Maria Ressa và Dmitry Muratov được trao giải Nobel Hòa bình 2021 “vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận", theo kết quả được công bố vào ngày 8/10. Ủy ban Nobel Na Uy nói đây là điều kiện tiên quyết cho "hòa bình lâu dài”.
Là nhà báo và là người đồng sáng lập tờ báo độc lập Rappler, Maria Ressa đã đứng sau những bài viết chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Trong khi đó, Dmitry Muratov là một nhà báo có sức ảnh hưởng ở Nga suốt nhiều năm qua. Năm 1993, ông là một trong những người sáng lập tờ báo độc lập Novaja Gazeta.
Maria Ressa. Ảnh: Reuters. |
Năm 2019, Maria Ressa từng bị giới chức Philippines bắt giam vì tội phỉ báng. Bà và trang Rappler cũng từng bị cáo buộc trốn thuế. Bà Ressa phản bác rằng lời buộc tội bà "mang động cơ chính trị", do Rappler thường phê phán chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Trước khi thành lập Rappler năm 2012, Ressa là nhà báo chuyên điều tra khủng bố ở Đông Nam Á. Bà từng là trưởng văn phòng CNN ở Jakarta, Indonesia. Bà đoạt hai giải thưởng báo chí danh giá là giải Tự do Báo chí của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo ở New York, Mỹ và giải Báo chí Quốc tế Hiệp sĩ của Trung tâm Nhà báo Quốc tế.
Phản ứng trước giải Nobel Hòa bình vừa được công bố, Rappler gọi giải thưởng dành cho bà Ressa và ông Muratov là sự công nhận chưa từng có đối với vai trò của báo chí trong thế giới ngày hôm nay.
Rappler nhắc lại việc bà Ressa từng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công vì bài viết của Rappler chỉ trích chính quyền Tổng thống Duterte và việc bà cũng là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng trong cuộc chiến chống thông tin sai lệch trên toàn cầu.
Dmitry Muratov. Ảnh: Reuters. |
Trả lời một kênh tin tức trên Telegram, Maratov cho rằng ông không ngờ mình nhận được cuộc gọi báo thắng giải. "Tôi đang cười. Tôi không hề trông đợi việc này. Mọi người đang điên lên. Tôi thấy có cuộc gọi từ Na Uy, nhưng nghĩ là một cuộc gọi mình không mong đợi".
Maratov nói rằng ông sẽ tiếp tục đại diện cho báo chí Nga.
Có 329 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình năm 2021, bao gồm 234 cá nhân và 95 tổ chức. Sau giải Nobel Hòa bình, giải thưởng cuối cùng sẽ được công bố ngày 9/10 về lĩnh vực kinh tế.
Cho đến nay, 8 người đã giành được các giải thưởng danh giá Nobel 2021 về y học, vật lý, hóa học và văn học. Tất cả họ đều là nam giới.
Vào năm 2020, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho chương trình Lương thực Thế giới (WFP) nhờ "những nỗ lực đấu tranh với nạn đói, những đóng góp nhằm cải thiện điều kiện cho hòa bình ở những khu vực ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột".
Kể từ năm 1901 đến năm 2020, có tổng cộng 101 giải Nobel Hòa bình được trao. Trong số đó, 17 người phụ nữ đoạt giải Nobel Hòa bình, nhiều hơn bất kỳ giải Nobel nào khác.
Mỗi năm, Ủy ban Nobel trao các giải thưởng trong 6 lĩnh vực gồm y sinh học, vật lý, hóa học, văn học, khoa học kinh tế và hòa bình. Người giành giải Nobel sẽ được trao bằng chứng nhận, huy chương giải Nobel, và giải thưởng bằng tiền trị giá khoảng 1,1 triệu USD.