Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bữa cơm 2.000 đồng cuối cùng của năm tại Sài Gòn

Mấy ngày này, những quán cơm 2.000 - 5.000 đồng ở Sài Gòn lần lượt nghỉ Tết. Không khí trưa cuối cùng của năm tại các quán cơm này lại càng làm người ta ấm lòng bởi nhiều lẽ.

Nhiều người lao động nghèo ghé quán cơm chay Thiên Phước (quận 11, TP.HCM) đã gọi đùa bữa cơm ngày 19/1 vừa rồi là bữa tất niên.

Tất niên của người nghèo

Như thường lệ, quán bán khoảng 250 suất cơm chay với giá 5.000 đồng/suất. Cũng là những món chay quen thuộc, cũng những người đã đến quán nhiều lần từ khi quán mới khai trương tháng 9/2013 nhưng không khí hôm nay bịn rịn hơn.

Nhân viên quán vừa hối hả phục vụ, vừa đáp lại lời hỏi của khách: “Hôm nay nữa là quán nghỉ rồi sao, chừng nào bán lại?”, rồi những lời chúc nhau đón Tết sum vầy cứ vậy vang lên giữa buổi trưa Sài Gòn khí trời còn lạnh.

Bà Hoa, 54 tuổi, bán vé số ở khu vực quận 11 là khách hàng thường xuyên của quán, ngồi ăn nhưng khuôn mặt buồn hiu. Bà nói: “Hổm rày quen ăn ở đây rồi, 5.000 đồng mà ăn thấy ngon miệng quá chừng. Mấy bữa nữa lại ăn ở quán cơm khác với giá gấp bốn năm lần, không có không khí đầm ấm như ở đây…”.

Bữa cơm tất niên ở quán cơm chay Thiên Phước.

Bà Hoa quê ở Quảng Ngãi, vào Sài Gòn được gần hai chục năm, cũng từng ăn ở các quán cơm từ thiện khác nhưng bà rất thích ghé Thiên Phước vì vừa gần nơi bán vé số vừa được ăn chay tích phước. Xa quê lâu chưa về, Tết này bà lầm lũi đi bán, “ước gì Tết mấy quán cơm tình nghĩa như vầy cũng bán, tụi tôi đỡ biết mấy”, bà nói.

Còn ông Hai, 61 tuổi, ăn cơm ở quán được hơn một tháng, xúc động nói với chủ quán: “Tôi cám ơn, cám ơn lắm vì nhờ mấy bữa cơm này mà tôi dư chút tiền lo cho vợ đang bệnh, cầu mong cho mấy anh chị bán cơm ở đây khỏe để mà năm sau tôi lại được tới chỗ này”.

Gần 13h trưa, khách đã vãn, anh Trần Phước Hòa (38 tuổi, chủ quán) cùng người thân, nhân viên quán mới lo tới bữa ăn của mình. Anh mời vài khách quen như chị bán vé số, anh mua ve chai… tới trễ ngồi ăn chung. Câu chuyện cuối năm giữa người bán cơm và khách càng thêm xúc động, họ nói với nhau những điều tốt đẹp cho năm mới.

Anh Hòa cho biết, nhiều khi không có ai “tài trợ”, quán phải bỏ tiền túi để bù lỗ nhưng những thiếu hụt vật chất ấy không ngăn được niềm vui khi quán của mình giúp được cho nhiều người. Một niềm vui lớn hơn nữa, khi những người nghèo ăn cơm tại quán đã giúp ngược trở lại cho quán bằng những đóng góp tuy nhỏ mà ý nghĩa vô cùng.

Anh kể, có người cha bán vé số đi cùng đứa con tật nguyền đã góp bao gạo 50kg cho quán, trong khi bao gạo này là của người ta cho người cha ấy. Rồi được cho mấy cái hộp đựng cơm, người cha này cũng mang đến cho quán. Tấm lòng người nghèo rộng biết bao nhiêu.

Mong nhiều người được ăn cơm nghĩa tình

Đó là mong muốn chung của những người mở quán cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng nơi Sài Gòn đắt đỏ này. Sức lực tiền của có hạn, nhưng lòng thương người thì bao la, ai cũng đắn đo vì quán của mình chưa giúp được nhiều người.

Nhà báo Nam Đồng, người sáng lập chuỗi quán cơm xã hội Nụ Cười, cho biết trong năm tới chỉ mong các quán duy trì hoạt động thật tốt, phụ được cho nhiều người nghèo, được ủng hộ tài trợ nhiều hơn. Ngày 15/1 vừa rồi Nụ Cười 1 (số 6 Hồ Xuân Hương) đã bán ngày cuối cùng của năm và đầu năm sẽ dời qua số 6 Cống Quỳnh, quận 1.

Trong năm, hằng ngày mỗi quán cơm Nụ Cười đã bán trung bình 500 suất, riêng Nụ Cười 4 lên đến 700-800 suất. Tính đến nay, Nụ Cười đã có sáu chi nhánh ở TP.HCM cùng mang nụ cười đến cho người nghèo. Bấy nhiêu nỗ lực đó đọng lại trong câu cám ơn đầy chân thành của những người đến quán ăn cơm, đủ cho những người lập nên quán, những tình nguyện viên và người góp sức niềm tin và niềm vui cho một năm mới.

Chuyện lạ thường ở một quán cơm chay Sài Gòn

Những người bán ve chai già cả, quanh năm sống nhờ vào những món đồ cũ nát… nhưng họ sẵn sàng, tự nguyện góp thêm vài cân gạo, mớ rau… đùm bọc nhau lúc sớm trưa.

 

Hơn 20 tình nguyện viên của quán Nụ Cười 1 tất bật dọn đồ đạc qua địa chỉ mới, xen lẫn niềm vui khi biết ở quán mới đã có mấy người đến ủng hộ gạo, tiền. Người đến ăn cơm ở quán thì bùi ngùi bởi đã quen ăn ở đây, giờ lại qua chỗ mới thấy nhơ nhớ.

Có người hỏi nhà báo Nam Đồng không biết qua quán mới có ấm cúng như quán lá ở đây không, ông đáp: “Qua quán mới cũng toàn người cũ thôi, đây ấm cúng thì đó cũng ấm cúng”. Rồi ông nói thêm, tranh thủ mấy ngày giáp Tết sẽ làm đường ống thoát nước, bày trí cho quán Nụ Cười 1 ở địa điểm mới để đầu năm kịp phục vụ bà con.

http://tuoitre.vn/Ban-doc/592127/bua-com-2-000-dong-5-000-dong-cuoi-cung-cua-nam.html

Theo Tuổi Trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm