Tổng cục Thuế cho biết lũy kế đến ngày 31/12/2021, toàn ngành thuế thu hồi được 25.100 tỷ đồng, đạt 83,4% chỉ tiêu thu nợ giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ đạt 17.705 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ đạt 7.395 tỷ.
Cùng với đó, ngành thuế cũng đã tập trung xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.
Tính đến cuối năm 2021, tổng số người nộp thuế đã được xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước là 860.448 người với tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp được xử lý là 32.941 tỷ đồng, bằng 117,8% so với nhiệm vụ giao.
Như vậy, tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm 31/12/2021 là 104.042 tỷ đồng, tăng 9,3% so với thời điểm 31/12/2020. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2021 ở mức 10,1%.
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo phân tích từ Tổng cục Thuế, so với thời điểm cuối năm 2020, 36/63 địa phương có tổng số tiền thuế nợ giảm; 27/63 địa phương có tổng số tiền thuế nợ tăng so với thời điểm cuối năm 2019, trong đó có 17/21 địa phương tỷ lệ tăng nợ cao từ 10% trở lên.
Việc số nợ thuế ước tại thời điểm 31/12/2021 tăng so với tại ngày 31/12/2020 do dịch Covid-19 bùng phát với diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội dẫn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán; tài sản đã thế chấp tại ngân hàng dẫn đến chưa nộp ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên.
Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc, chưa đi vào hoạt động, khai thác, chờ các địa phương giải phóng mặt bằng, giải quyết đền bù, tranh chấp, hoặc chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, cơ quan thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, vẫn còn một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo nghị định, quyết định của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan thuế đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.
Tổng cục Thuế cũng chỉ ra còn có tình trạng một số người nộp thuế thực hiện kê khai phát sinh thuế phải nộp, không bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi dụng dịch bệnh, chây ì, chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách Nhà nước.
Năm 2022, Tổng cục Thuế khẳng định sẽ rà soát, tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế. Các cục thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng phòng, chi cục thuế, từng đội thuế, từng công chức thuế, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra.
Đồng thời, Tổng cục Thuế cho biết sẽ thực hiện rà soát, phân loại các khoản nợ thuế, phân tích nguyên nhân của từng đối tượng nợ để có giải pháp đôn đốc thu nợ.