Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nội các Trump: Toàn tỷ phú nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị

Khi phân tích với Zing.vn về những chính sách sắp tới của chính quyền Donald Trump, các chuyên gia đều cho rằng nội các mới đầy bất đồng sẽ không có thời gian ngơi nghỉ nào.

Ưu tiên hành động 100 ngày đầu của Tổng thống Trump Rút khỏi TPP, tăng cường an ninh biên giới, điều chỉnh lại các hiệp định thương mại... là những kế hoạch trọng tâm của Tổng thống Trump trong 100 ngày sau nhậm chức.

Ông Trump đã tới thủ đô Washington hôm qua để sẵn sàng cho lễ tuyên thệ nhậm chức vào trưa ngày 20/1 theo giờ địa phương. Zing.vn có cuộc trao đổi với ba chuyên gia quốc tế về những khó khăn đang chờ nội các mới của ông Trump trong 100 ngày đầu tiên.

Vị tổng thống khó lường

- Ông quan tâm những vấn đề nào trong tuyên bố về các ưu tiên hành động của ông Trump trong 100 ngày đầu sau khi nhậm chức?

- Giáo sư Jim Butterfield (ngành Khoa học Chính trị, ĐH Western Michigan, Mỹ): Trump là một người trước sau bất nhất nên rất khó dự đoán chính xác ông ấy sẽ làm gì trong rất nhiều lĩnh vực.

trong doi gi tu 100 ngay dau cua Trump anh 1
Giáo sư Jim Butterfield. Ảnh: wmich.

 

Tuần trước, qua các phiên điều trần của Thượng viện, chúng ta lại thấy sự bất đồng quan điểm giữa Trump và những người mà ông đề cử cho các vị trí chủ chốt trong nội các như bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng hay giám đốc CIA. Do đó việc dự báo chính sách của chính quyền mới càng trở nên khó khăn.

Yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến việc dự báo là mối quan hệ giữa Trump và Quốc hội, vốn tồn tại nhiều mâu thuẫn lớn. Thực tế, tổng thống Mỹ bị hạn chế quyền lực rất nhiều và trong các vấn đề chính sách quan trọng, quyền quyết định thuộc về Quốc hội.

Điều này có nghĩa là Trump không thể làm tất cả những gì ông muốn, đặc biệt khi ông và Quốc hội, dù do đảng Cộng hòa kiểm soát, không có quan hệ tốt.

Trump không thể làm tất cả những gì ông muốn khi không có quan hệ tốt với Quốc hội.

Giáo sư Jim Butterfield

Ngoài ra, Trump không phải là một người Cộng hòa thực thụ. Ông lựa chọn tranh cử trên danh nghĩa đảng Cộng hòa nhưng các thành viên đảng này không phải ai cũng vui với lựa chọn đó.

Những gì Trump viết trên Twitter không hoàn toàn phản ánh chính sách dài hạn. Mọi tổng thống đều phải trải qua một quá trình học hỏi lâu dài để có thể thay đổi được chính sách, đặc biệt là với người không có kinh nghiệm chính trị như Trump. Ông ấy buộc phải nhanh chóng hiểu ra rằng thay đổi chính sách không “dễ xơi” như viết trên Twitter.

Giai đoạn 100 ngày đầu tiên sau chuyển giao quyền lực ở Mỹ thường được gọi là “trăng mật”. Trong giai đoạn này, nội các mới ai cũng sẽ đều rất vui vẻ và các tổng thống thường xem đây là thời gian tốt nhất để đưa mọi thứ vào khuôn khổ, hiện thực hóa các ý tưởng của mình.

Thế nhưng điều thú vị năm nay là dường như Trump và nội các của mình sẽ không có được kỳ trăng mật đó. Chúng ta đã thấy những khác biệt quan điểm nghiêm trọng giữa Trump và chính các đề cử nội các mà ông chọn. Chẳng hạn như việc hai ông Mike Pompeo (đề cử giám đốc CIA) và James Mattis (đề cử bộ trưởng quốc phòng) đều cho thấy quan điểm trái ngược với ông Trump trong vấn đề Nga tấn công mạng nước Mỹ. Việc tồn tại nhiều sự bất đồng như vậy trong nội bộ chính quyền mới là một điều bất thường.

Trump: CEO hay tổng thống của nước Mỹ

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia): Hai ưu tiên hành động của ông Trump mà tôi quan tâm chính là các chính sách để giảm thuế và tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để tạo việc làm tại Mỹ; và Trump sẽ đầu tư nguồn lực đáng kể thế nào để đánh bại phiến quân IS ở Trung Đông.

Về điều đầu tiên thì trong phạm vi đối nội, nhưng có nguy cơ rằng chính sách của Trump sẽ gây ra lạm phát cao dẫn đến biến động giá trị USD. Điều này khiến hàng hoá Mỹ sẽ khó xuất khẩu hơn. Một nguy cơ khác là xung đột với Trung Quốc nếu Trump muốn áp đặt thuế suất cao với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tiến sĩ Malcolm Cook (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, SIngapore): Những chính sách thương mại của Trump sẽ là điều tôi quan tâm nhất. Liệu ông sẽ chính thức rút Mỹ khỏi TPP (điều gần như chắc chắn hiện nay) và áp đặt những trừng phạt như thế nào với các tập đoàn mà Trump cho là “không ưu tiên lợi ích Mỹ trước hết”.

trong doi gi tu 100 ngay dau cua Trump anh 2
Tiến sĩ Malcolm Cook. Ảnh: EWC.

Điều thứ hai tôi quan tâm là chính quyền Trump sẽ phản ứng thế nào với những động thái gây hấn của Trung Quốc ở Đông Á và Iran ở Trung Đông.

Tuy nhiên, trên tất cả, tôi sẽ quan sát Tổng thống Trump hành xử trong văn phòng tổng thống như thế nào và vai trò của ông ta trong hệ thống chính trị Mỹ. Liệu Trump có đang xem mình là tổng giám đốc của nước Mỹ như cách ông ta từng là CEO của tập đoàn Trump hay không, điều này thể hiện quan điểm cá nhân về quyền lực. Nếu Trump nghĩ như vậy, và ông ta thể hiện khá rõ trong cuộc họp báo vừa qua, thì tình hình nước Mỹ sẽ rất khó đoán.

Nội các toàn tỷ phú nhưng thiếu kinh nghiệm

- Là một người Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về nội các mới của đất nước mình?

- Giáo sư Jim Butterfield: Tôi chắc rằng những tỷ phú này sẽ áp dụng cách tiếp cận của một người làm kinh doanh vào công việc mới. Như đề cử ngoại trưởng mới chẳng hạn, ông Rex Tillerson, một đại gia dầu mỏ.

Tất nhiên ông ấy không phải là người đầu tiên từ kinh doanh bước vào chính trị. Lợi ích có thể thấy của việc một doanh nhân điều hành cơ quan nhà nước là ở chỗ họ có thể đưa ra quyết định và hành động một cách nhanh chóng.

Làm chính trị không thể được tự quyết định mọi thứ như CEO.

Giáo sư Jim Butterfield

Nhưng ngược lại, bất lợi là họ có thể không nhận được sự ủng hộ từ những người làm việc cho họ. Trước đây, bà Hillary Clinton rất được nhân viên của Bộ Ngoại giao yêu mến vì bà quan tâm đến việc tham vấn từ họ. Nếu Tillerson duy trì cách làm việc của một CEO thì ông ấy có thể hủy hoại mọi thứ như hủy hoại công việc kinh doanh.

Sự khác nhau giữa làm kinh doanh và làm chính trị là nếu làm kinh doanh bạn hoàn toàn có thể tự quyết định mọi thứ, nhưng làm chính trị bạn không thể hành xử như vậy. Có rất nhiều người có thâm niên hơn bạn và theo đuổi lý tưởng khác bạn, mọi thứ phải theo trình tự thủ tục, rất nhiều luật lệ, quy ước…

TPP không thể 'sống' nếu không có Mỹ

- Có thể trông đợi từ Trump một hiệp định mới thay thế cho TPP?

Giáo sư Carl Thayer: Chính phủ Nhật Bản và Australia đang vận động chính quyền Trump đàm phán lại về TPP. Nếu Trump chắc chắn quyết định rút Mỹ khỏi TPP thì điều này sẽ không có hiệu lực ngay cho đến tháng 1/2018.

Trên thực tế, Trump đã giảm tông nhiều hoặc điều chỉnh đáng kể trong những chính sách mà ông ta tuyên bố khi tranh cử. Tình hình hiện nay tuỳ thuộc vào nội các mới của Mỹ, với những vị liên quan đến thương mại liệu có thể đưa ra những con đường khác trong các điều khoản của TPP mà Trump chống đối hay không.

Rút khỏi TPP là Mỹ thất bại trong xúc tiến tự do thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương.

Giáo sư Carl Thayer

Việc tuyên bố rút khỏi TPP là hành động mang tính biểu tượng hơn vì hiệp định này thực tế chưa có hiệu lực. Vấn đề cơ bản là ông Trump sẽ phải thấy khi Mỹ thất bại trong việc xúc tiến tự do hoá thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương thì chỉ càng làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tiến sĩ Malcolm Cook: Sau khi Trump tỏ rõ sẽ rút Mỹ khỏi TPP, trọng tâm ở Đông Á sẽ dịch chuyển dần sang những cuộc đàm phán RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - PV) vốn dự kiến hoàn thành vào năm nay. Tôi nghĩ sẽ rất khó khôi phục TPP nếu không có Mỹ, vì 11 nước còn lại chấp nhận những nhượng bộ chỉ vì hiệp định này có Mỹ tham gia.

Giáo sư Jim Butterfield: Tôi nghĩ rằng Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga, đồng thời muốn gia tăng sự đối đầu với Trung Quốc. Có lẽ Trump sẽ sớm nhận ra ông ấy không thể hàn gắn quan hệ Washington - Moscow dễ dàng như ông ấy muốn. Và cùng lúc, ông ấy cũng sẽ nhận ra việc đối đầu với Bắc Kinh không đem lại lợi ích cho Mỹ vì hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới phụ thuộc vào nhau.

Tới đây, chúng ta lại phải nói về quá trình thích nghi của Trump sau khi bước vào Nhà Trắng. Những gì ông ấy nghĩ trong 6 hay 10 tháng tới có thể sẽ hoàn toàn khác những gì ông ấy nghĩ hôm nay.

TPP chẳng hạn. Thực tế rằng Trump đã tuyên bố phản đối TPP không hoàn toàn có nghĩa là ông ấy sẽ tiếp tục phản đối hiệp định. Trump từng nói muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á, trong khi TPP ra đời là để góp phần thực hiện điều này. Do đó, Trump chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực trong việc xem xét lại tuyên bố từ bỏ TPP của mình.

Ưu tiên Trung Đông, quyết tâm chống IS

- Theo ông, Trump sẽ sắp xếp sự ưu tiên dành cho các châu lục trong chính sách đối ngoại như thế nào?

Giáo sư Carl Thayer: Hiển nhiên Trung Đông sẽ là khu vực được ưu tiên lớn trong chính sách của Trump. Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng mà Trump chọn, tướng Michael Flynn và James Mattis, sẽ nỗ lực để đánh bại IS và cố gắng "lôi kéo" Nga tham gia vào kế hoạch này.

trong doi gi tu 100 ngay dau cua Trump anh 3
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: AFP.

Quan hệ với Trung Quốc sẽ là tầm ưu tiên kế tiếp. 

Tính đến hiện tại, tôi chưa thấy khả năng khu vực Đông Nam Á có thể vào danh sách ưu tiên của Trump. Chúng ta phải tiếp tục quan sát ngoại trưởng mới của Mỹ sẽ chọn những cấp thứ trưởng là ai, và Trump sẽ đề cử ai vào chức đại sứ Mỹ tại khu vực này. Nhưng cũng vì không phải ưu tiên cao nên các chính sách của Mỹ với Đông Nam Á sẽ tiếp tục theo lộ trình cũ, thay vì gián đoạn hoặc biến động.

Tiến sĩ Malcolm Cook: Tôi nghĩ chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới sẽ theo hướng phản ứng nhiều hơn, nhưng vẫn là khó dự đoán. Việc Trump bổ nhiệm tướng Mattis làm bộ trưởng quốc phòng cho thấy dấu hiệu mạnh mẽ về sự ưu tiên với khu vực Trung Đông cũng như cuộc chiến chống phiến quân IS. 

Nhưng Trump cũng liên tục chỉ trích các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và quan hệ thương mại với Trung Quốc gây ra nhiều rắc rối cho Mỹ. Trong thời gian tới, bên cạnh những bất đồng hiện tại về quân sự và chiến lược, quan hệ Mỹ - Trung sẽ có thêm điểm nóng mới chính là ở mặt trận kinh tế.

Đến nay, Nga dường như là nước hưởng lợi lớn nhất từ chiến thắng của Trump. Mối quan hệ Mỹ - Nga có thể sẽ bớt sóng gió hơn chỉ vì sự thay đổi hoàn toàn từ phía Mỹ. Khi đã yên tâm về Mỹ, Nga sẽ linh hoạt hơn trong quan hệ với những quốc gia khác mà đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông Trump sẽ làm gì trong ngày nhậm chức?

Ngày 20/1, tỷ phú Donald Trump sẽ chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ với những nghi thức và truyền thống mang tính biểu tượng trong lịch sử gần 250 năm của quốc gia này.

Minh Anh - Đông Phong

Bạn có thể quan tâm