Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi ám ảnh của phụ nữ Ấn Độ vì đơn ly hôn chỉ ba từ

Trong bức thư gửi đến nhà mẹ đẻ Sadaf Mehmood, người chồng chỉ nguệch ngoạc ba từ ngắn gọn, nhưng nó cũng đủ để phá vỡ cuộc sống của người phụ nữ.

"Tôi hoàn toàn sốc và choáng váng. Chúng tôi nhận ra những khác biệt sau khi kết hôn, nhưng mọi thứ dường như không quá tệ", người mẹ của ba đứa con thổn thức. Người đàn ông ấy chỉ viết ba từ "talaq, talaq, talaq" (có nghĩa là "Tôi ly hôn với cô") và chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm với vợ. 

Theo AFP, Melmood là một trong nhiều phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ bị chồng ruồng bỏ và chấm dứt hôn nhân bằng ba từ talaq. Thông điệp cuối cùng của người chồng có thể được đưa ra bằng nhiều hình thức khác nhau, từ thư tay đến tin nhắn mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động.

"Talaqnama (Đơn ly hôn) đến mà không có bất kỳ cảnh báo hay gợi ý nào", Mehmood nói, thừa nhận giờ đây cô đang vật lộn để kiếm sống khi không có sự hỗ trợ của chồng.

hinh thuc ly hon bang ba tu o An Do anh 1
Phụ nữ Hồi giáo trên đường phố Bhopal, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Shayara Bano cũng chịu chung số phận như Mehmood. Nhưng sau khi nhận thư của chồng, cô đã kiến nghị Toà án Tối cao hồi tháng 2 với mong muốn bãi bỏ hình thức này. "Tôi hiểu hôn nhân của tôi đã kết thúc, nhưng cần có điều gì đó được thực hiện để phụ nữ Hồi giáo không phải chịu đựng thêm nữa".

Các nhóm thiểu số tôn giáo ở Ấn Độ chịu sự chi phối của luật pháp cá nhân, nhằm đảm bảo tự do tôn giáo ở đất nước phần lớn theo đạo Hindu. Tuy nhiên, phụ nữ Hồi giáo nói rằng đạo luật cá nhân Hồi giáo, vốn dựa trên luật Sharia và cho phép nói ba từ "talaq", đang bị hiểu sai khi cho phép đàn ông ngay lập tức rời bỏ gia đình. 

"Phụ nữ thường bị đối xử như công dân hạng hai trong xã hội và còn bị phân biệt đối xử vì những sự hiểu sai tôn giáo này", Sadia Akhtar, thành viên của Bharatiya Muslim Mahila Andolan, một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ phụ nữ Hồi giáo, cho hay.

Kết quả khảo sát của tổ chức vào năm 2015 cho thấy, đại đa số phái yếu ủng hộ việc bãi bỏ talaq vì cho rằng nó trái với giáo lý Hồi giáo. Trong 4.000 phụ nữ tham gia khảo sát, 500 bị chồng bỏ bằng cách này. Thời gian gần đây, khoảng 50.000 người Hồi giáo đã ký vào đơn kiến nghị trong chiến dịch phản đối cách ly hôn bằng Talaqnama.

Kinh Koran quy định thủ tục ly hôn được thực hiện trong 90 ngày, bắt đầu từ lúc nói từ talaq đầu tiên, sau đó là 2 lần tuyên bố talaq tiếp theo nhưng mỗi lần cách nhau 30 ngày. Các học giả cho rằng điều đó cho phép cặp vợ chồng suy xét lại cuộc sống hôn nhân và có thể hàn gắn. 

Ly hôn tức khắc bằng ba từ talaq cùng lúc được cho là đi chệch hướng với kinh Koran. Dù được công nhận chính thức từ thời Omar ở thế kỷ 7, nó vẫn bị phản đối. Theo giáo sư Akhtarul Wasey, thư ly hôn chỉ được sử dụng khi đây là phương án cuối cùng. Nhưng ngày nay, nó đã mất đi bản chất ban đầu và bị lạm dụng tuỳ tiện. 

hinh thuc ly hon bang ba tu o An Do anh 2
Ba từ talaq có thể gửi qua thư tay hoặc tin nhắn. Ảnh: care2.com

Trong khi ly hôn bằng talaq bị cấm ở nhiều quốc gia Hồi giáo, Ấn Độ là một trong số ít nơi vẫn công nhận hợp pháp. Các lãnh đạo Hồi giáo lưỡng lự thay đổi luật pháp cá nhân vì sợ ảnh hưởng đến bản sắc tôn giáo. Một số lo ngại rằng, người ủng hộ đạo Hindu sẽ coi những thay đổi là cái cớ để thúc ép bãi bỏ toàn bộ luật. 

Kamal Faruqui, thành viên một tổ chức Hồi giáo, cho biết người Hồi giáo có quyền thực hành tôn giáo của họ theo luật Sharia và cần được bảo vệ bằng mọi giá. 

"Chúng tôi không khuyến khích người Hồi giáo ly hôn và ba từ talaq không nên được sử dụng. Thay vào đó, các cặp vợ chồng nên tìm con đường danh dự đã được đề cập trong kinh Koran", Faruqui nói. 

Shaista Ali, một phụ nữ ở thị trấn Bhopal, cho biết cô đã phải kêu gọi sự trợ giúp sau khi người chồng đột ngột ly hôn. Mehmood chấp nhận hôn nhân đã tan vỡ, nhưng vẫn nuôi hy vọng một thay đổi nào đó trong tương lai. 

"Chúng tôi không thể ngăn talaq. Nhưng sẽ có những hậu quả khiến những người đàn ông phải suy nghĩ 10 lần trước khi thốt ra ba từ đó", cô nói.

Trào lưu kéo chân tăng chiều cao của giới trẻ Ấn Độ

Ngày càng nhiều thanh niên Ấn Độ muốn phẫu thuật tăng chiều cao, chịu đau đớn và tốn kém, nhiều rủi ro về sức khỏe, để mong cơ hội việc làm tốt hơn hoặc người yêu xứng đáng.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm