Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nói cấm xe máy mà không cấm ôtô dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực'

"Nói cấm xe máy để giảm ùn tắc, mà cấm xong vẫn tiếp tục tắc thì rất nguy hiểm. Người dân sẽ lập tức có các tâm lý phản đối", tiến sĩ Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Ngày 4/4, các chuyên gia về giao thông và báo Tiền Phong có buổi tọa đàm về đề án cấm xe máy ở Hà Nội. Đề án trên nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Cuộc tọa đàm kéo dài hơn 2 giờ. Các chuyên gia và đại diện của Sở GTVT Hà Nội, cũng như đại diện lực lượng cảnh sát giao thông của thành phố đều cho rằng để hạn chế được xe máy cần những bước đi, lộ trình cụ thể.

Ha Noi cam xe may anh 1
Tọa đàm về đề án cấm xe máy được tổ chức tại trụ sở báo Tiền Phong. Ảnh: Sơn Hà.

Ùn tắc là hệ lụy từ nhiều nguyên nhân

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng khó có thể nói cấm xe máy là để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Ông đánh giá ùn tắc là hệ lụy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Xe máy chỉ là một trong số nhiều nguyên nhân đó.

Ha Noi cam xe may anh 2
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội. Ảnh: Vietnam Finance.

Theo ông Nghiêm, dân số Hà Nội tăng nhanh, quỹ đất cho giao thông tĩnh không đổi, trong khi đô thị như Hà Nội cần ít nhất 25% quỹ đất mới đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, thành phố có lộ trình phát triển 5 đô thị vệ tinh từ nhiều năm trước, nhưng việc di dân, dời các công sở, trường học vẫn rất chậm chạp.

"Từ năm 1992, chúng ta đã đặt ra mục tiêu là phải có 25% diện tích đất cho giao thông, rồi đến năm 1998 tiếp tục khẳng định phải có 25%. Nhưng đến nay thì sao, vẫn lẹt đẹt mới có 9% diện tích cho giao thông. Nào là con đường đắt nhất hành tinh, rồi thiếu chính sách, thiếu cơ chế", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này chỉ ra trong quá trình công tác từ năm 1998, ông đã nhiều lần kiến nghị thành phố mở rộng trục đường Lê Văn Lương. Ông cho rằng đây là một trong những trục đường chính, quan trọng của thành phố trong tương lai.

"Hai lần kiến nghị, nhưng thành phố không có tiền lại phải thôi. Trong khí đó thành phố vẫn cho xây dựng nhà cao tầng. Hiện nay tuyến đường Lê Văn Lương có khoảng 14 nhà cao tầng", ông Nghiêm nói.

Không thể nói cấm xe máy để giảm ùn tắc

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng không nên gói gọn xe máy là đối tượng chủ yếu của đề án và mục tiêu cũng không duy nhất là chống ùn tắc giao thông.

"Sau khi xem đi xem lại, tôi thấy mục tiêu của đề án rất rộng. Ngoài chống ùn tắc còn là giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ô nhiễm, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng, quan trọng nhất là phát triển bằng được giao thông công cộng ở Hà Nội", ông Nam phát biểu.

Ha Noi cam xe may anh 3
Cảnh tắc đường kéo dài trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân hồi tháng 7/2018, hướng từ nội thành ra. Ảnh: Thanh Bình.

Ông Nam cũng nhắc công tác truyền thông, tuyên truyền của các cấp chính quyền, cơ quan xây dựng đề án không nên chỉ chú trọng vào mục tiêu ùn tắc giao thông, sẽ khiến người dân hiểu không đầy đủ các mục tiêu quan trọng khác. 

Vị chuyên gia nhận định việc đưa ra đề xuất cấm xe máy vào thời điểm này là rất nhạy cảm, chắc chắn sẽ vấp phải nhiều phản ứng dữ dội trong dư luận. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần phải hết sức thận trọng, nhất là khi xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân. Nói cấm xe máy mà không cấm ôtô dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực rằng có sự bao che, lợi ích nhóm trong xã hội.

Ngoài ra, vị tiến sĩ kinh tế nhận định việc thí điểm cấm xe máy ở một vài tuyến đường là cần thiết. Nhưng ông cũng lo ngại việc cấm xe máy ở 2 trục đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương sẽ đẩy người dân đi vào các tuyến đường song song và có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn còn nguy hiểm hơn.

"Nói cấm xe máy để giảm ùn tắc, mà cấm xong vẫn tiếp tục tắc thì rất nguy hiểm. Người dân sẽ ngay lập tức có các tâm lý phản đối", vị chuyên gia nhận định.

'Hoàn toàn có thể triển khai được'

Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trả lời câu hỏi về căn cứ đưa ra lộ trình cấm xe máy.

"Việc lập đề án hạn chế xe máy là một trong 4, 5 nhiệm vụ Nghị quyết đưa ra, phù hợp quan điểm của Chính phủ", ông Tú nói.

Ha Noi cam xe may anh 4
Ông Ngô Anh Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Cũng theo Tú, lộ trình cấm xe máy đến năm 2030 đã được xác định trong Nghị quyết 04. Mục tiêu, yêu cầu đầy đủ cũng có trong Quyết định 519 của Chính phủ. Thành phố Hà Nội đang tập trung cao độ, các chỉ tiêu đáp ứng được, hoàn toàn có thể triển khai được.

"Để đề án thành công, phải trải qua đánh giá thí điểm, rút kinh nghiệm để có giải pháp hữu ích nhất để người dân có cách thức di chuyển phù hợp nhất. Phải mất 2-3 năm tiến hành trước, sau đó HĐND TP thông qua thì Sở Giao thông Vận tải mới triển khai", ông Tú nói thêm.

Tại buổi tọa đàm, ông Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nội đã chia sẻ những khó khăn trong việc quản lý điều hành giao thông ở thủ đô cũng như những nguyên nhân gây tắc đường vẫn diễn ra hàng ngày ở thủ đô.

Theo ông Long, đến quý I, Cảnh sát giao thông Hà Nội phải quản lý khoảng 6,6 triệu phương tiện. Trong đó có 740.000 ôtô, 5,7 triệu xe máy và xe máy điện gần 150.000 chiếc.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phủ nhận việc chỉ cấm xe máy mà bỏ qua ôtô

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ông Vũ Văn Viện cho biết các đề án, quy định cấm ôtô đã được đề cập từ nhiều năm trước, không có chuyện chỉ cấm xe máy.


Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm