Khi ông Haijun Si, 48 tuổi, và gia đình đón Tết Nguyên đán hồi đầu tháng này, không khí vui vẻ đột ngột bị dập tắt khi một số thanh thiếu niên la ó những lời lẽ chế nhạo, phân biệt chủng tộc và ném đá về phía ngôi nhà của gia đình này ở quận Cam, bang California. Những kẻ phá đám còn nhiều lần đập cửa ngôi nhà, theo Washington Post.
Đây không phải lần đầu tiên gia đình Si bị quấy rối trong những tháng gần đây. Kể từ khi chuyển đến khu Ladera Ranch năm tháng trước đó, gia đình này đã bị một nhóm thanh thiếu niên nhắm đến.
“Họ la hét, đập cửa và cửa sổ, rung chuông cả ngày lẫn đêm”, ông Si chia sẻ.
Ông đã gọi cho Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Cam nhiều lần, và cảnh sát đã mở một cuộc điều tra, nhưng những hành vi quấy rối vẫn tiếp diễn, Si cho biết.
“Tôi đã lắp đặt camera và hàng rào, nhưng họ vẫn quay lại”, ông Si, người có hai con, 5 tuổi và 8 tuổi, chia sẻ sự bức xúc. “Những người này khiến các con tôi sợ hãi vào ban đêm. Bọn trẻ sợ ở trong phòng riêng nên chúng tôi phải đưa con vào ở chung phòng mình gần 5 tháng nay ”.
"Chiến dịch" bảo vệ gia đình ông Haijun Si
Bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á ở Mỹ đã gia tăng kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Từ trái sang phải: Lisa Darenzio, Mauricio Bardales và Kim Kitaen, các cư dân ở Ladera Ranch đang canh gác bên ngoài nhà của ông Haijun Si sau các vụ quấy nhiễu vào gia đình gốc Á này. Ảnh: Washington Post. |
Sau sự việc vào dịp Tết Nguyên đán, ông Si đã quyết định nhờ tới sự trợ giúp của hàng xóm. Ông gọi điện thoại cho Layla Parks sống ở gần đó và luôn rất tốt với gia đình ông.
Parks biết một số thanh thiếu niên trong vùng hay chơi trò “ding dong ditch” nhưng cô không nắm được mức độ quấy rối nghiêm trọng và thường xuyên xảy ra tới mức đó. “Ding dong ditch” là một trò chơi khăm, trong đó người chơi thường gõ cửa hay gọi chuông nhà ai đó rồi bỏ chạy).
“Tôi rất tức giận và tôi muốn hành động ngay lập tức. Nhưng tôi biết mình cần phải hành động một cách cẩn thận”, Parks cho biết.
Người phụ nữ 30 tuổi nhanh chóng đưa ra một kế hoạch để giúp bảo vệ gia đình Si, và kế hoạch này cần một số tình nguyện viên tham gia. Trong một nhóm Facebook hàng xóm, Parks đăng video quay cảnh một vụ quấy rối gần đây do ông Si cung cấp, và hỏi liệu có ai sẵn sàng đứng gác bên ngoài nhà của gia đình này vào ban đêm hay không.
Cô muốn đảm bảo ngôi nhà được giám sát từ 18h mỗi ngày cho đến ít nhất 00h sáng hôm sau. Parks đề nghị mọi người đăng ký theo ca kéo dài 1 tiếng. Mục đích chính của cô là "để gia đình này có một chút bình yên trở lại", cô nói.
Bản đăng ký lập tức tràn ngập những cái tên. Nhiều người hàng xóm rất sốc trước hành động của những thanh thiếu niên được phản ánh, và mọi người mong được giúp đỡ.
Parks chia sẻ: “Sự ủng hộ của mọi người vượt quá mọi sự dự đoán và mong đợi của tôi, và điều đó thật ấm lòng. Cộng đồng đã thực sự phát triển”.
Mặc dù phần lớn các tình nguyện viên đều đặt ghế trước ngôi nhà để canh gác, có những người khác giám sát ngôi nhà từ phía bên kia đường. Ảnh: Washington Post. |
Đêm canh gác đầu tiên là hôm 13/2 và kể từ đó, hàng xóm túc trực bên ngoài nhà của ông Si mỗi đêm bất chấp nhiệt độ xuống mức khoảng 4 độ C. Một số ngồi trong ôtô trong “ca trực” trong khi có những người thậm chí tận tâm tới mức “đi tuần” quanh ngôi nhà với đèn pin trong tay.
Cho đến nay, khoảng 50 người đã tình nguyện tham gia ít nhất một ca.
"Bây giờ chúng tôi đã có chút yên bình”
Emily Lippincott, 40 tuổi, nhận canh gác 2 ca. Bà nói rằng những gì gia đình ông Si phải đối mặt là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
“Gia đình này đã bị khủng bố”, bà Lippincott bức xúc. Người hàng xóm này nhấn mạnh thêm rằng việc bảo vệ gia đình ông Si và thể hiện sự ủng hộ là rất quan trọng đối với bà.
Ông Si, bên phái, cùng một tình nguyện viên có tên Joon Lee. Ông Si và vợ thường ra ngoài cảm ơn những người hàng xóm đã giúp đỡ. Ảnh: Washington Post. |
Việc nhìn thấy những người hàng xóm canh gác nhà ông Si đêm này qua đêm khác “là dấu hiệu thực sự tích cực và đầy hy vọng cho cộng đồng của chúng tôi”, bà Lippincott nói. “Thật không thể tin được khi gặp những người cùng thực sự quan tâm”.
Ông Si và vợ thường ra ngoài để cảm ơn các tình nguyện viên và thể hiện sự cảm kích sâu sắc của gia đình. Họ thường mang theo bánh quy.
“Những người hàng xóm đang túc trực hàng đêm, và tôi rất biết ơn”, ông Si nói. "Bây giờ chúng tôi đã có chút yên bình”.
Tuy nhiên, ông Si cũng bày tỏ chút áy náy: “Tôi không muốn gây rắc rối. Tôi không muốn làm mất thời gian của mọi người”.
“Lễ hội Đèn lồng của Hy vọng”
Gia đình ông Si từ Trịnh Châu, Trung Quốc, đến California 4 năm trước. Vào tháng 9/2020, họ chuyển từ quận Riverside đến quận Cam. Sự quấy rối bắt đầu khi họ chuyển đến Ladera Ranch - một cộng đồng giàu có khoảng 30.000 cư dân, với 10% trong số đó là người gốc Á.
Trước khi hàng xóm chung tay giúp đỡ, ông Si và vợ thường thay phiên nhau canh gác ngôi nhà mỗi đêm, hy vọng sự hiện diện của họ sẽ khiến những người quấy rối dè chừng nhưng không thành công.
Kể từ khi các tình nguyện viên túc trực bên ngoài ngôi nhà, các vụ quấy nhiễu cũng giảm bớt nhưng vẫn còn. Ảnh: Washington Post. |
“Cảnh sát tới nhiều lần nhưng họ chưa một lần bắt được quả tang hành động của những người quấy nhiễu”, ông Si cho hay. Carrie Braun - người đứng đầu bộ phận các vấn đề công cộng của Sở cảnh sát quận Cam - cho biết bộ phận của cô đã mở một cuộc điều tra về vụ việc.
“Gia đình ông Si cung cấp ảnh, video cho sở cảnh sát, và chúng tôi đã cắt cử 2 người điều tra danh tính của những cá nhân liên quan”, cô Braun cho biết.
“Điều quan trọng là các cộng đồng phải cùng nhau nhận thức và giữ an toàn cho nhau”, Braun nói thêm, song cô cũng nhấn mạnh rằng khi “vi phạm hình sự xảy ra, điều quan trọng là phải liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật”.
Kể từ khi các tình nguyện viên túc trực, những vụ quấy rối đã giảm bớt, nhưng không hoàn toàn biến mất.
“Bọn trẻ ném đá vào chủ nhà và các tình nguyện viên từ xa”, bà Lippincott cho biết, đồng thời chia sẻ thêm rằng bà cũng nghe thấy chúng “la hét những lời tục tĩu”.
Theo ước tính của Parks, nhóm quấy rối bao gồm 20 thanh thiếu niên và thường xuất hiện vài người cùng một lúc.
“Chúng tôi thấy có những gương mặt xuất hiện nhiều lần và một số gương mặt mới hơn”, Parks cho biết. “Thật kỳ lạ, giống như họ phân ra các ca (để tới gây rối) hoặc đó là một nghi lễ”.
Priscilla Huang, người đồng sáng lập của tổ chức Hành động vì người Mỹ gốc Á - một tổ chức tình nguyện có trụ sở tại quận Cam ủng hộ người Mỹ gốc Á - cho biết trải nghiệm của gia đình Si không phải là hiếm, đặc biệt là trong những tháng gần đây.
Người phụ nữ đến từ gia đình nhập cư từ Đài Loan này cho biết: “Ngày càng có nhiều hành vi quấy rối, và bây giờ bạo lực ở quy mô khác đang gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Mỹ gốc Á”.
Khi Huang nghe về những gì đang xảy ra với gia đình ông Si và cách hàng xóm hành động để hỗ trợ họ, cô đã nảy ra ý tưởng về một sự kiện cộng đồng.
Lễ hội Đèn lồng - đánh dấu ngày cuối cùng của Tết Nguyên đán - diễn ra vào ngày 26/2 và “Tôi nghĩ đó sẽ là một cách hay để thể hiện sự hỗ trợ và đoàn kết của cộng đồng”, Huang nói.
Cùng với các thành viên của Ủy ban Công bằng Xã hội Ladera Ranch và các tổ chức địa phương khác, Huang và một nhóm tình nguyện viên đã lên kế hoạch cho sự kiện có tên “Lễ hội Đèn lồng của Hy vọng”, được tổ chức vào ngày 26/2 tại bãi đậu xe trên cùng dãy nhà với gia đình ông Si. Sẽ có các xe tải thực phẩm và những bài phát biểu, cùng những chiếc đèn lồng truyền thống được phân phát cho người dân để mừng ngày lễ.
“Chúng tôi muốn cho ông Si và gia đình, cũng như tất cả gia đình châu Á khác, cùng nhau hợp tác để hỗ trợ nhau và khiến họ cảm thấy như ở nhà”, Stephanie Hu, 17 tuổi, một trong bốn người đồng sáng lập của CUSD Against Racism cho biết. CUSD Against Racism là một tổ chức do sinh viên khởi xướng tập trung vào việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong học đường. Nhóm này cũng tham gia hỗ trợ cho sự kiện hôm 26/2.
“Chúng tôi đã nói chuyện với Si và ông ấy thực sự muốn tập trung vào việc giúp giáo dục những đứa trẻ này [những người đang quấy rối gia đình ông] và cho chúng thấy rằng hành vi quấy rối là sai trái”, Olivia Fu, 21 tuổi, một đồng sáng lập của CUSD Against Racism, cho biết.
Các cư dân ở Ladera Ranch dự định tiếp tục thay ca đứng gác bên ngoài nhà của gia đình ông Si “cho đến khi họ cảm thấy an toàn”, Parks cho biết.
“Sau khi nghe về sự việc, nỗi sợ hãi của tôi đối với nhân loại đã lên tới cực điểm. Nhưng sau phản ứng của cộng đồng, tôi cảm thấy niềm tin của mình vào tình người đã trở lại”, Parks trải lòng. Ông Si cũng đồng tình với Parks, bất chấp những gì gia đình ông đã phải chịu đựng.
“Tôi yêu những người hàng xóm”, ông chia sẻ. “Tôi yêu cộng đồng và tôi yêu đất nước của mình”.