi thường - có kế hoạch tìm kiếm công lý cho nhiều nạn nhân bị lạm dụng một cách có hệ thống, bao gồm cả những người bị ép triệt sản trong các cơ sở không do tiểu bang điều hành, như bệnh viện quận hoặc cơ sở giam giữ liên bang.

Một trong số những nạn nhân đến từ các gia đình gốc Mỹ Latin.

“Thực sự rất khó chịu. Những người phụ nữ này có thể là bà tôi, mẹ tôi, hay có khi là hàng xóm của tôi nữa”, bà Carillo, người phụ nữ mang hai dòng máu Mexico và Salvador, chia sẻ.

Ở bang Bắc Carolina, bang đầu tiên trả tiền bồi thường cho nạn nhân của chương trình ưu sinh kéo dài hàng thập kỷ, một số lượng lớn những người bị ép triệt sản là phụ nữ da đen, trong đó có Elaine Riddick, hiện 67 tuổi.

Bà bị cưỡng hiếp khi mới 13 tuổi. Năm 14 tuổi, bà sinh con trai. Chính quyền bang đã triệt sản bà mà bà không hề hay biết. Trong giấy tờ thủ tục, bà được gọi là “sự thiếu hụt về mặt tinh thần”.

Bà không phát hiện ra điều này cho đến khi bà lớn hơn, kết hôn và cố gắng mang thai.

“Điều đau đớn là chính phủ cho phép chuyện này xảy đến với tôi”, bà Riddick nói. “Họ phá hủy cơ thể tôi khi tôi còn ở độ tuổi quá nhỏ. Cơ thể tôi thậm chí còn không thể phát triển hoàn toàn”.

Bà nhận được gần 50.000 USD từ chương trình bồi thường của North Carolina. Tuy vậy, bà chỉ muốn có thêm con.

Sự hỗn loạn trong văn phòng phó tổng thống Mỹ

Nhiều người đã và đang làm việc trong đội ngũ của Phó tổng thống Kamala Harris nhận xét môi trường này "không lành mạnh", nhiều định kiến và thiếu tinh thần tích cực.

Biến chủng Delta mang Covid-19 trở lại khắp thế giới

Với khả năng lây lan nhanh chóng, biến thể Delta đang khiến kịch bản vượt qua đại dịch của nhiều quốc gia sụp đổ với tương lai không chắc chắn.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm