Giới đầu tư lo ngại rằng bức tranh kinh tế và tài chính năm sau sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Ảnh: Reuters. |
Theo một khảo sát của CNBC với các triệu phú, đa số tin rằng chứng khoán Mỹ sẽ lao dốc với tốc độ 2 chữ số trong năm tới. Tâm lý bi quan này chưa từng xuất hiện kể từ năm 2008.
Theo đó, 56% nhà đầu tư triệu phú được khảo sát cho rằng chỉ số S&P 500 sẽ giảm 10% vào năm sau. Gần 1/3 đặt cược vào mức giảm hơn 15%.
Cuộc khảo sát của CNBC được thực hiện với các nhà đầu tư nắm giữ hơn 1 triệu USD. Những triệu phú này tin rằng cổ phiếu lao dốc sẽ khiến tài sản của họ giảm đi.
Tâm lý bi quan
Khi được hỏi về rủi ro lớn nhất đối với tài sản cá nhân của họ trong năm tới, 28% nhà đầu tư tin rằng đó là thị trường chứng khoán.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và Đại suy thoái cách đây hơn một thập kỷ, các triệu phú đầu tư chưa từng bi quan như thế này.
"Đây là tâm lý bi quan nhất mà chúng tôi từng thấy đối với nhóm này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009", ông George Walper - Chủ tịch của Spectrem Group, công ty thực hiện cuộc khảo sát với CNBC - chia sẻ.
Đây là tâm lý bi quan nhất mà chúng tôi từng thấy đối với nhóm này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009
Ông George Walper - Chủ tịch của Spectrem Group
Ông Walper cho biết lạm phát, lãi suất tăng cao và rủi ro suy thoái đang đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư giàu có. Thị trường đã lao dốc mạnh trong năm nay. Chỉ số S&P 500 mất 18%. Nhưng giới đầu tư tin rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa vào năm sau.
Tâm lý của các nhà đầu tư xấu đi cũng sẽ gây áp lực cho thị trường. Bởi nhóm triệu phú đầu tư nắm giữ hơn 85% cổ phiếu do cá nhân nắm giữ.
Hơn 1/3 triệu phú tin rằng lợi tức đầu tư của họ (từ trái phiếu, cổ phiếu và các tài sản khác) sẽ âm vào năm tới.
Nhiều triệu phú đang để im tiền mặt và định đứng ngoài cuộc chơi. Gần một nửa (46%) nhà đầu tư được khảo sát nắm giữ nhiều tiền mặt hơn so với năm ngoái. 17% có kế hoạch rút thêm tiền khỏi các khoản đầu tư.
Các triệu phú đầu tư cũng lo ngại về nền kinh tế. 60% dự đoán nền kinh tế sẽ "yếu hơn" hoặc "yếu hơn nhiều" vào cuối năm 2023.
Khác biệt thế hệ
Trong cuộc họp chính sách tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Nhưng trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, chủ tịch Fed nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024.
"Chứng khoán Mỹ lao dốc vì nỗi sợ đang bao trùm Phố Wall. Rủi ro suy thoái đã tăng lên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo về 'sự gia tăng liên tục' của lãi suất", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích với Zing.
Các triệu phú thế hệ cũ vẫn ám ảnh với lạm phát và lãi suất tăng cao của những năm 1970 và đầu thập niên 80. Ảnh: Reuters. |
Nhưng quan điểm giữa các triệu phú trẻ tuổi và lớn tuổi không giống nhau. 81% triệu phú thuộc thế hệ Millennial (được sinh ra từ năm 1981 đến 1996) tin rằng tài sản của họ sẽ tăng lên vào cuối năm tới.
Ở chiều ngược lại, hầu hết (61%) triệu phú thuộc thế hệ Baby Boomer (được sinh ra từ năm 1946 đến 1964) lo ngại rằng tài sản của họ sẽ giảm đi vào năm 2023.
Theo ông Walper, thế hệ Millennial (Gen Y) lớn lên với lãi suất thấp, tài sản tăng trưởng phi mã và thị trường thường phục hồi nhanh chóng.
Còn các thế hệ cũ vẫn ám ảnh với lạm phát và lãi suất tăng cao của những năm 1970 và đầu thập niên 80. Giai đoạn đó, chỉ số S&P 500 đã lao dốc liên tục trong hơn một thập kỷ.
"Các triệu phú Gen Y chưa từng được sống trong một môi trường lạm phát thực sự", ông Walper bình luận.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...