Trường hợp bình chữa cháy đặt trong ôtô của ông Ngô Hiếu Thuận (Tiền Giang) bỗng nhiên phát nổ làm dư luận lần nữa xôn xao về tính khả thi của quy định trang bị bình chữa cháy trong ôtô 4-9 chỗ.
Theo thông tư 57/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kể từ ngày 6/1/2016 ôtô 4-9 chỗ ngồi phải trang bị bình chữa cháy.
Nhiều chuyên gia và người dân đã lên tiếng về những nguy cơ có thể xảy ra khi đặt bình chữa cháy trong ôtô, trong đó có lo ngại về chuyện phát nổ.
Có sự cố ai bồi thường?
Nhiều người đặt câu hỏi về tính thiết thực của quy định này khi bình chữa cháy để trong xe ôtô ngoài trời nắng nóng rất dễ phát nổ và ai là người chịu trách nhiệm khi nổ bình chữa cháy?
Anh Lê Đức Viễn kể mình cũng từng tự mua một bình cứu hỏa dùng cho xe 4 chỗ từ trước khi quy định này ra đời (năm 2011) tại một cửa hàng bán đồ Bảo hộ lao động và bình chữa cháy, có tem kiểm định đàng hoàng.
Một người dân phải kiểm tra lại giá bình chữa cháy trước khi mua . |
“7 ngày sau, tôi để xe ngoài trời, quay cả 4 kính xuống 10 cm, thời gian khoảng 2 tiếng thì bình phát nổ, bọt tung đầy xe. Từ đó tôi không dùng bình chữa cháy nữa. Nay lại phải mua bình chữa cháy đặt vô ôtô 4 chỗ theo quy định, lại phải chấp nhận nguy cơ phát nổ” - anh Viễn lo lắng.
Bạn đọc Nhân cho rằng nếu không thực hiện theo quy định, người dân sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nếu quy định bất hợp lý thì khi sự cố xảy ra, “không biết người đưa ra quy định này có đền bù thiệt hại cho người dân không?”, bạn đọc đặt câu hỏi.
“Khi xe bị hủy hoại trong thời gian đậu ngoài trời do bình chữa cháy gây ra thì Bộ Công an có bồi thường cho chủ xe không?”, câu hỏi bạn đọc Trần Văn Khánh đặt ra nhận được rất nhiều đồng tình.
Nhiều bạn đọc cho rằng chính người dân sẽ lại là người tự chịu thiệt hại và chỉ còn biết “than trời” trước sự phiền phức mà quy định mới mang lại.
Trách nhiệm cuối cùng chỉ thuộc về nhà sản xuất và người tiêu dùng
Theo luật sư (LS) Hồ Ngọc Diệp, khi một chính sách hay văn bản pháp luật được ban hành, vấn đề đầu tiên mà người dân quan tâm đến là tính hợp pháp và hợp lý của chính sách hay văn bản pháp luật đó.
Bình chữa cháy ôtô của ông Thuận tự phát nổ, bung nắp . |
“Sự quan tâm của dư luận đối với thông tư 57/2015 về cơ bản là sự phản biện đối với tính hợp lý của văn bản này. Tức là việc quy định ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải có bình chữa cháy, liệu có phù hợp với thực tế hay không, có tác dụng thiết thực trong việc phòng chống cháy nổ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và con người, như mục đích của Thông tư này hướng tới hay không?”, LS Hồ Ngọc Diệp đánh giá.
Theo luật sư Hồ Ngọc Diệp, một khi văn bản pháp luật đã được triển khai, áp dụng trên thực tế mà có sự cố cháy nổ xảy ra, thì trách nhiệm cũng không thuộc cơ quan ban hành văn bản, mà đó lại là một mối quan hệ khác, liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Với tư cách là nhà sản xuất, doanh nghiệp nào sản xuất, cung cấp các sản phẩm là bình chữa cháy không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thì khi xảy ra sự cố cháy nổ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc nhiên sẽ thuộc về doanh nghiệp đó.
Trái lại, nếu người sử dụng sản phẩm bình chữa cháy không tuân thủ đúng những chỉ dẫn của nhà sản xuất về cách thức sử dụng, bảo quản sản phẩm nói chung, mà dẫn đến sự cố cháy nổ thì lỗi hoàn toàn thuộc về người tiêu dùng, người sử dụng sản phẩm.
Sao lại yêu cầu người dân khắc phục đại trà?
PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách Khoa TP HCM) cho biết theo quy định trước đây thì xe 16 chỗ trở lên mới phải đặt bình chữa cháy, với xe dưới 16 chỗ thì không có chỗ nào để đặt cả.
“Bình chữa cháy là một thiết bị cần phải được thiết kế vị trị đặt phù hợp. Nếu chưa có thiết kế phù hợp mà đặt trong xe thì còn nguy hiểm hơn vì bình có thể bị rung sốc, bị rơi ra ngoài hoặc nóng quá thì bình phát nổ”, PGS.TS Phạm Xuân Mai nhận định.
Ông Trần Kim Khánh, phó Khoa Chữa cháy, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy Hà Nội nói thông thường, nhiệt độ bảo quản của bình chữa cháy là từ -5 độ C đến 55 độ C.
Tuy nhiên trên thực tế, bình chữa cháy có thể chịu được nhiệt độ lớn hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi nhiệt độ bảo quản được niêm yết tùy theo áp suất của mỗi loại.
Thường thì những vụ nổ bình chữa cháy đều do bình không đảm bảo chất lượng, bình không có tem đăng kiểm hoặc bị dán tem đăng kiểm giả.
Cũng theo ông Trần Kim Khánh, hiện tại về mặt công nghệ thì Việt Nam có thể sản xuất được bình chữa cháy nhưng giá thành rất cao. Do đó, hầu hết những sản phẩm bình chữa cháy trên thị trường hiện nay đều là hàng nhập khẩu.
Công ty bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường
Bình chữa cháy không thuộc phụ tùng đính kèm theo xe (theo nguyên mẫu của nhà sản xuất); tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm nếu không có ghi rõ vì bình chữa cháy gắn theo xe (chỉ mới phát sinh từ khi có Thông tư 57) và bình chữa cháy không được liệt kê trong danh mục của hợp đồng bảo hiểm nên công ty bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường.
Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong chuyện này?
Trở lại vấn đề Thông tư 57 bắt buộc xe ôtô phải gắn bình chữa cháy. Quy định này không khả thi vì Việt Nam là nước có khí hậu nắng nóng, nhiệt độ cao quanh năm, nên khi để bình chữa cháy trong xe thì nguy cơ cháy nổ sẽ rất cao.
Theo điều 68.2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chức năng phải thăm dò thực tế, khả năng áp dụng của văn bản quy phạm pháp luật vào thực tiễn.
Mặc dù Điều 90, 91 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định khi phát hiện một văn bản pháp luật có dấu hiệu trái luật của bộ, cơ quan ngang bộ thì Chính Phủ hoặc Bộ trưởng có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật này.