Kết quả kinh doanh kém khả quan, giá cổ phiếu lao dốc về dưới mệnh giá và dính tin đồn là đặc điểm chung của một số “ông lớn” này.
Nổi bật nhất trong số này là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức.
Ông Đoàn Nguyên Đức. |
Đầu tiên là tin đồn liên quan Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ khiến Bầu Đức phải lên tiếng phủ nhận và tuyên bố sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý người tung tin.
Tiếp theo là kết quả kinh doanh chẳng lấy gì làm khả quan trong năm 2015, đặc biệt HAG khi lần đầu tiên công bố lỗ 566 tỷ đồng trong quý IV/2015 khiến cả năm 2015 HAG chỉ lãi 574 tỷ đồng, bằng 42% so với kế hoạch đặt ra.
Cũng trong năm 2015, doanh nghiệp này hợp tác bất thành với Rowsley cho dự án phức hợp Myanmar và hiện tại HAG vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp để chia sẻ dự án này.
Tuy nhiên, mối lo ngại nhất đối với Hoàng Anh Gia Lai không chỉ là kết quả kinh doanh mà tình trạng nợ ngày một tăng nhanh và lên tới 32.640 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn 12.792 tỷ đồng và nợ dài hạn 19.848 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ vay của HAG, nợ vay ngắn hạn ở mức hơn 8.000 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 19.000 tỷ đồng, đều ở mức cao so với cùng kỳ.
Chỉ tính riêng trong năm 2015 thì số nợ phải trả của HAG đã tăng thêm 11.000 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, khởi đầu năm 2016 Hoàng Anh Gia Lai còn bị nhắc nhở 2 lần về vi phạm nghĩa vụ công bố báo cáo tài chính, cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai – một công ty con của HAG bị Ngân hàng Á Châu bán giải chấp nhằm thu hồi nợ vay.
Kết quả kinh doanh bết bát, nợ ngày một tăng lên khiến giá cổ phiếu của HAG chỉ có một chiều đi xuống. Từ mức giá 22.200 đồng ở thời điểm đầu năm 2015, cổ phiếu HAG đã mất giá tới 52% trong năm 2015 và hiện tại còn thê thảm hơn khi chỉ còn 8.300 đồng/cổ phiếu.
Trả lời báo chí về nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh không thành công, ông Võ Trường Sơn – Tổng Giám đốc HAG cho biết do tập đoàn thực hiện tái cấu trúc, đánh giá lại các ngành nghề kinh doanh, tài sản và các khoản nợ tại ngân hàng.
Ngoài ra, có thể kể đến giá cao su thế giới luôn ở mức thấp và chi phí lãi vay ngân hàng khiến lợi nhuận giảm.
Một doanh nghiệp khác cũng chung tình cảnh trên là CTCP Quốc Cường Gia Lai (GCG) Trong vài năm trở lại mức lãi của QCG khá tượng trưng so với vị thế từng là một ông lớn trong lĩnh vực bất động sản tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Kết thúc năm 2015, QCG chỉ đạt 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, thấp hơn 28% so với mức 32,3 tỷ đồng của năm 2014. So với kế hoạch đặt ra từ đầu năm thì Quốc Cường Gia Lai chỉ đạt 26% kế hoạch cho cả năm.
Doanh thu thấp có nguyên nhân chính là Quốc Cường Gia Lai có tiến độ bán hàng rất chậm, hàng tồn kho tăng mạnh. Tính đến thời điểm 31/12/2015, khoản mục hàng tồn kho của QCG ghi nhận tới hơn 5.444 tỷ đồng, tăng 32% so với hồi đầu kỳ và chiếm gần 91% tài sản ngắn hạn. Trong đó, gần 5.325 tỷ đồng đến từ bất động sản dở dang.
Dự án chiếm tồn kho nhiều nhất là khu dân cư Phước Kiển, tồn kho 3.798 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Chung cư QCGL II và Giai Việt cũng chiếm trên 500 tỷ đồng tồn kho mỗi dự án.
Nợ ngân hàng cũng là mối lo lớn của Quốc Cường Gia Lai và các cổ đông của công ty này. Theo báo cáo tài chính thì kết thúc năm 2015, QCG có khoản vay nợ dài hạn lên tới 1.856 tỷ đồng và gần 100 tỷ đồng vay ngắn hạn ngân hàng.
Trong 1.856 tỷ đồng vay dài hạn thì có 1.621 tỷ đồng vay tại BIDV – Chi nhánh Quang Trung và Quốc Cường Gia Lai đã phải thế chấp dự án khu dân cư Phước Kiển cùng toàn bộ cổ phiếu 101,9 triệu cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT QCG.
Hiện tại giá cổ phiếu QCG chỉ giao dịch dao động quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu, xuống thấp tới 50% so với cách đây một năm và cách xa mệnh giá là nỗi buồn đối với những người từng kỳ vọng vào một doanh nghiệp có quỹ đất lớn và từng được các quỹ đầu tư quan tâm khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hy vọng cho cổ đông của QCG chỉ hé lên khi dự án trọng điểm Khu dân cư Phước Kiến mang về dòng tiền cho Quốc Cường Gia Lai từ năm 2016 và điều ước giá mủ cao su phục hồi nhanh chóng thành hiện thực.
Cùng “đồng hương” với hai doanh nghiệp trên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng có kết quả kinh doanh không thực sự thành công.
Kết thúc năm 2015, DLG lãi ròng 91 tỷ đồng, tăng 73,6% so với năm 2014. So với kế hoạch lợi nhuận 265 tỷ đồng do Đại hội cổ đông thường niên đề ra, kết quả thực hiện của DLG hiện vẫn còn rất khiêm tốn.
Đáng chú ý là lợi nhuận của DLG có đóng góp không nhỏ từ việc hợp nhất công ty con - cụ thể là giao dịch mua rẻ tại ngày kiểm soát công ty Mass Nobble Investment Limited. Đây là công ty chuyên kinh doanh linh kiện điện tử - mảng kinh doanh vừa mang lại gần 200 tỷ đồng doanh thu cho DLG quý 4 vừa qua.
Giá cổ phiếu giảm mạnh cũng là điều đáng buồn đối với cổ đông của DLG trong hơn một năm vừa qua. Hiện tại giá cổ phiếu DLG dừng ở mức 7.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 30% so với thời điểm cách đây một năm.
Giá cổ phiếu sụt giảm ngoài kết quả kinh doanh chưa được như mong đợi còn đến từ những tin đồn thất thiệt. Tháng 12/2015 trên thị trường chứng khoán xuất hiện thông tin “lãnh đạo DLG bị thanh tra” khiến cổ phiếu DLG lao dốc, sụt giảm nhiều phiên liên tiếp.
Trước tin đồn này, Chủ tịch HĐQT của Đức Long Gia Lai là ông Bùi Pháp đã phải lên tiếng “Đây là thông tin thất thiệt, ác ý, cố tình dìm giá cổ phiếu DLG”.
Có thể nói, hơn một năm vừa qua là quãng thời gian thật sự buồn với các doanh nghiệp niêm yết Gia Lai khi kết quả kinh doanh chưa khởi sắc, cổ phiếu giảm giá mạnh về mức dưới mệnh giá. Chỉ còn hơn một tháng nữa là mùa đại hội cổ đông sẽ diễn ra, có lẽ lãnh đạo các doanh nghiệp trên mảnh đất Tây Nguyên trên đang đứng trước những câu hỏi hóc búa của cổ đông công ty về kế hoạch tương lai của mình.