Ít nhất 17 người, trong đó có 8 trẻ em, thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn. Đây là vụ cháy nghiêm trọng nhất xảy ra tại New York kể từ năm 1990.
Trong khi những người sống sót kể lại về sự hỗn loạn bên trong tòa nhà, gia đình và người thân của những người gặp nạn trải qua cú sốc lớn.
“Một số người thậm chí không biết rằng người thân của họ đã qua đời”, cô Fathia Touray, người có mẹ và các chị em sống trong tòa nhà, nói với AP.
Vụ hỏa hoạn kinh hoàng
Một người chị gái của Touray phải nhập viện, nhưng sức khỏe đã ổn định. Những người còn lại trong gia đình đều thoát nạn.
Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn như chị gái của Touray. Thị trưởng New York Eric Adams hôm 10/1 cho biết nhiều người bị thương vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Bà Renee Howard, 68 tuổi, cư dân tòa nhà, thổn thức khi nghĩ đến những mất mát mà cộng đồng phải trải qua.
“Tôi chưa bao giờ thấy sự tàn phá lớn như vậy. Hàng xóm của tôi qua đời, trẻ em cũng thiệt mạng. Tôi không thể hiểu nổi”, bà nói trong nước mắt.
Các nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ hỏa hoạn hôm 9/1 tại New York. Ảnh: AP. |
“Tôi không thể nhớ hết tên của họ nữa”, bà nói, trước khi kể ra một vài cái tên. Trong đó có một bé trai “với đôi mắt đẹp như thiên thần”.
Hôm 10/1, bà Howard cùng các cư dân chung cư, người thân của các nạn nhân và nhiều người khác cùng đến nhà thờ Hồi giáo Masjid-ur-Rahmah để cầu nguyện cho những người đã khuất. Nhiều nạn nhân thường xuyên tới cầu nguyện ở nhà thờ này.
Theo thông báo từ chính quyền New York, 17 người đã thiệt mạng. Tuy vậy, những người tới cầu nguyện không rõ rằng ai còn sống và ai đã qua đời.
Danh sách người tử vong trong vụ việc chưa được công bố. Giới chức y tế New York đang cố gắng liên hệ với thân nhân của họ để xác định danh tính.
“Chúng tôi đã gọi 311 (tổng đài hỗ trợ cộng đồng của New York), chúng tôi gọi bệnh viện, chúng tôi gọi cảnh sát”, ông Musa Kabba, lãnh đạo nhà thờ, nói với New York Times. “Chúng tôi vẫn chưa có thông tin gì, không ai thông báo gì cho chúng tôi”.
Ông Kabba lo sợ nhiều thành viên của nhà thờ đã thiệt mạng.
Cộng đồng gắn kết
Nhiều cư dân chung cư có quan hệ rất thân thiết với nhau. Trong số đó, nhiều người đến từ Gambia - quốc gia ở khu vực Tây Phi.
“Đây là một cộng đồng rất gắn bó”, cô Touray nói. Cô từng sống tại tòa nhà này trong nhiều năm. Dù đã chuyển sang sinh sống tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cô vẫn giữ quan hệ thân thiết với bạn bè ở đây.
Năm 1983, gia đình của Touray chuyển đến tòa chung cư này. Sau đó, nhiều gia đình khác từ Gambia cũng tới, trong số đó có người cùng làng với Touray.
“Họ là những người lao động, những người nhập cư thế hệ đầu tiên”, cô nói. “Họ chỉ muốn thành đạt tại Mỹ”.
Người cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo Masjid-ur-Rahmah hôm 10/1. Ảnh: AP. |
Ngay sau vụ việc, Đại sứ Gambia tại Mỹ Dawda Docka Fadera đích thân tới New York để chia sẻ với những người gặp nạn.
“Chúng tôi là quốc gia nhỏ bé với chưa đầy hai triệu dân. Tất cả chúng tôi đều có họ hàng”, ông nói. “Mọi người đều biết nhau. Do đó, cả đất nước chúng tôi đều đang rất bàng hoàng”.
Giới chức Mỹ cam kết hỗ trợ về tài chính và nơi ở nhanh nhất có thể cho những người đã bị mất nhà cửa sau vụ hỏa hoạn. Tổng thống Joe Biden yêu cầu Thị trưởng Adams có các biện pháp giúp đỡ.
“Thành phố sẵn sàng giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng mọi thứ mà họ cần”, ông Adams nói.
Bên cạnh đó, các cư dân cũng đang cố gắng hết mình để giúp đỡ lẫn nhau. Bà Johanna Bellevue, một người trong khu vực, quyên góp quần áo và những vật dụng cần thiết khác cho những người sống sót.
“Quần áo cho trẻ em, thức ăn cho trẻ em, sách, áo khoác, giày, mọi thứ có thể”, bà Bellevue nói. “Tôi không thể làm nhiều, nhưng đây là những gì tôi có”.
Lỗi kỹ thuật chết người
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, thảm họa đã có thể giảm nhẹ nếu không vì các cánh cửa hỏng.
Ngọn lửa bắt đầu từ một lò sưởi tại một căn hộ ở tầng ba. Cánh cửa an toàn của căn hộ này và một cánh cửa khác trên tầng 15 của chung cư đã không đóng lại, tạo nên hiệu ứng “như ống khói”, theo ông Jim Long, người phát ngôn của cơ quan cứu hỏa New York.
Khói nhanh chóng lan ra hành lang và ra toàn cầu thang của tòa nhà, nơi các cư dân thường sử dụng để tháo chạy. Dù lực lượng cứu hỏa tiếp cận hiện trường chỉ trong vài phút, tốc độ lan tỏa của cột khói là quá nhanh, khiến nhiều người không thể thoát nạn.
Tòa nhà chung cư một ngày sau vụ cháy chết người. Ảnh: AP. |
“Có những người tôi biết đã giẫm lên các thi thể khi chạy xuống cầu thang”, bà Howard kể lại”.
Một gia đình 5 người - bao gồm ba đứa trẻ từ 5 đến 12 tuổi - dường như rời căn hộ ở tầng cao nhất để sơ tán, nhưng đều bị làn khói bao trùm. Cả 5 người được cho là đã thiệt mạng.
“Tôi ước tôi có thể bảo họ không ra khỏi nhà”, bà Hawa Dukuray, người thân của các nạn nhân, đau khổ. “Tôi nghĩ họ muốn chạy thoát”.
Ông Daniel Nigro, lãnh đạo cơ quan cứu hỏa New York, nhận định những người an toàn nhất trong vụ cháy vừa qua lại chính là những người ở yên trong nhà và không sơ tán.
Theo giới chức New York, cả 17 người tử vong đến thời điểm này đều là do ngạt khói. “Khói là nguyên nhân cướp đi mạng sống của họ, không phải là ngọn lửa”, Thị trưởng Adams tuyên bố trong một buổi phỏng vấn với đài phát thanh địa phương.
Ông Adams, người nhậm chức thị trưởng New York từ ngày 1/1, cam kết tăng cường nỗ lực gia tăng nhận thức của người dân về sự quan trọng của việc đóng cửa trong hỏa hoạn.
“Chúng ta có thể cứu nhiều mạng sống, không chỉ tại New York, mà trên toàn hành tinh này”, ông nói.