Phở Việt là món ăn được nhiều du khách quốc tế biết đến. Theo thống kê, tại Mỹ hiện có hơn 9.000 tiệm phở, trong đó, nhiều nơi không phải chủ sở hữu là người Việt.
Tại các chuỗi bán lẻ lớn, phở tươi đóng gói ăn liền lại do một thương hiệu Thái Lan sản xuất. Trong khi đó, nước dừa “Chaudoc” xứ Bảy Núi An Giang (Việt Nam) ở các chợ truyền thống tại Mỹ cũng là sản phẩm của các doanh nghiệp Thái, Hong Kong.
Tìm đỏ mắt không thấy hàng Việt
Sau gần 4 năm du học tại Mỹ mà chưa có dịp về nước, anh Nguyễn Hải thường lui tới các siêu thị, chợ truyền thống của người Việt mỗi khi thèm các món ăn quê nhà.
Nước dừa đóng lon được bán tại các chợ ở Mỹ. Ảnh: Dũng Nguyễn. |
Du học sinh cho biết,tại những nơi này ở Mỹ, không khó để tìm thấy các món ăn đặc trưng như phở Việt, nước mắm hay thậm chí nước dừa dưới dạng dùng trực tiếp hoặc mua về chế biến.
“Các đặc sản của Việt Nam tại Mỹ vốn không hiếm nhưng điều tôi thắc mắc nhất là hầu hết sản phẩm này đều ghi nhãn mác được sản xuất tại Thái Lan, Đài Loan hay Hong Kong, tìm đỏ mắt cũng không thấy một doanh nghiệp nào của Việt Nam sản xuất và xuất khẩu”, anh nói.
Thực trạng nhiều đặc sản Việt Nam nhưng được bán dưới mác của một quốc gia khác là bức tranh chung đáng buồn.
Đơn cử là phở Việt, một món ăn được nhiều chuyên trang du lịch nước ngoài giới thiệu, và đông đảo du khách quốc tế biết đến. Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu nhập cư Mỹ năm 2014, nước này có gần 9.000 tiệm phở Việt và hiện con số này đã tăng. Tuy nhiên, việc thương mại hóa phở tại Mỹ chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, trong đó, nhiều cửa tiệm không phải do người Việt làm chủ với công thức và hương vị chính gốc Việt.
Thái Lan, Trung Quốc thâu tóm cả sản phẩm ăn liền
Trong khi đó, món phở tươi ăn đóng gói ăn liền theo dạng ready-to-eat cũng khá phổ biến tại Mỹ. Hình thức đa dạng hóa sản phẩm này đang khiến một doanh nghiệp Thái Lan có thể làm giàu khi đóng gói phở tươi xuất khẩu đi Mỹ.
Sản phẩm phở Việt của thương hiệu Thái Lan Charoen Pokphan Foods Plc (CPF) thậm chí đã xâm nhập vào các chuỗi bán lẻ lớn của nước này như Walmart, Costco, Kroger, Amazon…
Thậm chí, vì nhu cầu và lợi nhuận tốt, doanh nghiệp này đã có hẳn một nhà máy sản xuất phở tươi đóng gói ăn liền ngay tại Mỹ với công suất 2 triệu gói/ngày để cung cấp cho các chuỗi bán lẻ.
“Không chỉ phở, tại Mỹ cũng không hiếm sản phẩm nước dừa được đóng sẵn vào lon với thông tin giới thiệu là nước dừa Châu Đốc xứ An Giang của Việt Nam mình cho những ai có nhu cầu. Tuy nhiên, rất tiếc dù mang thương hiệu và đặc sản của Việt Nam nhưng những sản phẩm này cũng không phải do doanh nghiệp trong nước sản xuất”, anh Hải nói với vẻ ngạc nhiên.
Cụ thể, những sản phẩm nước dừa Châu Đốc có giá bán từ 3,5 USD/lon này là hàng “made in Thailand”. Chúng được giới thiệu dùng để kho thịt với dòng quảng cáo: “Chất uống thiên nhiên, kho thịt càng ngon”.
Theo thống kê, hiện nhu cầu nhập khẩu nước dừa tươi tại các thị trường Hàn Quốc, Canada, Australia và đặc biệt là Mỹ đang tăng mạnh. Số liệu từ Statista cho thấy, năm 2015, doanh số từ nước dừa của Mỹ là 778 triệu USD, và con số này được dự báo tăng lên 2 tỷ USD vào các năm sau.
Với doanh thu không nhỏ nhưng hiện chỉ một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu nước dừa tươi sang Mỹ, phần còn lại của thị trường tỷ USD này đa phần thuộc về Thái Lan và Philippines.
Vì sao doanh nghiệp Việt còn loay hoay?
Theo đánh giá của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, phở tươi đóng gói của công ty Thái Lan nhập khẩu vào Mỹ có thiết kế bao bì bắt mắt và rất dễ sử dụng. Ngoài ra, công nghệ để sản xuất và bảo quản phở cũng phù hợp để xuất khẩu vì hạn dùng đến 1,5 năm, chỉ cần cho vào lò vi sóng khoảng 1-2 phút là có thể dùng ngay.
Nói về câu chuyện đặc sản Việt được các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng sản xuất rồi xuất khẩu đi các thị trường lớn, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc công ty CP Saigon Food, cho biết thực ra không phải doanh nghiệp nội không nghĩ đến vấn đề này.
Theo bà Lâm, việc tìm đường ra nước ngoài cho phở, nước dừa, nước mắm… vốn đã được nhiều doanh nghiệp trong nước nhắc đến. Tuy nhiên, điểm khó khăn mà các doanh nghiệp Việt gặp phải chính là vốn, công nghệ và những tiêu chí khắt khe các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.
Trong khi doanh nghiệp nội còn loay hoay, chật vật thì các công ty Thái Lan, Hong Kong đã nhanh chóng lấy những đặc sản Việt này để xuất khẩu sang các thị trường lớn, nơi có nhu cầu khá cao.
Giám đốc khối triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản - ông Tetsuichiro Tomihari, thẳng thắn chia sẻ, tại Nhật, món đặc sản của người Việt là phở rất đắt hàng. Tuy nhiên, hiện phở tươi tại đây cũng chỉ là sản phẩm nhập khẩu của các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc.
Ông Tomihari cho rằng nhiều đặc sản tại Việt Nam rất tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, trong đó có cả thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu ở khâu công nghệ.
“Các doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu, tập trung phát triển món ăn truyền thống để xuất khẩu. Công nghệ ảnh hưởng trực tiếp hình dáng, màu sắc, chất lượng sản phẩm sau một thời gian dài vận chuyển. Doanh nghiệp cần quan tâm đến áp dụng công nghệ, thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm Việt để tiếp cận các thị trường này”, Giám đốc triển lãm Hiệp hội siêu thị Nhật Bản nói.