Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi đau của nạn nhân Hàn Quốc bị ép làm 'phụ nữ mua vui' cho lính Mỹ

Hàn Quốc có một phần lịch sử muốn chôn vùi từ lâu, khi giới chức từng đứng sau dàn xếp những khu vực mua dâm, ép nhiều phụ nữ làm nô lệ tình dục và mua vui cho lính Mỹ.

phu nu mua vui anh 1

Năm 1977, bà Cho Soon Ok khi đó 17 tuổi đã bị 3 người đàn ông bắt cóc và bán cho một tay ma cô ở Dongducheon - thị trấn phía bắc Seoul. Thay vì theo đuổi ước mơ thành nghệ sĩ múa ba lê, bà dành 5 năm tuổi trẻ hành nghề mại dâm. Khách hàng của bà là lính Mỹ.

Cụm “phụ nữ mua vui” thường mô tả phụ nữ Hàn Quốc và các nước châu Á bị Nhật Bản ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II. Tuy nhiên, theo New York Times, việc phụ nữ bị bóc lột tình dục vẫn diễn ra ở Hàn Quốc rất lâu sau khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, thậm chí còn được giới chức trách dung túng.

Binh lính Hàn Quốc có “đơn vị phụ nữ mua vui đặc biệt”, trong khi quân Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu có “trạm phụ nữ mua vui” trong Chiến tranh Triều Tiên. Hậu chiến tranh, nhiều phụ nữ vẫn làm việc ở “gijichon”, khu vực xây xung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ.

Tháng 9/2022, 100 phụ nữ giành được chiến thắng bước ngoặt khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu bồi thường cho những tổn thương họ phải chịu đựng.

Tòa án kết luận giới chức trách đã “biện minh và khuyến khích” mại dâm ở các gijichon nhằm giúp Hàn Quốc duy trì liên minh quân sự với Mỹ và kiếm tiền, đồng thời giam giữ phụ nữ “có hệ thống và theo cách bạo lực”.

New York Times đã phỏng vấn một số nạn nhân miêu tả cách họ bị lạm dụng vì lợi ích chính trị và kinh tế, sau đó bị bỏ rơi.

"Người Mỹ cần biết binh lính họ đã làm gì với chúng tôi. Đất nước tôi liên minh với Mỹ, và tôi hiểu lính Mỹ ở đây để giúp chúng tôi, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ muốn làm gì chúng tôi cũng được”, Park Geun Ae - người bị bán vào năm 1975 khi mới 16 tuổi - nói.

Bị chế nhạo là “những cỗ máy kiếm USD”

Sau Chiến tranh Triều Tiên, quân Mỹ ở lại Hàn Quốc dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc.

Theo bằng chứng đệ trình tòa án, năm 1961, tỉnh Gyeonggi - khu vực đông dân cư xung quanh Seoul - cho rằng cần “chuẩn bị khẩn cấp các cơ sở phụ nữ mua vui hàng loạt nhằm đem lại sự thoải mái cho quân đội Liên Hợp Quốc hoặc nâng cao tinh thần của họ”, New York Times cho biết.

Chính quyền địa phương cấp phép cho các nhóm tư nhân tuyển dụng phụ nữ nhằm “tiết kiệm ngân sách và kiếm ngoại tệ”. Theo ước tính, có khoảng 10.000 phụ nữ mua vui trong khu vực và tiếp tục tăng, phục vụ cho 50.000 quân Mỹ.

Vào năm 1969, khi Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon công bố kế hoạch giảm số lượng quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc, giới chức trách càng muốn đẩy nhanh kế hoạch.

Một năm sau, chính phủ Hàn Quốc báo cáo Quốc hội rằng nước này thu được 160 triệu USD/năm từ hoạt động kinh doanh nhờ quân đội Mỹ hiện diện. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước vào thời điểm đó là 835 triệu USD.

phu nu mua vui anh 2

Bà Park Geun Ae - người từng là "phụ nữ mua vui" - khóc khi nhớ lại quá khứ. Ảnh: New York Times.

Một số phụ nữ tìm đến gijichon để kiếm sống. Tuy nhiên, nhiều người như bà Cho đã bị bắt cóc hoặc bị dụ dỗ về công ăn việc làm. Ma cô sẽ thu 5-10 USD cho một lần "tiếp khách". Mặc dù số tiền này không trực tiếp rơi vào tay ngân sách, điều đó cũng hỗ trợ nền kinh tế vốn đang thiếu ngoại tệ.

Vào thời điểm đó, một tờ báo của Hàn Quốc đã gọi những phụ nữ làm nghề mại dâm là “tai ương bất hợp pháp nhưng buộc phải chấp nhận”, khi “những người phụ nữ mua vui này cũng là chiến binh tiền tuyến gom nhặt đồng USD”.

Xã hội Hàn Quốc gần như coi những phụ nữ này là “yanggalbo” (gái điếm cho phương Tây), như một phần cái giá phải trả để duy trì sự hiện diện của quân Mỹ hậu chiến tranh.

“Những quan chức gọi chúng tôi là cá nhân yêu nước đã chế nhạo, gọi chúng tôi là ‘những cỗ máy kiếm USD’”, bà Park nói.

Mại dâm đã và vẫn được coi là bất hợp pháp tại Hàn Quốc, nhưng việc thực thi mang tính chọn lọc. Gijichon được lập nên một phần nhằm vừa dễ dàng theo dõi phụ nữ, vừa ngăn chặn mại dâm và tội phạm tình dục liên quan tới quân đội Mỹ lan rộng ra bên ngoài xã hội nước này.

Trong khi đó, quân đội Mỹ tập trung bảo vệ binh linh trước các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các nạn nhân cho biết họ phải nhóm họp mỗi tháng. Tại đây, các quan chức Hàn Quốc mô tả họ là “những người yêu nước kiếm được USD”, trong khi phía Mỹ thúc giục họ tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Những người phụ nữ này phải kiểm tra 2 lần/tuần. Theo các quy tắc Mỹ và Hàn Quốc thiết lập, phụ nữ ở gijichon phải mang theo giấy đăng ký và thẻ xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục, đồng thời đeo phù hiệu có đánh số hoặc thẻ tên.

Cá nhân mắc bệnh bị giam giữ để điều trị y tế. Ngoài ra, những người được xác định có tiếp xúc hoặc không có thẻ xét nghiệm hợp lệ trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên cũng chịu cảnh tương tự.

Họ bị nhốt trong những cơ sở có cửa sổ chấn song và tiêm rất nhiều thuốc penicillin. Các nạn nhân do New York Times phỏng vấn đều sợ hãi khi nhớ lại nơi này, khi các đồng nghiệp của họ ngã quỵ hoặc chết vì sốc penicillin.

phu nu mua vui anh 3

Phòng ngủ của những phụ nữ xét nghiệm dương tính với các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong trại tạm giam cũ ở Dongducheon. Ảnh: New York Times.

Xấu hổ, im lặng và cái chết

Theo New York Times, Hàn Quốc chưa bao giờ xác nhận thông tin về những phụ nữ sống ở gijichon, một phần vì liên minh giữa Seoul và Washington. Đây thậm chí còn là chủ đề cấm kỵ hơn cả các cuộc thảo luận về việc Nhật Bản cưỡng ép phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục.

Trong những năm gần đây, không có tài liệu được công khai nào của chính phủ cho thấy Hàn Quốc liên quan trực tiếp tới tuyển mộ phụ nữ cho quân đội Mỹ. Trong khi đó, quân đội Mỹ từ chối bình luận về phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc hay những cáo buộc của các nạn nhân.

Những nạn nhân làm nô lệ tình dục cho lính Mỹ nói họ đã phải sống trong sự tủi hổ và im lặng. Gijichon dần trở thành ký ức bị quên lãng khi Hàn Quốc phát triển kinh tế thần tốc.

Mặc dù những phụ nữ trước đây sống ở gijichon muốn đưa vụ việc sang Mỹ, chiến lược pháp lý của họ vẫn chưa rõ ràng.

Trong báo cáo tâm thần đệ trình lên tòa án Hàn Quốc vào năm 2021, bà Park so sánh cuộc sống của mình với việc “đi liên tục trên băng mỏng” vì lo sợ người khác có thể biết được quá khứ.

Theo phán quyết của tòa án Hàn Quốc, bà Park và các nạn nhân được bồi thường 2.270-5.300 USD/người. Số tiền này không giúp họ giảm bớt gánh nặng về tài chính.

Choi Gwi-ja - 77 tuổi - cố kìm nước mắt khi nghĩ tới số lần bà và nhiều phụ nữ khác phá thai bởi thành kiến của xã hội với con lai. Giọng bà run run khi nhớ lại những phụ nữ đã tự sát sau khi lính Mỹ chung sống với họ như vợ chồng rồi bỏ rơi cả mẹ lẫn con.

Bà cũng nhớ lại cách các quan chức thúc giục phụ nữ - nhiều người trong số họ mù chữ như bà - kiếm tiền, với hứa hẹn cấp nhà miễn phí khi về già nếu họ bán thân lấy tiền tại gijichon. “Tất cả chỉ là lừa đảo”, bà nói.

Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Bài liên quan

Phương Linh