Nỗi ám ảnh bom nguyên tử vẫn hiện hữu ở Nagasaki
3 ngày sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, đến lượt thành phố Nagasaki của Nhật Bản hứng chịu quả bom hạt nhân thứ 2 mang tên “Fat Man”. 67 năm đã trôi qua, nhưng khoảnh khắc kinh hoàng đó vẫn ám ảnh người dân thành phố.
Cùng với Hiroshima, Nagasaki cũng là một trong những đô thị được liệt vào danh sách giội bom nguyên tử của Mỹ. Ba ngày sau khi quả bom “Little Boy” phát nổ trên bầu trời Hiroshima, “Fat Man” được chất lên phi cơ ném bom chiến lược, bay thẳng đến bầu trời Nagasaki, cắt bom và gây ra thảm họa hạt nhân thứ 2 gần như liên tiếp trên đất nước “Mặt trời mọc”.
Quang cảnh xung quanh nhà thờ Urakami ở Nagasaki sau vụ ném bom nguyên tử của Mỹ tháng 9/1945. |
Sở dĩ, Nagasaki bị liệt vào “danh sách chết” bởi nó là thành phố cảng lớn và quan trọng nhất ở miền Nam Nhật Bản, đóng vai trò sống còn đối với Hải quân Phát xít Nhật. Nơi đây sản xuất chiến hạm cùng đủ các mặt hàng phục vụ Phát xít Nhật trong chiến tranh thứ 2. Nhà cửa ở thành phố này hoàn toàn được xây dựng từ gỗ và gần như không có sức chống đỡ đối với bom đạn thông thường, chứ chưa nói đến sức hủy diệt của bom nguyên tử.
Đúng 3 ngày sau vụ giội bom xuống Hiroshima, pháo đài bay B-29 Bock's Car do thiếu tá không quân Charles W. Sweeney làm cơ trưởng cất cánh từ một căn cứ không quân của Mỹ ngoài khơi Thái Bình Dương. Giống như phi vụ lần trước, đội bay mang bom nguyên tử gồm ba chiếc B-29 với các nhiệm vụ theo dõi, mang bom và ghi hình. Tuy nhiên, chiếc phi cơ làm nhiệm vụ ghi hình không đến được điểm hẹn nên hai chiếc B-29 còn lại vẫn tiếp tục hành trình đã định.
Trên thực tế, Nagasaki không phải mục tiêu số một trong vụ ném bom lần này, mà là Kokura, một đô thị khác của Nhật Bản. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết nhiều mây khiến sĩ quan ném bom không thể xác định được chính xác mục tiêu ở Kokura. Ngoài ra, sau 3 lần bay vòng trên thành phố, các phi công phát hiện trục trặc bên trong hệ thống bồn nhiên liệu dự trữ khiến chiếc B-29 Bock’s Car không thể ném bom xuống Kokura và bay trở về căn cứ trên đảo Iwo Jima như đã định. Pháo đài bay đổi hướng thẳng tới Nagasaki.
Suýt chút nữa Nagasaki cũng thoát được thảm cảnh hạt nhân nếu như thời tiết không đột ngột thay đổi. Người Mỹ dự định, nếu thời tiết ở Nagasaki cũng bất lợi như ở Kokura, họ sẽ mang quả bom bay trở về căn cứ hoặc thả nó xuống biển nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, vận may không mỉm cười với người dân Nagasaki, sau khi sĩ quan điều khiển vũ khí xác định được sân vận động nằm giữa trung tâm thành phố sau lớp mây mờ.
Giống như vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, không quân Nhật Bản hoàn toàn chủ quan khi phát hiện những chiếc B-29 bay lượn lờ trên không phận Nagasaki. Cho rằng đó là máy bay do thám, không một phi cơ đánh chặn nào của Nhật Bản cất cánh làm nhiệm vụ bảo vệ không phận. Đó là lí do để máy bay Mỹ tha hồ chao lượn, chọn mục tiêu tấn công và thoải mái cắt bom nguyên tử ngay giữa thành phố.
Quả bom nguyên tử "Fat Man" được ném xuống Nagasaki. |
Đúng 11h01 ngày 9/8/1945, quả bom nguyên tử “Fat Man” rời khoang chứa chiếc B-29 Bock's Car, rơi vô định 43 giây trong không trung trước khi phát nổ cách mặt đất gần 500 m. Vụ nổ tạo ra quầng lửa khổng lồ với nhiệt độ lên tới hơn 3.800 độ C, cùng với sức gió lên tới 1.000 km/h. Bán kính vụ nổ đạt 1,6 km, thiêu rụi toàn bộ những công trình nằm trong bán kính 3,2 km từ tâm quả bom.
70.000 người chết ngay lập tức, 60.000 người khác bị thương nặng là thiệt hại mà thành phố Nagasaki với dân số 240.000 người phải gánh sau vụ nổ. Cũng giống như Hiroshima, chưa thể xác định được chính xác số nạn nhân của vụ nổ bom năm 1945, bởi ô nhiễm phóng xạ tiếp tục giết chết nhiều thường dân vô tội vào những năm sau này.
67 năm sau vụ nổ kinh hoàng, người dân Nagasaki vẫn chưa thể quên những thiệt hại to lớn mà quả bom “Fat Man” trút xuống đầu họ. Nhân kỉ niệm 67 năm ngày Mỹ ném bom xuống thành phố, người dân Nagasaki đồng loạt kêu gọi một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.
Tomihisa Taue, Thị trưởng thành phố Nagasaki, phát biểu: “Cộng đồng quốc tế phải hành động ngay lúc này bằng cách tiến hành các bước đi cụ thể nhằm thực thi Công ước về Vũ khí Hạt nhân”. Trong bản Tuyên bố Hòa Bình năm nay, Thị trưởng Taue cũng kêu gọi chính phủ Nhật Bản giải quyết “những thách thức nghiêm trọng trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.
Video bom nguyên tử "Fat Man" được chất lên máy bay và thả xuống Nagasaki. |
Hồng Duy
Theo Infonet.vn