Xong ca làm tối 14/7, anh Trương Thanh An (33 tuổi) tranh thủ chạy đến đường Trần Đại Nghĩa (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM), nơi căn nhà của gia đình bị cháy sém do hỏa hoạn từ kho hóa chất bên cạnh lan sang.
Đây là “ca trực” anh An thay phiên với một người cùng dãy trọ để ngó chừng nhà cửa, xem đám cháy có lan nữa không. 6 ngày trôi qua, lửa vẫn âm ỉ bên trong kho hóa chất, khói bao trùm kèm theo mùi khét.
Coi ngó xong, người đàn ông này lại tất bật mua đồ ăn, thức uống tới khu nhà trọ cách hiện trường đám cháy chừng 300 m. Bốn căn nhà trọ lợp tôn với diện tích mỗi căn khoảng 10 m2 nằm liền kề nhau là nơi lánh nạn của gần 20 người, trong tổng số hàng trăm người bị ảnh hưởng từ vụ cháy.
"Tôi nghĩ mình chết"
Chị Hải Bình (47 tuổi) vẫn nhớ rõ thời điểm ngọn lửa bùng lên từ kho hóa chất bên cạnh nhà. Trong lúc đang ngon giấc, người phụ nữ này cùng 5 người khác trong gia đình nghe tiếng la thất thanh từ hàng xóm nên vùng dậy chạy nạn.
Cầm chìa khóa mà tay tôi run cầm cập, loay hoay vài phút mới mở được cửa
Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
Chồng chị Bình dắt xe máy ra cửa thì ngọn lửa lớn làm bỏng da tay, cháy áo đang mặc trên người nên phải để lại xe. Cả nhà thấp người sát đất để tránh ngạt khói rồi mò mẫm ra đường, tri hô nhờ người dân xung quanh cứu những người còn mắc kẹt bên trong. Suốt đêm hôm đó, cả nhà chị Bình đứng ngoài đường đến rạng sáng mới tìm được chỗ ngủ.
“Chỉ cần ngủ quên hay chạy chậm vài phút là chết vì ngạt khói. Tôi khóc ngất lúc đó vì hoảng loạn và tiếc của. Mấy đêm nay, lúc ngủ tôi còn mơ mình ở trong đám cháy”, chị Bình kể.
Từ đó đến nay, chị Bình chưa thể làm việc lại vì khàn tiếng, mệt mỏi, còn hai cháu nhỏ thì khó thở, chảy máu mũi nên được đưa về quê.
Chị Hải Bình sống tạm tại một phòng trọ sau khi thoát ra khỏi vụ cháy. Ảnh: Anh Nhàn. |
Cách nhà trọ của chị Bình vài căn, chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (39 tuổi) cũng chỉ kịp ôm cậu con trai 6 tuổi từ lầu 1 ra khỏi nhà.
"Cầm chìa khóa mà tay tôi run cầm cập, loay hoay vài phút mới mở được cửa thoát thân", chị Ngọc kể.
Người mẹ này nhớ lại trong cơn hoảng loạn, chị bị té vào vũng nước, người ướt sũng, đầu gối bị thương. Những người ở gần đã cho hai mẹ con quần áo để thay tạm. Suốt đêm đó, chị cùng con trai thức trắng. Đến sáng, khi chồng làm ca đêm trở về mới tìm được nhà nghỉ ở tạm rồi hôm sau thuê nhà trọ mới.
"Lúc té ngã, tôi đưa con cho hàng xóm để nó thoát trước. Tôi nghĩ là mình chết chứ không sống nỗi vì khói bao trùm, lửa đỏ rực một vùng", chị Ngọc nói.
Đảo lộn sinh hoạt
Thoát ra khỏi đám cháy, hàng trăm người xung quanh kho hóa chất phải tá túc khắp nơi. Ở khách sạn được vài hôm, họ bàn nhau tới các khu nhà trọ với giá cả phải chăng hơn để thuê ở tạm.
Khi đã an toàn, anh Nguyễn Văn Khuôn (36 tuổi, công nhân khu công nghiệp Lê Văn Xuân) thẫn thờ vì xe cộ, tài sản tích góp bao năm nay của gia đình vẫn nằm bên trong. Ngày hôm sau, anh cùng một số hàng xóm bàn bạc nhau bịt kín khẩu trang, phá cửa vào bên trong dắt xe ra ngoài.
Tôi chỉ biết đếm từng ngày để được về nhà dọn dẹp rồi sinh hoạt trở lại như trước
Anh Nguyễn Văn Khuôn
"Chiếc xe mà không đem ra được thì không có phương tiện đi làm, coi như mất việc nên tôi vẫn phải vào trong dù biết hóa chất độc hại", anh Khuôn kể lại quyết định liều mình vào bên trong nhà trọ lấy xe ra ngoài.
Tài sản lớn nhất là chiếc xe đã được lấy ra, nhưng tất cả vật dụng khác thì người công nhân này phải sắm lại để sinh hoạt tạm. Gần một tuần nay, 3 người trong gia đình anh này phải ăn ngoài. Căn trọ chỉ để vừa 2 chiếc xe máy, một tấm nệm chứ không có chỗ phơi quần áo, nấu ăn hay các sinh hoạt khác.
"Cuộc sống đang ở yên bây giờ đảo lộn hết. Tôi chỉ biết đếm từng ngày để được về nhà dọn dẹp rồi sinh hoạt trở lại như trước", anh Khuôn chia sẻ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc (39 tuổi) lánh nạn trong căn nhà trọ. Ảnh: Anh Nhàn. |
Những hộ dân bị thiệt hại trong đám cháy được công ty hóa chất hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ. Số tiền này theo họ là chưa đủ chi phí khi lánh nạn gần một tuần qua. Chưa kể, những đồ đạc hư hại trong nhà hiện chưa thể thống kê. Vấn đề họ quan tâm nhất là môi trường khi nào xử lý xong, nhưng chưa có câu trả lời.
"Toàn bộ cây cối cách hiện trường 100 m bị chết rụi. Gà, vịt, chó… không kịp di dời cũng bị chết. Nước xung quanh thì có màu vàng đục", anh Thanh An kể và bày tỏ lo ngại về mức độ ô nhiễm môi trường sau vụ cháy.
Trao đổi với Zing, ông Huỳnh Công Luận, Phó chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), cho biết đang phối hợp với các trưởng ấp thống kê thiệt hại tài sản, hoa màu của những hộ dân bị ảnh hưởng để yêu cầu công ty nơi xảy ra cháy bồi thường. Lực lượng chức năng đang tích cực xử lý ô nhiễm môi trường. Khi nào hoàn thành sẽ thông báo người dân về nhà ổn định cuộc sống.