Hàng ngày, đúng 2h sáng, ông Thư cùng vợ lại thức dậy nhóm bếp, vo gạo chuẩn bị nấu cháo, đó là thói quen được hình thành từ rất lâu. Nồi cháo từ thiện đầu tiên được nấu năm 1991 và xuất phát từ ý tưởng của ba vợ ông Thư nên đến nay vẫn duy trì sử dụng tên Hồng Phước.
Ông Thư bên nồi cháo “khổng lồ”. |
Từ năm 1991 đến đầu năm 2000, do mới hình thành nên số gạo nấu cháo hàng ngày còn ít, chỉ từ 4,5kg đến 20kg gạo/ngày. Nhưng từ giữa năm 2000 đến nay, số gạo dùng nấu cháo tăng lên, trung bình mỗi ngày nấu khoảng 55kg gạo.
Ngoài gạo còn phải kể đến những thứ ăn kèm như đường, muối tiêu, dưa mắm cũng được chuẩn bị tươm tất. Mỗi ngày phát kèm khoảng 35kg đường, 3kg muối tiêu, 40kg dưa mắm, xen kẽ hai ngày cháo trắng sẽ là một ngày cháo đậu. Ước tính, số gạo bình quân hàng tháng được sử dụng nấu cháo hơn 1,5 tấn đều do các Mạnh Thường Quân quyên góp giúp đỡ.
Vợ chồng ông Thư chỉ nấu cháo, còn việc phát cháo có nhóm tình nguyện phụ trách, đó là những bà con xung quanh. Ông Thư tâm sự: “Nồi cháo hoạt động trên 20 năm, tôi quy định không được nhận tiền của bất kỳ người nào. Muối tiêu, đường, dưa mắm… đều được những nhà hảo tâm làm sẵn và vận chuyển đến để phát cho bà con. Có lần, vợ chồng tôi không có nhà, nhưng bà con vẫn mang gạo đặt trước cửa. Chúng tôi rất vui vì được bà con tin tưởng ủng hộ”.
Đến 5h30, khi nồi cháo nấu xong cũng là lúc các thành viên trong đội phát cháo từ thiện đến chuyển cháo phát ở hai bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang do số lượng đông nên cháo được múc ra hai thùng lớn, mỗi thùng 220 lít. Bệnh viện Tim mạch số lượng ít hơn nên múc vào một thùng nhỏ 170 lít. Trung bình, mỗi ngày cả 2 điểm phát khoảng 500 suất cháo.
Theo bà Lê Trần Thị Phi Khanh, Phó chủ tịch UBMTTQ phường Mỹ Bình, nồi cháo từ thiện ngày càng được mọi người ủng hộ. Đây là một hoạt động tốt, địa phương luôn ủng hộ để tiếp tục duy trì và phát triển.