"Nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới" - đó là danh hiệu mà mọi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ chắc chắn đều muốn tuyên bố trong thời kỳ đại dịch Covid-19 như hiện nay.
Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh và nằm trên bờ biển phía nam Tây Ban Nha, có dân số 33.679 người, theo số liệu thống kê mới nhất trong năm nay của Liên Hợp Quốc. Vùng lãnh thổ này đang đứng đầu bảng xếp hạng với tỷ lệ tiêm chủng 119% dân số, theo Our World In Data, dù tất nhiên, tỷ lệ này sẽ vênh so với các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác vì dân số của Gibraltar chỉ tương đương hoặc không bằng một quận ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Tính đến ngày 30/9, chỉ còn 1,04% người trưởng thành đủ điều kiện tiêm chủng ở đây chưa được tiêm vaccine Covid-19, theo news.com.au.
Gibraltar hiện đứng đầu thế giới về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Our World in Data. |
Tỷ lệ tiêm chủng kỷ lục
Thoạt nghe có vẻ khó tin, nhưng con số 119% này là có nguyên nhân.
Sở dĩ tỷ lệ tiêm chủng vượt cả mốc 100% là do Gibraltar còn tiêm phòng cho cả những người không phải là người dân thường trú tại đây, và con số này được cộng dồn cả vào số người được tiêm chủng chính thức mà vùng lãnh thổ này công bố.
Nói với AP, lãnh đạo cơ quan y tế của Gibraltar, bà Samantha Sacramento, cho biết 40.000 người từ 16 tuổi trở lên, bao gồm cả cư dân thường trú và người lao động nước ngoài, ở vùng lãnh thổ này đã được tiêm vaccine Covid-19. Tất cả đều là vaccine của hãng Pfizer-BioNTech.
Con số này nhiều hơn tổng dân số của Gibraltar là 33.679 người.
Vì vậy, tỷ lệ người được tiêm chủng ở Gibraltar trên tổng dân số vùng lãnh thổ này tính đến ngày 30/9 là xấp xỉ 119%.
Con số này cũng cho thấy số lượng lao động là người nước ngoài ở Gibraltar khá lớn. Theo AFP, chỉ tính riêng số lao động Tây Ban Nha làm việc tại vùng lãnh thổ này đã vào khoảng 15.000 người.
Tính đến nay, Gibraltar chỉ mới ghi nhận 97 trường hợp tử vong do Covid-19, và tất cả ca bệnh này đều qua đời trước khi chương trình tiêm chủng đại trà được phổ biến.
Trong khi đó, Mỹ đã tiêm chủng đủ hai mũi vaccine cho khoảng 56% dân số. Tính đến ngày 3/10, tổng số trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là 700.000 người.
Thuyền đánh cá Tây Ban Nha cập cảng ở vùng biển gần Gibraltar. Ảnh: AP. |
Đáng chú ý là kể từ ngày 28/2 đến tháng 6, bất chấp sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 lây lan nhanh trên khắp thế giới, Gibraltar không có ca tử vong nào vì đại dịch.
Từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay, Gibraltar thậm chí không có một trường hợp Covid-19 nào được ghi nhận.
Đến giữa tháng 4, vùng lãnh thổ này đã tiêm 66.232 liều vaccine - tương đương với số vaccine tiêm đủ hai mũi cho toàn bộ dân số.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các quan chức y tế cho biết khoảng 3,5% dân số vẫn không tiêm chủng dù đủ điều kiện.
Theo Reuters, Gibraltar phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Delta vào ngày 4/6. Đến ngày 16/7, Gibraltar bắt đầu thắt chặt quy định phòng chống dịch bệnh để đối phó với biến chủng mới, bao gồm đẩy mạnh khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine.
Từ đó, số lượng người dân không chịu tiêm vaccine đã giảm hẳn. Con số 3,5% ở giai đoạn trước đã giảm xuống chỉ còn 1,04%, theo Gulf News.
Theo dữ liệu mới nhất từ Reuters, cho đến nay, Gibraltar đã tiêm ít nhất 79.527 liều vaccine Covid-19.
Hiệu quả rõ rệt của vaccine
Gibraltar là ví dụ điển hình chứng minh rằng chương trình tiêm chủng đại trà có thể giúp đẩy lùi dịch bệnh, đưa người dân trở lại với cuộc sống bình thường mới, theo Gulf News.
Ngoài chương trình tiêm chủng đại trà, vùng lãnh thổ này cũng áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài tổng cộng khoảng hai tháng.
Những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine cũng được cấp chứng nhận tiêm chủng. Ngoài ra, Gibraltar đang phát triển một ứng dụng lưu trữ dữ liệu tiêm chủng vaccine và kết quả xét nghiệm.
Chính quyền Gibraltar muốn liên kết ứng dụng trên với nhiều nền tảng khác để khôi phục hoạt động cho ngành du lịch, mở cửa đón du khách quốc tế, theo Gulf News.
Số trường hợp tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trong tháng 6, 7 và 8 ở Gibraltar là ba người, ít hơn đáng kể so với con số 54 người được ghi nhận trong đợt dịch vào tháng 1 và 2.
Trong số ba trường hợp tử vong nói trên, hai trường hợp không được tiêm vaccine. Một trường hợp là người trên 80 tuổi có bệnh nền, theo Reuters.
“Vì vậy, tôi cho rằng tình hình ở Gibraltar là bằng chứng cho thấy vaccine có tác dụng. Vaccine giúp ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong", tiến sĩ Matilde Cañelles López - nhà nghiên cứu cấp cao tại Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Viện Triết học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Con người (CCHS), thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) - nói với Reuters.
Chương trình tiêm chủng của Gibraltar được chứng minh là có hiệu quả trong việc chặn Covid-19. Ảnh: AFP. |
Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy các quốc gia có nhiều hơn 80% dân số được tiêm chủng đủ hai mũi vaccine - như UAE, Bồ Đào Nha, Malta và Tây Ban Nha - cũng không ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến. Thay vào đó, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở các nước này chỉ ở mức tối thiểu.
Ngược lại, các quốc gia có tỷ lệ không tiêm vaccine cao, cùng với tư tưởng phản đối mạnh mẽ việc tiêm vaccine (như ở Mỹ với 55,1% dân số được tiêm đủ hai mũi vaccine tính đến này 28/9), lại ghi nhận số ca mắc mới và ca tử vong do Covid-19 tăng đột biến.
Gulf News dẫn thông tin từ tạp chí y khoa BMJ cho biết kể từ khi biến chủng Delta thống trị trên thế giới, người dân ở Mỹ chưa tiêm vaccine có tỷ lệ tử vong cao gấp 11 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ.
Vào ngày 28/9, Mỹ ghi nhận 105.633 trường hợp mắc mới Covid-19 và 1.836 trường hợp tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 712.844, theo Worldometers. Phần lớn các ca tử vong này là người đã chọn không tiêm vaccine.