Gần một năm sau khi suýt bị đâm chết trong một cửa hàng ở Midland, bang Texas, anh Bawi Cung và hai con trai vẫn còn những vết sẹo lớn, theo ABC News.
Những sang chấn tâm lý còn khó vượt qua hơn. Anh Cung không dám đến cửa hàng nào mà không nhìn khắp mọi hướng để đề phòng. Đứa con trai 6 tuổi của anh giờ không thể cử động một bên lông mày và rất sợ phải ngủ một mình.
Vào một buổi tối thứ bảy tháng 3/2020, khi người dân đổ đi mua đồ tích trữ vì dịch bệnh, anh Cung đang tìm mua gạo thì đột nhiên bị đấm mạnh vào sau đầu. Người đàn ông lạ mặt cũng rạch mặt anh bằng một con dao. Kẻ tấn công bỏ đi rồi trở lại ngay sau đó để đâm lũ trẻ. Đứa 3 tuổi bị thương ở lưng và đứa 6 tuổi bị rách một vết lớn từ mắt phải đến cách tai phải chỉ vài cm.
Cuộc chạm trán kinh hoàng đã cho thấy những nguy hiểm mà người Mỹ gốc Á phải đối mặt kể từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện ở Mỹ. Nhiều vụ quấy rối và tấn công vì vấn đề chủng tộc xảy ra nhiều nơi.
Anh Bawi Cung và các con, nạn nhân của vụ tấn công ở Midland, Texas. Ảnh: Egypt Independent. |
Đến nay, những nạn nhân đầu tiên vẫn cảm thấy việc vượt qua cú sốc này rất khó khăn. Một làn sóng tấn công gần đây nhằm vào những người Mỹ gốc Á cao tuổi, bao gồm cái chết của một người đàn ông 84 tuổi ở San Francisco, đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng thù địch đang trở nên tồi tệ hơn.
Trong trường hợp của ba cha con anh Cung, FBI cho biết thủ phạm tưởng anh và các con là người Trung Quốc. Thực ra họ là cư dân đến từ Myanmar.
Cung nói anh không chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu một nhân viên cửa hàng, Zach Owen, không can thiệp kịp thời hôm đó.
“Tôi đã có thể giết kẻ tấn công. Hay người đó đã có thể giết cả gia đình tôi. Tôi không biết”, Cung nói. “Chúa đã bảo vệ gia đình tôi. Chúa đã gửi Zach đến để bảo vệ gia đình tôi ngay tại đó, đúng lúc đó”.
Owen và một nhân viên tuần tra biên giới đang nghỉ phép đã bắt giữ nghi phạm, Jose Gomez, 19 tuổi. Owen bị đâm vào chân, cùng một vết cắt sâu ở lòng bàn tay phải.
Monthanus Ratanapakdee khóc thương trước cái chết của người cha 84 tuổi. Ông người đã bị tấn công khi đang đi dạo ở San Francisco và qua đời vì vết thương. Ảnh: ABC. |
Phải nhìn thẳng vào vấn đề phân biệt chủng tộc
Tấn công bằng lời nói cũng để lại những hậu quả lâu dài.
Vào tháng 4, Kelly Yang, một người Mỹ gốc Hoa 36 tuổi, và các con của cô cảm thấy bị tổn thương sâu sắc sau cuộc gặp gỡ tình cờ ở một công viên ở Richmond, California.
Cô buộc phải giảng giải cho các con, một bé trai 10 tuổi và một bé gái 7 tuổi, về vấn đề phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á. Đây là cuộc nói chuyện mà cô đã tưởng rằng mình sẽ không phải thực hiện ít nhất trong vài năm tới. Một cặp vợ chồng da trắng lớn tuổi tỏ ra khó chịu vì con chó thả rông của Yang, gọi gia đình cô là “bọn phương Đông" và hằn học: "Hãy cút về đất nước của các người đi".
Yang giải thích với các con rằng họ xua đuổi gia đình cô "quay trở lại châu Á".
"Điều đó có nghĩa là chúng ta không được chào đón ở đây".
Con trai cô bật khóc.
Yang nghĩ rằng đôi vợ chồng kia hưởng ứng Tổng thống Donald Trump khi ông sử dụng những thuật ngữ mang tính phân biệt chủng tộc như “virus Trung Quốc”. Cô rất vui khi gần đây Tổng thống Joe Biden đã ra các sắc lệnh lên án chủ nghĩa bài ngoại chống châu Á, nhưng vẫn sợ rằng nhiều người Mỹ sẽ gạt bỏ vấn đề này như thể nó đã chấm dứt khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump kết thúc.
“Tôi không biết mình có thể làm được gì”, Yang, một tác giả tiểu thuyết dành cho giới trẻ dự định đưa trải nghiệm của mình vào cuốn sách tiếp theo, cho biết. "Nhưng tôi biết sẽ phải nói về nó, thừa nhận nó, ghi nhớ nó - đó là những gì chúng ta làm đối với chiến tranh - chúng ta phải ghi nhớ những gì đã xảy ra".
Hai người Mỹ gốc Á đứng ngay tại nơi mẹ họ bị tấn công tại Flushing, Queens ở New York cuối tháng 3/2021. Ảnh: New York Times. |
Douglas Kim, 42 tuổi, đầu bếp, đồng thời là chủ cửa hàng Jeju Noodle Bar ở New York, chắc chắn sự phân biệt chủng tộc do Covid-19 là nguồn cơn của vụ phá hoại nhà hàng Hàn Quốc được tặng sao Michelin của ông hồi tháng 4/2020. Ai đó đã dùng dao khắc nguệch ngoạc trên cửa "Đừng ăn thịt chó", ám chỉ một định kiến về các món ăn châu Á. Tuy nhiên, Kim không báo cảnh sát.
“Lúc đó, tôi cũng bực mình, nhưng còn nhiều việc quan trọng hơn phải lo”, Kim nói. “Duy trì công việc kinh doanh quan trọng hơn”.
Anh đã chia sẻ bức ảnh vẽ bậy lên Instagram để kêu gọi sự phản đối hành động thù ghét. Rất nhiều người ủng hộ, nhưng rồi cũng phai nhạt dần.
Tuy nhiên, Kim hy vọng sẽ có ít người định kiến “người Mỹ gốc Á là người nước ngoài, không phải người Mỹ” hơn.
“Tôi nghĩ tất cả là do nền tảng giáo dục”, Kim nói. “Nếu bạn nuôi dạy con theo cách đó, chúng sẽ học theo cách đó. Tôi nghĩ mọi thứ đang thay đổi nhưng vẫn chưa phải 100%. Đó là lý do có người viết điều đó trên cửa của chúng tôi".
Gia tăng các vụ tấn công phân biệt chủng tộc
Hơn 3.000 sự việc đã được báo cáo về Stop AAPI Hate, một trung tâm báo cáo có trụ sở tại California dành cho người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương và các nhóm vận động là đối tác của họ, từ giữa tháng 3/2020. Điều đáng thất vọng là các vụ việc thường không đủ điều kiện để được ghi nhận là tội ác do thù hận.
Tuy nhiên, cảnh sát ở một số thành phố lớn đã xác nhận sự gia tăng mạnh mẽ những tội phạm do thù ghét nhắm vào người châu Á từ năm 2019 đến 2020, theo dữ liệu thu thập bởi Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận & cực đoan, Đại học Bang California, San Bernardino. New York tăng từ 3 lên 27 vụ việc, Los Angeles từ 7 lên 15 và Denver có 3 vụ vào năm 2020 - lần đầu tiên được ghi nhận ở đó sau 6 năm.
Người gốc Á mua đồ trang trí Tết Nguyên đán ở San Francisco. Ảnh: New York Times. |
Một loạt tội ác với nạn nhân là những người Mỹ gốc Á cao tuổi trong hai tháng qua đã làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt khiến các chính trị gia và giới truyền thông chú ý hơn. Ngày 24/2, Thống đốc bang California, Gavin Newsom, đã ký ban hành Dự luật phân bổ 1,4 triệu USD cho Stop AAPI Hate và Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á của UCLA. Khoản tài trợ sẽ dành cho các nguồn lực cộng đồng và theo dõi các vụ việc chống lại người gốc Á.
Các quan chức và công dân địa phương cũng đã dành nhiều sự chú ý. Việc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, tình nguyện tuần tra và đường dây nóng đặc biệt về tội phạm đang có hiệu quả. Các thương hiệu lớn có trụ sở tại Bay Area như Golden State Warriors và Apple đã cam kết quyên góp hỗ trợ này.
Cynthia Choi của Stop AAPI Hate mong muốn tin tức sẽ không chỉ tập trung vào những vụ việc mới nhất mà còn phổ biến các giải pháp đang được thảo luận. Chính sách và việc truy tố không nhất thiết phải là câu trả lời. Những vụ tấn công vì thù ghét bắt nguồn từ quan điểm chống lại người gốc Hoa và người nhập cư đã tồn tại hơn một thế kỷ qua. Cô và những người ủng hộ khác cho rằng đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và các nguồn lực cộng đồng có thể giúp giải quyết vấn đề gốc rễ đó. Choi nói thêm việc bài ngoại chống người châu Á nên trở thành một phần trong những cuộc đàm phán về phân biệt chủng tộc đang diễn ra.
“Công việc của chúng tôi nhằm giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc chống người gốc Á cũng gắn bó chặt chẽ với việc chống lại sự phân biệt chủng tộc chống người da đen”, Choi nói. “Điều đó sẽ cần đến tất cả chúng ta, sẽ cần đến những nỗ lực giáo dục cộng đồng, sẽ cần đến những nỗ lực đoàn kết mọi chủng tộc để thực sự mang cộng đồng của chúng ta lại với nhau”.
Trước khi nhập cư vào Mỹ 6 năm trước, Cung chưa bao giờ gặp phải sự phân biệt chủng tộc. Bây giờ, anh cảm thấy khó khăn khi nghe những câu chuyện về bạo lực chống người Mỹ gốc Á. Thời điểm đầu sau vụ tấn công, Cung vật lộn với suy nghĩ Gomez đã cố giết anh chỉ vì ngoại hình. Bây giờ, anh chỉ cầu nguyện cho kẻ tấn công mình.
Gomez vẫn đang bị giam giữ vì ba tội danh cố ý giết người. Hình phạt cuối cùng tùy thuộc vào tòa án.
“Tôi có thể tha thứ cho anh ta, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự phân biệt chủng tộc hay sự tấn công khủng bố kiểu đó”, Cung nói. Anh đã nhận được hơn 20.000 USD quyên góp giúp đỡ trực tuyến.
Cung hướng tới ổn định cuộc sống như một công dân Mỹ mới nhập tịch ở đất nước “tôn trọng mọi người”. Cung không màng chuyện mình có thể không phù hợp với suy nghĩ của một số người về nước Mỹ phải như thế nào.
“Có thể cá nhân họ phân biệt chủng tộc”, Cung nói. “Tôi không quan tâm. Tôi tự hào là một người châu Á và người Mỹ gốc Á”.